Thập niên 1980, đang là trợ lý văn hóa Cục Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu, vì có khả năng chụp ảnh nên tôi được giao phụ trách phòng ảnh của đơn vị. Biết đến khả năng này của tôi, anh Đinh Xuân Thỉnh, cận vệ của Đại tướng đã báo cáo xin ý kiến Đại tướng cho phép tôi sang chụp ảnh cho ông.
Tôi nhớ, giáp Tết Nhâm Thân 1992, tôi và anh Mùi-lái xe, tháp tùng Đại tướng đến thăm một gia đình liệt sĩ ở quận Đống Đa, TP Hà Nội. Trên đường đi, 3 thầy trò nói chuyện rôm rả, thi thoảng Đại tướng còn pha trò khiến chúng tôi cười vang. Nhưng đến khi vào nhà liệt sĩ, có bà mẹ với mấy người thân đang dọn dẹp nhà cửa, trông gia cảnh có phần ảm đạm, Đại tướng buồn lắm. Quãng đường trở về, thấy tâm trạng Đại tướng như vậy, cả xe không dám cười đùa. Im lặng suy tư hồi lâu, Đại tướng mới nói: “Tết thì mọi người đều vui nhưng nỗi đau của người mẹ mất con, người vợ mất chồng thì không gì có thể bù đắp được!”.
Những năm sau này, Đại tướng có rất nhiều đoàn khách đến thăm. Khi là các cựu chiến binh, khi là các tổ chức phụ nữ, thanh niên, công đoàn, các đoàn khách quốc tế... Ai cũng muốn được đến gần, được nắm lấy tay Đại tướng. Hôm ấy, đoàn cựu chiến binh hầu hết là thương binh, nhiều người ngồi xe lăn đến thăm Đại tướng. Sau khi báo cáo về thành phần đoàn, thăm hỏi sức khỏe Đại tướng, người phụ trách đề nghị được chụp ảnh chung với Đại tướng. Ông đã nói: “Các đồng chí cứ ngồi yên, tôi sẽ đến với các đồng chí!”. Nói rồi, Đại tướng đi đến bắt tay từng người. Nhìn dáng ông hao gầy, chầm chậm len qua những bánh xe lăn để đến gần hơn với các cựu chiến binh, tôi xúc động quá. Tôi chạy theo để cố gắng “bắt” được những khoảnh khắc thân tình của Đại tướng với các cựu chiến binh.
|
|
Bức ảnh chụp với Đại tướng trước hiên nhà được Đại tá Trần Huy Khuông trân trọng lưu giữ. Ảnh: XUÂN THỈNH |
Lần khác, tôi nhớ vào dịp sinh nhật lần thứ 80 của Đại tướng, đoàn cựu chiến binh tỉnh Hải Dương lên thăm, chúc mừng. Trong đoàn có đồng chí cựu chiến binh, thương binh tên Kịch, bị cụt chân, tay chống nạng. Anh Kịch kể chuyện bị thương khi tham gia một trận đánh vào tháng 12-1964. Đại tướng lắng nghe, nắm tay anh Kịch rất lâu. Rồi Đại tướng đề nghị tôi chụp cho ông và anh Kịch một kiểu ảnh. Hồi ấy, chụp máy phim rất sợ bị hỏng nên tôi luôn chụp hai kiểu để dự phòng. Khi chụp xong một kiểu, tôi đề nghị đổi chỗ, anh Kịch đang loay hoay di chuyển chiếc nạng gỗ thì Đại tướng đã nhắc: “Không, anh để tôi” rồi ông đi ra đằng sau anh Kịch để sang phía bên này...
Là người cầm máy bám theo các “sự kiện” nên việc có một tấm ảnh cho riêng mình với Đại tướng quả thật là rất khó. Tôi cứ nghĩ, chắc chả bao giờ mình dám mơ đến điều ấy. Nhưng tôi đã nhầm, tôi đã được Đại tướng rất "ưu ái"! Vào một buổi chiều năm 1986, Đại tướng vừa đi dự Đại hội VI của Đảng về, tôi đã đợi sẵn ở nhà số 30 Hoàng Diệu để chụp ảnh ông cùng gia đình. Khi mọi việc xong xuôi, đang có ý định thu máy ra về thì Đại tướng gọi tôi bảo: “Cậu chụp với mình một tấm nhé!”. Nói rồi, Đại tướng vẫy anh Thỉnh cầm máy ảnh cho tôi, tay thì kéo tôi ngồi xuống trước hiên nhà. Khi anh Thỉnh giơ máy lên, tôi còn đang ngồi trong tư thế khá ngượng nghịu thì Đại tướng đã cười rất tươi, tay chạm lên đầu gối tôi. Anh Thỉnh nhanh tay bấm được khoảnh khắc rất đẹp đó. Bức ảnh sau đó được tôi phóng to, treo trang trọng trong phòng khách của gia đình. Những năm sau này, tôi cũng được chụp ảnh với Đại tướng nhiều lần nữa, khi thì ở Pác Bó, Cao Bằng, khi ở Điện Biên. Lúc mọi người đã tản ra xung quanh, Đại tướng mới gọi tôi và nói: “Cậu chụp với mình nhé!”. Và tất nhiên, những bức ảnh của tôi với Đại tướng đều được anh Thỉnh chụp cho.
Năm 2004, Đại tướng về thăm quê, tôi ngỏ ý muốn đi theo. Đại tướng chậm rãi nói: “Tớ nghỉ hưu lâu rồi, ngại làm phiền đến các cậu”. Nhưng tôi trả lời rất nhanh mà không cần suy nghĩ: “Anh là Tổng tư lệnh suốt đời của tôi, còn sống ngày nào, tôi còn muốn phục vụ anh ngày ấy!”. Đại tướng không nói gì thêm, lát sau ông ngẩng lên, mắt hoe đỏ. Sau này, tôi đã in hơn 3.000 bức ảnh giao lại cho anh Võ Hồng Nam, con trai út của Đại tướng bảo quản, giữ gìn...".
TRẦN HUY KHUÔNG (kể) - THỦY TIÊN (ghi)