QĐND - Thực hiện “Chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất” (Chiến dịch Sấm Rền), vào những năm 1966, 1967, đế quốc Mỹ đã huy động lực lượng lớn không quân đánh phá các tỉnh, thành phố lớn ở miền Bắc. Đặc biệt ở Hà Nội, chúng sử dụng các loại máy bay F111, F105 oanh tạc vào kho xăng Đức Giang, cầu Long Biên và các mục tiêu quan trọng khác. Trong khi đó vào thời điểm này, lực lượng chiến đấu của bộ đội không quân còn non trẻ, các Trung đoàn tiêm kích 921, 923, 919 đều mới thành lập. Riêng Trung đoàn 921 phải căng mình chiến đấu để bảo vệ các mục tiêu ở Hà Nội và các khu vực lân cận, sự căng thẳng đã thể hiện rõ.
Tết Mậu Thân 1968, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bất ngờ thăm Trung đoàn 921. Đây là sự kiện quan trọng đối với bộ đội không quân và đó như là liều thuốc tinh thần đặc biệt để lực lượng không quân Việt Nam non trẻ thực hiện những nhiệm vụ mới giành nhiều chiến công vang dội.
|
Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 921 Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu.
|
Chuyến thăm của Thủ tướng không được báo trước. Qua đồng chí Đào Đình Luyện, Tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không-Không quân thì chỉ huy Trung đoàn mới biết trước chỉ mấy tiếng đồng hồ. Chiếc trực thăng Mi-8 hạ cánh xuống sân bay, Thủ tướng bước xuống với chỉ vài người tháp tùng, hàng quân gần 1000 cán bộ, chiến sĩ quân phục chỉnh tề đã tập trung từ trước khoảng 20 phút. Trung tá, Trung đoàn trưởng Trần Hanh chạy nhanh lại gần báo cáo Thủ tướng. Thủ tướng đến bắt tay, hỏi han lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn và một số phi công. Mấy giây quan sát, Thủ tướng cho phép hàng quân ngồi xuống và nói: Bộ đội không quân vừa qua chiến đấu rất dũng cảm, lập được nhiều chiến công xuất sắc khi tiêu diệt được nhiều máy bay Mĩ góp phần bảo vệ tích cực các mục tiêu ở Hà Nội. Thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương thành tích của các đồng chí. Các đồng chí tiếp tục phát huy những thắng lợi trên để chuẩn bị cho các nhiệm vụ quan trọng tiếp theo là bảo vệ con đường chiến lược miền Trung cho thông suốt nhằm tạo điều kiện để chi viện đắc lực, hiệu quả cho miền Nam ruột thịt.
Thủ tướng nhấn mạnh, cuộc chiến đấu tới sẽ rất ác liệt đòi hỏi nhiều nỗ lực và hy sinh hơn nữa, nhưng bộ đội không quân sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Cùng đi với Thủ tướng có hai chị em là ca sĩ Ái Xuân, Ái Vân. Sự xuất hiện của họ làm cho cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng và các phi công trở nên mềm mại và gần gũi hơn. Trước khi lên máy bay vẫy tay chào tạm biệt, Thủ tướng chúc cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn luôn mạnh khỏe và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thời điểm bộ đội không quân vừa trải qua nhiều trận chiến đấu căng thẳng, phải đón nhận nhiệm vụ mới khó khăn và phức tạp. Cuộc gặp gỡ chưa đầy một tiếng đồng hồ nhưng là sự kiện đặc biệt, dấu mốc quan trọng của bộ đội không quân non trẻ và là động lực to lớn để họ tiếp tục chiến đấu với lũ cướp trời.
Sau chuyến thăm bất ngờ của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chưa đầy một tuần sau, hơn mười đồng chí gồm chỉ huy, thông tin, dẫn đường, công binh do Trung đoàn trưởng Trần Hanh chỉ huy hành quân vào Khu 4 để thực hiện lời dặn của Thủ tướng - bảo vệ các con đường chiến lược ở miền Trung. Vào thời điểm này, không quân Mỹ đánh phá ác liệt các trục đường từ Thanh Hóa trở vào. Mùa xuân năm 1968, tại sở chỉ huy ở Nghi Lộc (Nghệ An), Trung đoàn trưởng Trần Hanh chỉ huy biên đội Mic-21 ở sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) bay vào chiến đấu bảo vệ sân bay Vinh, cầu Bến Thủy. Đến giữa năm 1968, ông cùng đồng đội tiếp tục cơ động chuyển sở chỉ huy vào Sông Gianh (Quảng Bình), tại đây, ông chỉ huy máy bay ta cất cánh ở sân bay Anh Sơn (Nghệ An) vào đánh máy bay B-52 để bảo vệ cầu Hiền Lương, cầu Rào, đường 9 Nam Lào…, góp phần quan trọng để giao thông thông suốt chi viện cho miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
NGUYỄN CHÍ HÒA (Ghi theo lời kể của Trung tướng Trần Hanh - Nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 921, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).