Một trong những người để lại cho tôi nhiều tình cảm là Tổng công trình sư Xidorov Leonid Mikhailovich. Ông được Bộ Bưu điện Liên Xô, Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô, Ủy ban Liên lạc Kinh tế đối ngoại trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô cử sang Việt Nam trong thời gian 1971-1973 làm trưởng đoàn chuyên gia giúp Bộ Công an xây dựng một trung tâm thông tin liên lạc, gọi là công trình “Phương Đông”. Đây là một công trình thông tin hiện đại ở Đông Dương thời bấy giờ.

Thực hiện chỉ thị của Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn phải sớm đưa công trình này vào sử dụng, trưởng đoàn Xidorov đã cùng với lãnh đạo Ban Kiến thiết công trình “Phương Đông” động viên các chuyên gia Liên Xô cùng với cán bộ kỹ thuật và công nhân Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thi công. Nhiều ngày chủ nhật, các đồng chí chuyên gia Liên Xô cũng đến làm việc tại công trình. Một tình huống xảy ra là thiếu thiết bị đồng bộ, gây khó khăn cho việc thực hiện đúng tiến độ thi công của công trình. Theo vận đơn gửi hàng thì loại thiết bị đang bị thiếu được Liên Xô gửi trên một chuyến tàu đã cập cảng Hải Phòng cách đó gần 3 tháng. Trước tình hình đó, trưởng đoàn Xidorov đã chủ động đề nghị được cùng với lãnh đạo Ban Kiến thiết công trình xuống cảng Hải Phòng thực hiện việc tra cứu danh mục thiết bị đã được gửi từ Liên Xô tới Việt Nam.

leftcenterrightdel

Ông Xidorov tham gia ngày thứ bảy lao động xã hội chủ nghĩa tại công trình “Phương Đông”, tháng 4-1972. Ảnh chụp lại

Một đêm mùa đông năm 1971, chúng tôi cùng hai chuyên gia Liên Xô đầu đội mũ sắt, ngồi trên xe UAZ vượt qua nhiều cây cầu nguy hiểm trên Quốc lộ 5 xuống cảng Hải Phòng. Đến nơi, hai đồng chí chuyên gia không cần nghỉ ngơi, đã cùng chúng tôi đến làm việc với Cảng vụ Hải phòng, đến từng kho, từng bãi để tra cứu hồ sơ. Kết quả là chúng tôi tìm thấy số hàng mà công trình đang rất cần.

Với tinh thần làm việc “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, nhờ có sự giúp đỡ rất tận tình của các đồng chí chuyên gia Liên Xô, tháng 11-1973, lễ khánh thành công trình “Phương Đông” đã được tổ chức rất trang trọng. Các đồng chí trong đoàn chuyên gia Liên Xô sau này đều được Chính phủ Việt Nam tặng Huân chương Hữu nghị. Bộ Công an Việt Nam tặng Huy chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Năm 1985, tôi được theo học một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tại thành phố Leningrad. Đây là nơi ở của gia đình ông Xidorov và một số chuyên gia đã công tác tại công trình “Phương Đông”. Trong thời gian ở Leningrad, tôi có một số lần đến thăm gia đình những người bạn Nga. Kể từ ngày đó, chúng tôi vẫn định kỳ gửi thư cho nhau qua đường bưu điện. Nhưng sau sự kiện Liên Xô tan rã, sự liên lạc của chúng tôi bị gián đoạn. 

Tôi có nguyện vọng trở lại Saint Petersburg, Liên bang Nga để tìm gặp những người bạn Nga. Nguyện vọng của tôi đã được các sinh viên Việt Nam đang học ở Saint Petersburg giúp đỡ thủ tục xin cấp visa nhập cảnh. Các sinh viên nói trên nguyên là học trò học tiếng Nga trong khóa đào tạo cấp tốc mà tôi là giáo viên. Thế là sau gần 30 năm, trung tuần tháng 9-2013, tôi đã được trở lại cố đô của nước Nga. Ngay những phút đầu tiên đặt chân xuống sân bay ở Saint Petersburg, lúc đó đã 11 giờ đêm, khi chưa có sim điện thoại của Nga, tôi đã được một người Nga làm việc trong phòng đón khách gọi điện báo cho sinh viên Việt Nam Trần Hải Dương biết chúng tôi ra cửa số mấy để Dương đến đón. Chỉ một cuộc điện thoại đó cũng đã nói lên tình cảm rất thân tình của những người dân Nga đối với nhân dân Việt Nam mà tôi là người được nhận.

Trong chuyến đi, tôi đã cùng em trai-một thương binh ở chiến trường Nam Bộ len lỏi đến từng góc phố để tìm nhà ông Xidorov. Với lòng mến khách, người dân thành phố Saint Petersburg chỉ đường một cách rất tỉ mỉ, chúng tôi tìm ra được nhà ở của ông. Cuộc hội ngộ đã diễn ra trong sự xúc động đặc biệt của tôi và ông Xidorov. Tôi rất bùi ngùi khi ngồi vào chiếc ghế đi văng mà cách đây gần 30 năm, tôi và ông bà Xidorov đã mấy lần cùng ngồi uống nước, xem ti vi, thế mà lần này không có bà Lidya Alekseevna. Hồi năm 1996, người vợ yêu thương của ông đã ra đi một cách đột ngột do bị tai biến mạch máu não.

leftcenterrightdel

Vô cùng xúc động sau gần 30 năm, tháng 9-2013, tác giả gặp lại nhân vật trong bài viết. Ảnh do tác giả cung cấp

Tôi càng bàng hoàng khi nghe ông Xidorov nói cho biết, ông bị ung thư dạ dày và sắp phải vào viện để mổ. Ở tuổi 84, căn bệnh hiểm nghèo đã làm cho ông yếu đi rất nhiều so với trước. Vì quá vui mà lại là niềm vui bất ngờ, nên ông cứ chạy ra bếp rồi lại chạy vào phòng khách, muốn đem tất cả những thứ gì đang có trong nhà để tiếp chúng tôi. Tôi đã giúp ông thực hiện công việc này.

Ông đưa cho chúng tôi xem tập ảnh mà các ông đã chụp trong thời gian công tác ở Việt Nam, muốn cùng chúng tôi nhớ lại những tháng năm các ông gác lại nỗi nhớ thương vợ con, vượt qua nhiều khó khăn về thời tiết, về điều kiện sinh hoạt trên đất nước đang ngày đêm có chiến tranh để giúp chúng tôi xây dựng công trình phục vụ thông tin an ninh-quốc phòng. Hình ảnh ông kéo chiếc xe chở đất trong ngày thứ bảy lao động xã hội chủ nghĩa tại công trình “Phương Đông” nói lên lòng nhiệt tình của các chuyên gia Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của chúng ta.

Nhìn ông, tôi thấy càng thương khi ông ốm mà không có người vợ ở bên cạnh. Người con trai của ông bà hiện sống ở căn hộ không cùng tòa nhà với cha. Ông muốn chúng tôi ngồi lâu hơn nữa. Song thấy ông mệt, mặt khác chúng tôi cũng cần chuẩn bị để tạm biệt ông và thành phố cổ kính của Peter đệ nhất để về Moscow. Cuộc chia tay tràn đầy những cảm xúc khó tả. Tôi cố nén tiếng khóc muốn bật ra để nói với ông rằng: Chúc ca mổ sẽ đem lại cho ông bình an và sức khỏe, để ông đón đứa chắt ngoại sắp ra đời. Tôi ôm ông và nói: “Nhất định chúng ta còn gặp nhau!”. Ngậm ngùi, quyến luyến, chúng tôi chia tay!

Sau ngày được gặp lại ông Xidorov, tôi và con trai ông định kỳ 1-2 lần trong tháng thông tin cho nhau qua điện thoại hoặc thư điện tử. Tôi được con trai ông báo tin, ngày 15-9-2014, ông đã đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi 85...

NINH CÔNG KHOÁT