Đó là những ngày trung tuần tháng 5-1972, tôi-Lê Hồng Lạc, nhân viên cơ yếu, Bộ tư lệnh Quân khu 6 và Lê Ngọc Bảo, nhân viên cơ yếu của Đoàn vận tải Quân khu 6, quê ở Bắc Giang, được cử sang Kampong Cham, Campuchia tham gia tập huấn kỹ thuật mới. Bạn đọc cũng cần hiểu thêm rằng, những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, công tác cơ yếu, mật mã còn rất thô sơ. Với những trang thiết bị còn thủ công, với mỗi chuyến công tác, ngoài quân tư trang, những nhân viên cơ yếu chúng tôi còn “tay xách nách mang” đủ thứ phương tiện để phục vụ công việc.
Sau khóa học, tôi và Bảo nai nịt gọn gàng hành quân bộ về đơn vị. Mùa này, mưa rừng Trường Sơn kéo dài lê thê. Chúng tôi cứ lầm lũi đi, chỉ mong mau chóng trở về thực hiện nhiệm vụ. Ở nhà chắc anh em đang rất mong, vì đã hơn 4 tháng chúng tôi xa đơn vị. Quãng đường trở về, phải vượt qua sông Sêrêpôk. Con sông bình thường vốn hiền hòa, lúc sang, chúng tôi vượt qua dễ dàng, vậy mà ngày trở lại, có lẽ vì những cơn mưa rừng dai dẳng đã trở nên hung dữ bội phần. Bảo lặng nhìn dòng sông đục ngầu, nước cuồn cuộn chảy rồi chép miệng: “Trời sắp tối rồi! Lũ về thế này, chẳng biết khi nào tan đâu! Hay ta cứ vượt sông?”. Anh hỏi tôi vậy, nhưng tay đã cởi quần áo cho vào ba lô và chằng buộc lại đồ đoàn. “Nhưng tớ có biết bơi đâu!”-Tôi tư lự. “Thì tớ sẽ đưa cậu sang! Cứ yên tâm, phải tin vào tài bơi lội của tớ chứ!”. Nói rồi, Bảo lôi cuộn dây buộc chặt vào người anh, đầu còn lại đưa cho tôi buộc vào người. Xong xuôi, anh quay lại nháy mắt: “Cậu cứ đu theo dây nhé!” rồi phăm phăm lội xuống nước. Cái dáng cao to, chắc nịch của anh nhanh chóng hòa vào dòng nước xiết. Tôi cũng chuẩn bị tư thế rồi lội xuống theo anh.
    |
 |
Đại tá Lê Hồng Lạc. Ảnh: THỦY TIÊN |
Thật không may cho chúng tôi, đúng lúc đó, những con sóng dữ ầm ập kéo về. Chỉ thấy Bảo chới với, trồi lên sụt xuống mấy lần rồi mất dạng. Cái dây nối chúng tôi cũng nhanh chóng bị dòng nước lũ cuốn phăng. “Chắc dây bị đứt mất rồi!”. Tôi hoảng quá nhưng chân vẫn chạm đất, đạp loạn xạ một lúc rồi cũng lần được vào bờ.
Mưa mỗi lúc một to. Trời tối đen như mực. Tôi đưa tay gạt nước mưa trên mặt, cố gắng hét gọi Bảo. Trả lời tôi chỉ có tiếng thét trở lại của sóng lũ hung dữ cuồn cuộn, sôi sục. Kêu gào khản giọng, tôi đành đi dọc sông, vừa đi vừa gọi tên anh. Giữa đêm đen và nỗi hoang mang tột bậc, tôi vẫn không ngừng hy vọng. Rất có thể một sự may mắn tình cờ nào đó sẽ khiến tôi tìm được anh! Nhưng càng đi, càng tìm kiếm thì càng “bặt vô âm tín”. Tịnh không thấy bóng dáng anh, cũng không gặp bất cứ một người nào, dù chỉ là một người dân địa phương hay những chiến sĩ giao liên thi thoảng chúng tôi vẫn gặp trên đường hành quân. “Càng đi trong đêm tối, càng dễ gặp nguy hiểm, cơ hội tìm được Bảo cũng khó khăn hơn. Chi bằng cứ quay trở lại chỗ cũ, mắc võng tạm, sáng mai rồi tính”. Nghĩ thế, tôi quyết định quay trở lại chỗ tôi và Bảo vừa sang sông.
Loay hoay một hồi, tôi cũng mắc võng xong. Dầm mình trong mưa lạnh lâu, cơn sốt rét bất thình lình quay trở lại. Nằm co ro trong cái đói, cái lạnh, những cơn run rẩy, ớn lạnh khiến tôi thiếp đi mê man. Chừng 4 giờ sáng, tôi bị đánh thức bởi hai đồng chí giao liên. Họ dìu tôi lên thượng nguồn, chỗ có cây cầu độc mộc qua sông rồi tìm đường vào bản của người K'Ho. Thật bất ngờ, tôi gặp lại Bảo ở đây. Hóa ra, khi bị cuốn đi, Bảo đã may mắn nắm được vào rễ cây, lên được bờ. Bảo kể, do không thông thạo địa hình nơi đây, sức khỏe lại quá yếu sau cuộc "vật lộn" với cơn lũ dữ nên anh không có cách nào tìm được tôi. Anh quyết định tìm vào bản nhờ người giúp đỡ. Bảo đã được đồng bào sưởi ấm, cho ăn cháo và nhanh chóng khỏe lại. Anh định nhờ đồng bào dẫn đường để đi tìm tôi nhưng thật vui là tôi đã được các đồng chí giao liên giúp đỡ. Tôi ôm chầm lấy người đồng đội vừa thoát chết ngoạn mục.
Ngay sau đó, chúng tôi tạm biệt bà con để trở lại đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi đã trải qua những ngày tháng chiến đấu kiên cường ở mảnh đất “thành đồng” đến ngày miền Nam giải phóng. Sau này, có nhiều dịp gặp nhau, chúng tôi vẫn nhắc nhớ kỷ niệm năm nào. Đến nay, tôi đã ở tuổi 80, anh Bảo thì vừa mất năm 2020. Bài viết này như một nén tâm nhang tôi gửi đến anh-người bạn, người đồng chí đã bên tôi suốt những năm tháng hiểm nguy, gian khó nhất.
LÊ HỒNG LẠC (kể) - KHÁNH AN (ghi)