Giữa tháng 6 vừa qua, hung tin được chị Giang-vợ ông báo khiến những ai yêu mến ông sững sờ: Dũng sĩ Võ Phổ-người nhiều lần được gặp Bác Hồ, nguyên giảng viên môn Lý luận chính trị, Trường Đại học Bách khoa-Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, bị ung thư phổi giai đoạn cuối, u não 10cm, sức khỏe rất yếu, trí nhớ không còn như trước.

Từ Đà Nẵng, tôi kết hợp việc gia đình cấp tốc vào thăm ông, mang theo tình cảm gửi trao của nhóm CCB. Ngôi nhà bình dị với những căn phòng nho nhỏ ở quận 2 làm tôi hơi ngỡ ngàng. Cứ nghĩ ông nổi tiếng thế thì phải khá giả lắm. Lại nhớ không biết bao nhiêu lần trong suốt 40 năm đi dạy học (kể cả sau khi nghỉ hưu), ông đã bỏ tiền túi giúp học sinh nghèo, sẵn sàng hỗ trợ những em sắp bỏ thi vì không thể đóng học phí hay mua đồng hồ trị giá đến vài triệu đồng tặng học trò xuất sắc. Có môn ông dạy miễn phí để trường lấy nguồn kinh phí giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Giang đưa tôi lên phòng và tôi suýt không nhận ra dáng người gầy guộc trước mặt mình. May mà ông vẫn còn nhớ và gọi đúng tên khách. Trong suốt cuộc nói chuyện, ông nghe là chính, khi trả lời thì nói rất nhỏ, phải nghiêng tai mới hiểu được. Tôi động viên ông mau lành bệnh để về Đà Nẵng quê hương, ăn mì Quảng mà ông rất thích và quan trọng nữa là về quay phim. Lần trước, chuyên mục truyền hình của Bộ CHQS TP Đà Nẵng đã gặp và hẹn ông làm phim tài liệu về người con ưu tú của quê hương. Tôi cũng nói các cựu dũng sĩ diệt Mỹ ngoài đó ai cũng mong được gặp lại Võ Phổ. Ông khóc, rồi giơ tay lên như một lời hứa sẽ hội ngộ.

leftcenterrightdel
Đồng chí Võ Phổ (người quàng khăn rằn) cùng đoàn dũng sĩ miền Nam với Bác Hồ. Ảnh tư liệu.

Ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thế hệ những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, không ai không biết đến chàng trai Võ Phổ. Từ thiếu nhi đến tuổi 17, cậu đã tham gia 70 trận đánh với 14 vết thương trên người, tiêu diệt hàng trăm tên Mỹ-ngụy, 12 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Hạnh phúc nhất với Võ Phổ là được ra Bắc và gặp Bác Hồ.

Giải thích vì sao trong bức ảnh chụp chung với Bác, Võ Phổ lại ngồi xa nhất, ông bồi hồi: “Các dũng sĩ miền Nam vừa xuống xe thấy Bác Hồ, bác Tôn thì mừng lắm, chạy ùa vào. Tôi vì chân còn đau, đi chậm nên ngồi ngoài cùng. Sau khi hỏi chuyện lần lượt từng bạn, bất ngờ Bác gọi: “Cháu Võ Phổ lại đây với Bác”, rồi Bác hỏi: “Cái vết thương bên chân trái của cháu khỏi hẳn chưa?”. Bác bắt Phổ bỏ vớ ra, khi biết vết thương của cậu còn mủ, Bác nói ăn xong sẽ đưa đi bệnh viện. Phổ nghe vậy òa lên khóc, bởi cậu biết Bác tuổi cao, sức yếu, bận trăm công nghìn việc của đất nước mà vẫn lo nghĩ cho các cháu như vậy. Nghĩa là Bác luôn nghĩ về miền Nam và các cháu thiếu nhi miền Nam. Sau này, Võ Phổ nhiều lần được gặp Bác Hồ. Những kỷ niệm với Bác in sâu từng chi tiết nhỏ trong tâm trí, không bao giờ ông quên. Gần đây thôi, dịp gặp mặt nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ ra chỉ thị thành lập Đội Thiếu niên dũng sĩ miền Nam (tháng 5-1968 / tháng 5-2018), cùng ra thăm lại nơi học tập xưa ở huyện Nam Sách (Hải Dương), mọi người vẫn ngạc nhiên vì sao Võ Phổ nhớ lâu đến thế, kể cả những hành động, lời nói của bạn mình trong những lần gặp Bác. Điều đó dễ hiểu bởi ông kể chuyện Bác hằng ngày. Biết bao thế hệ trẻ đã say mê những bài giảng lý luận chính trị của ông. Một hiện tượng “có một không hai” ở bộ môn tưởng chừng khô khan này. Họ đứng tràn ngoài cửa phòng học, hành lang lắng nghe người cựu dũng sĩ kể chuyện về Bác. Đó là nhờ ông giỏi lồng ghép, gắn tư tưởng Hồ Chí Minh với bài học trong thời đại mới. Tủ sách nhà ông chật kín các loại danh mục từ cổ chí kim. Ông đọc sách nhiều và truy cập internet thường xuyên. Chẳng thế mà các bài giảng của thầy Võ Phổ lúc nào cũng hấp dẫn, ngồn ngộn thông tin, tri thức.

Một lần ra Đà Nẵng, có đồng đội từng gặp Bác Hồ “than” rằng nhiều nơi mời đi nói chuyện nhưng ngại, chỉ vì không biết lớp trẻ bây giờ có còn thích nghe không. Đó là chưa kể, người ta nói mình khoe khoang. Võ Phổ phản đối ngay: “Mình là nhân chứng, người thật, việc thật, không kể về Bác thì ai sẽ kể? Còn một ngày sống, tôi còn kể chuyện Bác Hồ”. Có lẽ bởi thế mà ông chạy đua với thời gian. Trong sâu thẳm trái tim mình, ông luôn như có Bác ở bên động viên, cổ vũ, tiếp cho ông sức mạnh lớn lao. Có lần đang giảng bài, vết thương tái phát, ông quỵ xuống ngay tại giảng đường, phải đi cấp cứu. Nghĩ sẽ bỏ nghề, thế mà tạm ổn định, ông lại trở về với sinh viên. Từ nhà ông đến các điểm trường đại học rất xa, đường sá gập ghềnh, bụi bặm, nhưng nắng cũng như mưa, ông một mình trên chiếc xe máy đi dạy, chưa bao giờ để sinh viên chờ dù chỉ một phút (như ông đã từng học được từ Bác Hồ). Hành trình chỉ tạm dừng khi ông phải vào bệnh viện chữa bệnh.

Ông từng chia sẻ: “Mấy chục năm trước, địa phương có cử cán bộ vào TP Hồ Chí Minh lấy thành tích để làm thủ tục phong danh hiệu anh hùng cho tôi với chiến công tuổi thiếu niên, tôi bảo: “Các cậu cứ làm trước cho những đồng đội tôi đã hy sinh, tôi làm sau cùng”, các cán bộ nói: “Liệt sĩ từ từ cũng được, phải ưu tiên người đang sống”. Nghe vậy, tôi chạnh lòng, xin gác lại phần mình đến tận bây giờ”... Chưa có danh hiệu nhưng Võ Phổ mãi mãi là anh hùng trong lòng nhân dân và đồng đội. 

Khi bài báo này lên khuôn thì chúng tôi nhận được tin ông Võ Phổ đã từ trần vào ngày 28-8. Bài viết như một nén tâm nhang tưởng nhớ ông, người con ưu tú của xứ Quảng anh hùng!

HỒNG VÂN