QĐND - Ánh mắt như còn phảng phất rõ “chất thép” của người lính đặc công năm xưa, nhấp ngụm trà nóng, Đại tá Đào Hùng kể cho tôi nghe về diễn biến trận đánh ác liệt và tình huống cứu sống người đồng chí, đồng đội mà khi ấy ông là Đại đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 198 Đặc công trực tiếp chỉ huy đơn vị đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột.

Ông Hùng (bên trái) gặp lại ông Thắng, người đồng đội sau gần 40 năm xa cách. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trong Chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị tôi vinh dự được giao nhiệm vụ đánh chiếm các mục tiêu quan trọng trong thị xã Buôn Ma Thuột. Đại đội 2 được tăng cường hai khẩu B41 và được chi viện cối 82mm của tiểu đoàn, bí mật luồn sâu, lót sát, tiêu diệt lô cốt và lực lượng bảo vệ vòng ngoài của địch, thọc sâu vào bên trong tiêu diệt Sở chỉ huy và lực lượng bảo vệ tổng kho Mai Hắc Đế. Giờ nổ súng là 2 giờ ngày 10-3-1975, thời gian ưu tiên 5 phút, làm hiệu lệnh nổ súng cho mặt trận. 16 giờ ngày 9-3, các đơn vị của tiểu đoàn chia tay, bí mật hành quân luồn rừng tiến về mục tiêu. Trên đường hành quân tiếp cận mục tiêu, có lẽ địch đã nghi ngờ nên pháo địch từ cứ điểm Cư M’gar bắn ra ngăn chặn đường tiến công của ta. Đơn vị vẫn bí mật lặng lẽ tiến về mục tiêu. Khoảng 11 giờ đêm, đội hình chiến đấu đã đến vị trí tập kết cuối cùng, cách hàng rào ngoài cùng của địch khoảng 50m.

2 giờ 5 phút ngày 10-3, tiếng bộc phá và tiếng súng tiến công địch tại sân bay trung tâm thị xã nổ vang. Lợi dụng thời cơ, đồng chí Trình, Đại đội trưởng lệnh cho tổ B41 tiêu diệt lực lượng địch ở hai lô cốt, đồng thời nổ bộc phá hàng rào. Tôi đưa lực lượng thọc sâu vào bên trong chia làm hai mũi đánh tỏa ra hai bên, thọc sâu đánh chiếm Sở chỉ huy Khu kho. Lực lượng địch bảo vệ khu chỉ huy bị tiêu diệt ngay từ đầu, tên đại úy chỉ huy đã chết. Đến 4 giờ sáng, đơn vị đã cơ bản làm chủ mục tiêu. Nhưng vì khu vực kho rất rộng, lực lượng địch đông gấp khoảng 10 lần của ta, chúng bắt đầu co cụm chống trả. Lực lượng phản kích của địch cùng chi đoàn thiết giáp tiến ra phản kích hòng chiếm lại mục tiêu. Đặc biệt nguy hiểm là chúng dùng lực lượng đánh chiếm lô cốt cửa mở hòng ngăn chặn và bao vây lực lượng ta ở trong kho. Được thông tin của tiểu đoàn, tôi từ trong quay ra cùng với đồng chí Vũ Tất Đắc, chính trị viên, tiêu diệt bọn địch ở đây, khai thông cửa mở. Gần 10 giờ, địch đã chiếm lại một vị trí ở gần trung tâm chỉ huy, anh em ở đây đã hy sinh khá nhiều. Xe bọc thép của địch bắn như vãi đạn về phía quân ta. Tôi chỉ huy các đồng chí còn lại dùng B40 và AK tiêu diệt một xe bọc thép và quân địch, bẻ gãy đợt tiến công phản kích của địch, buộc chúng phải lùi lại… Đến 2 giờ chiều, đồng chí Trương Công Trình-Đại đội trưởng bị thương, phải đưa về tuyến sau. Tôi xốc lại đội hình, cùng hai mũi tiến công chiếm lại những vị trí địch chiếm giữ”.

Kể đến đây, giọng ông Hùng chùng xuống: “Lúc xuất kích, cả chỉ huy chúng tôi có 37 đồng chí, đến giữa trận còn lại 22 đồng chí, 15 đồng đội đã anh dũng hy sinh. Khi đánh chiếm lại mục tiêu cuối cùng, tôi đau xót thấy 3, 4 đồng đội hy sinh nằm đè lên nhau, cạnh đó xác địch ngổn ngang. Bỗng có tiếng gọi yếu ớt: “Anh Hùng ơi! Em đây! Thắng liên lạc đại đội đây”. Tôi chạy vào nâng thi hài các chiến sĩ: Thành, Nguyên, Hòa ra một bên. Thắng bị thương ở đùi và mông, nằm dưới thành hào. Thắng nói với tôi bằng giọng yếu ớt: “Em cứ tưởng không bao giờ còn gặp anh và các anh em nữa”. Nhìn vết thương đang túa máu của Thắng, người liên lạc mưu trí, dũng cảm, người đồng chí, đồng đội thân thiết mà lòng tôi quặn lại. Lúc này, cuộc giao tranh giữa ta và địch vẫn diễn ra tương đối ác liệt… Nếu chậm trễ thì Thắng sẽ hy sinh nên tôi đã nhanh chóng chỉ huy tổ cáng thương vào băng bó, sơ cứu tạm thời và đưa Thắng về trạm phẫu rồi quay lại đưa thi hài các đồng đội hy sinh đi mai táng… Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Buôn Ma Thuột, đơn vị tôi làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự ở thị xã, tham gia xây dựng chính quyền, bảo vệ Ủy ban Quân quản. Bàn giao nhiệm vụ cho lực lượng địa phương, chúng tôi lại hành quân vào Nam, tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Gần 40 năm trôi qua kể từ ngày tham gia trận đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, tôi vẫn đau đáu không biết về thông tin người đồng chí tên Thắng sau trận đánh trở về ra sao? Thật may, vào năm 2014, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn làm chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ”, tôi đã viết thư tới chương trình với mong muốn tìm gặp lại người đồng đội trong trận chiến năm xưa. Cảm động trước câu chuyện của chúng tôi, những người làm chương trình đã tìm kiếm và chắp nối thông tin để tổ chức cuộc gặp gỡ cho hai người bạn chiến đấu sau gần 40 năm bặt tin nhau. Gặp lại nhau, tôi và Thắng ôm chầm lấy nhau không thể nói nên lời, đôi mắt chúng tôi nhòa lệ…                                 

(*) Ghi theo lời kể của Đại tá  Đào Hùng, Phó chủ tịch Hội CCB tỉnh Bắc Kạn, nguyên Đại đội phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 198 Đặc công

ĐỖ KIM TẬP (*)