Bản hợp xướng khải hoàn

Ông Hoàng Thúc Cẩn xuất thân trong một gia đình nhà nho ở xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Hai cụ thân sinh của ông Cẩn đều tham gia cách mạng, từng hiến nhiều tài sản, ruộng vườn phục vụ kháng chiến. Kế thừa truyền thống gia đình, ông Cẩn tham gia Việt Minh, sau đó học Trường Quân chính Quân khu 4 rồi về Trung đoàn 9, Đại đoàn 304.

Tháng 9-1954, đơn vị ông Cẩn đang đóng quân ở Cao Bằng thì nhận được lệnh ngay lập tức chuẩn bị lực lượng, vũ khí để làm một cuộc hành quân lớn về tiếp quản Thủ đô. Đại đội ông Cẩn với 4 khẩu pháo, được giao nhiệm vụ cùng các tiểu đoàn pháo tiếp quản sân bay Gia Lâm. Nhận nhiệm vụ mà ai cũng lo âu. Liệu Thủ đô có bị tàn phá hay không? Ông Cẩn cùng một nhóm cán bộ được giao nhiệm vụ về Thủ đô trước để nghiên cứu, nắm bắt tình hình. Kết thúc nhiệm vụ tiền trạm, ông Cẩn trở về chiến khu chuẩn bị cho cuộc hành quân tiếp quản Thủ đô.

leftcenterrightdel
Gia đình cựu chiến binh Hoàng Thúc Cẩn chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sáng 10-10-1954, đơn vị của ông Cẩn hòa cùng các đơn vị bộ binh, cao xạ, cơ giới tiến vào Hà Nội. Thấy pháo lớn của quân ta tiến về, bà con ào ra đường vẫy chào trong niềm sung sướng, hạnh phúc. Các em bé bán lạc rang và kem que tràn vào hàng ngũ trút hết quà cho bộ đội. Có chiến sĩ vui sướng nhào vào vòng tay thân ái, trìu mến của nhân dân Thủ đô. Tiếng cười, tiếng khóc sụt sịt, tiếng vỗ tay, hô khẩu hiệu hòa quyện thành một bản đại hợp xướng khải hoàn ca.

Sân bay Gia Lâm vốn là căn cứ không quân lớn của địch. Trước đó, địch bố trí lực lượng bảo vệ sân bay rất hùng hậu, có pháo binh, xe tăng và hệ thống đồn bốt dày đặc. Bao bọc bên ngoài sân bay là nhiều lớp hàng rào thép gai. Khi đơn vị ông Cẩn vào tiếp quản thì lính Pháp đứng xếp hàng ngay ngắn để bộ đội ta vào làm thủ tục tiếp quản, bảo đảm an toàn.

Nước mắt ngày hạnh ngộ

Hòa trong niềm hạnh phúc của đoàn quân đang dồn dập tiến về 5 cửa ô trong ngày tiếp quản Thủ đô, ông Hoàng Thúc Cẩn còn có thêm một niềm hạnh phúc khác, đó là cuộc hội ngộ đầy bất ngờ của 5 anh em tại Hà Nội. Nhà ông Cẩn có 7 anh em trai thì 5 người tham gia kháng chiến. Từ ngày xa nhà, cả 5 anh em chưa một lần gặp mặt nhau. Người mẹ của các ông trước lúc về thế giới bên kia chưa được gặp lại các con.

Ông Hoàng Thúc Cảnh là anh cả, tham gia Việt Minh rồi làm thư ký cho cụ Hồ Tùng Mậu-Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính Liên khu 4. Người anh thứ hai là Hoàng Thúc Tuệ ở Trung đoàn 57, Đại đoàn 304. Năm 1951, ông Tuệ từng nhận được tin ông Cẩn hy sinh khi tham gia Chiến dịch Hòa Bình nên đã làm bài thơ khóc em ngay trên đường ra trận. Người em kế tiếp ông Cẩn là Hoàng Thúc Tấn, học trường thiếu sinh quân rồi trở thành chiến sĩ thông tin, tham gia chiến đấu trên chiến trường Liên khu 3-4. Người em thứ 6 là Hoàng Quý Thân, mới 17 tuổi, lúc đó đang là học sinh Trường Huỳnh Thúc Kháng ở Vinh.

Giọng nghẹn ngào vì xúc động, ông Cẩn kể lại cuộc hội ngộ trong nước mắt. Nghe tin sắp giải phóng Thủ đô, Thân đã xin nghỉ học và gia nhập một đội quân ở Nghệ An, cùng tiến ra Hà Nội mang theo hy vọng gặp lại các anh của mình. Đến Thủ đô, gặp ai Thân cũng hỏi: “Các chú có thấy anh Cẩn, anh Tuệ của cháu ở đâu không?”. Được sự giúp đỡ của bộ đội, Thân tìm đến sây bay Gia Lâm. Đúng là anh Cẩn thật rồi! Ông Cẩn ôm chầm lấy em, mừng mừng tủi tủi. Một ngày sau, ông Cẩn xin phép đơn vị cùng với em trai quay lại cầu Long Biên, nơi có nhiều đơn vị đang đóng quân. Mới đến giữa cầu, ông Cẩn xúc động khi nhìn thấy một người đang lững thững bước đi trông giống em trai mình. Ông Cẩn gọi lớn: “Tấn ơi, có phải em không?”. Ông Tấn quay đầu lại… 3 anh em hội ngộ ngay trên cầu Long Biên trong niềm vui khôn xiết.

Trước đó, lúc tiến quân về Thủ đô, ông Cẩn cũng đã nhắn nhủ đồng đội rằng, nếu như có ai hỏi mình thì nhờ nhắn gửi cứ vào ngày chủ nhật có mặt ở đền Ngọc Sơn sẽ gặp. Sáng chủ nhật hôm ấy, lúc 3 anh em ông Cẩn ra tới Hồ Gươm thì đã thấy ông Tuệ đứng chờ sẵn trên cầu Thê Húc. Phút trùng phùng xúc động. Một tuần sau, họ gặp lại ông Hoàng Thúc Cảnh. Niềm vui gia đình đoàn tụ hòa quyện trong niềm vui lớn của đất nước khiến ông Cẩn lâng lâng hạnh phúc!

Kể từ đó, năm nào cũng vậy, cứ đến Ngày kỷ niệm Giải phóng Thủ đô (10-10), gia đình ông Cẩn lại đoàn tụ và đến thăm đền Ngọc Sơn để nhớ về một thời hào hùng của dân tộc.

THUỲ LÂM