Nhà tù Hỏa Lò.

Thực dân Pháp xây nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội năm 1896 kiên cố vào bậc nhất Đông Dương, đặt tên là “Maison centrale”, tức Đề lao trung ương. Đây là nơi giam cầm tra tấn dã man nhiều chiến sĩ cách mạng, song cũng trở thành nơi các chiến sĩ biến nhà tù thành trường học, rèn luyện ý chí đấu tranh, đặc biệt những người cộng sản đã nhiều lần tổ chức vượt ngục thành công.

Cuộc vượt ngục đầu tiên tháng 12-1932 do “Anh cả Sao Đỏ” Nguyễn Lương Bằng lãnh đạo, 7 người thoát ngục một cách ngoạn mục. Cuộc vượt ngục tiếp theo vào tháng 3-1945, với 146 người được đánh giá là có quy mô lớn nhất. Thoát khỏi lao tù, những chiến sĩ đã tỏa ra, lao ngay vào cuộc tranh đấu góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945.

Đến hôm nay còn rất ít người là nhân chứng của cuộc vượt ngục đó. May mắn là nhà thơ Đinh Phạm Thái (70 tuổi, là GS.TSKH, Nhà giáo nhân dân, nhiều năm giảng dạy ở Đại học Bách khoa Hà Nội), có người anh ruột Đinh Nho Diệm, tức nhà thơ Quỳnh Dao cũng trong số những tù vượt ngục lần ấy. Ông Thái dẫn tôi đến gặp một người bạn của anh mình là cụ Hoàng Phong (tên khai sinh Nguyễn Huy Hòa), 85 tuổi, hiện ở  D7, Thành Công, Ba Đình, Hà Nội. Cụ Hoàng Phong tuy đã yếu, không đi lại được, nhưng còn minh mẫn, cụ nhớ lại:

Quê gốc tôi ở Tử Dương, Thường Tín, Hà Tây, từ đời ông nội tôi đã ra Hà Nội, ở tại phố Sơn Tây, thuộc ô Cầu Giấy. Nhà nghèo, tôi đi làm thợ từ năm 15 tuổi và giác ngộ cách mạng, năm 16 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 3-1941, trong lúc đang rải truyền đơn, tôi bị địch bắt, lúc đầu chúng đưa vào trại tù trẻ con ở Bắc Giang, sau về Hỏa Lò. Chi bộ nhà tù, ngoài duy trì sinh hoạt các tổ đảng, còn có các “ban” giúp việc, như khánh tiết, trật tự, văn hóa văn nghệ, cứu tế… Tôi ở ban khánh tiết do anh Trần Tử Bình lãnh đạo. Anh Quỳnh Dao trước khi đi hoạt động cách mạng đã là nhà thơ tiền chiến có tiếng rồi, anh ở ban văn hóa văn nghệ, chuyên làm bích báo. Bích báo ngày ấy khổ giấy giống như tờ tạp chí ngày nay, không định kỳ, mà thường ra theo mùa và các sự kiện. Chẳng hạn có “Xuân 43”, “Thu 44”, hay chuyên đề về Hoàng Văn Thụ khi anh bị tử hình… Tôi vẫn nhớ anh Quỳnh Dao trắng trẻo, nho nhã, hay có những bài viết về sinh hoạt của tù nhân, như ở trại H có anh Bái phụ trách trật tự, thính tai nghe đái đêm, nên anh đã viết câu thơ rất hóm là: “Nghe đái rất tài là me-sừ Bái”.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp, chi bộ nhà tù nhận định đây là thời cơ rất tốt để vượt ngục, trở về với phong trào, vì bọn Nhật tiếp quản nhà tù buổi đầu có phần lơi lỏng. Vượt ngục có hai cách, dân tù gọi là “thăng thiên” tức trèo qua tường và “độn thổ” chui cống ngầm. Lúc đó đều có thể vận dụng cả hai. Lợi dụng sự nhộn nhạo, tù chính trị lẩn sang trại tù thường phạm, lúc đầu có một số anh kiếm được quần áo thay, trà trộn vào những người đi thăm nuôi, tiếp tế, đàng hoàng vượt qua cổng chính. Rồi lính Nhật biết sơ hở đã kiểm soát chặt hơn, không thể ra bằng cách này nữa. Toán đã lọt sang trại thường phạm thì chuẩn bị kỹ lưỡng dây điện, chăn để vắt qua tường, trùm lên mảnh chai và điện cao thế rồi nhoài người qua, nhẩy đại từ bờ tường cao xuống bãi cỏ phía ngoài. Trong ngày Nhật hất cẳng Pháp, có 11 chiến sĩ “thăng thiên” thành công, trong số đó có các anh Trần Đăng Ninh, sau là Thiếu tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp Quân đội nhân dân Việt Nam; Nguyễn Văn Kha, Bộ trưởng Công nghiệp; Nguyễn Lợi, Phó ban Tuyên huấn Trung ương; Hoàng Hữu Nhân, Bí thư thành ủy Hải Phòng…

Chúng tôi phát hiện có cống ngầm ở sân trại J nắp trên khá sơ sài dù trước đấy địch đã cho gia cố, hàn các thanh thép chắn. Anh Trần Tử Bình phân công Trần Văn Cử và tôi vốn người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, chui xuống trước  dò đường. Anh đã kiếm trước mấy bộ quần áo nhà bếp cho chúng tôi mặc thay quần áo tù. Chúng tôi dùng thanh cùm phá mối hàn lưới sắt. Vừa chui vào cống thấy tối om, lõng bõng bùn nước, như đường xuống âm ti địa phủ. Hàng giờ phải lom khom trong lòng cống chật chội, mùi hôi thối bốc nồng nặc, đặc biệt nhiều dán, chúng bay loạn xạ, rào rào đập vào mắt, vào mồm. Lần mò mãi, tới khi phía trước hé ra tia sáng, cùng tiếng rầm rầm trên đầu. Hẳn đã đến một nắp cống ga phía ngoài khuôn viên trại. Tôi đội nắp trồi lên. Thì ra là phố Thợ Nhuộm! Nhiều người đang đi bộ, xe đạp, hối hả chẳng để ý đến tôi. Phố khá vắng, vả lại đang lúc giao thời nhộn nhạo, hầu như ai trên đường cũng vội vã, ít quan tâm đến xung quanh, thoát lên đây ít bị lộ nhất. Chúng tôi quay về báo cáo đã tìm được đường ra. Toán do anh Trần Tử Bình phụ trách có 34 người (trong đó có vài tù thường phạm do có thỏa thuận trước), chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 3-4 người. Anh Cử dẫn anh Đỗ Mười cùng hai người nữa đi trước. Nhóm tôi có các anh Trần Tử Bình (sau là Thiếu tướng, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc); Phan Lang (Phó ban Thanh tra Trung ương) và Các “Răng vàng” (tức Nguyễn Tuân, Thứ trưởng Bộ Điện than). Về sau tôi được biết, nhà tù Hỏa Lò từng có nhiều cuộc vượt ngục thì đây là cuộc “độn thổ” quy mô lớn chưa từng có, nhiều tốp ở các trại khác lần lượt chui cống ngầm trót lọt, tổng cộng 146 người, trong số đó có anh Quỳnh Dao, sau hy sinh ở chiến khu Việt Bắc năm 1947; anh Thôi Hữu, cũng là nhà thơ nổi tiếng sau làm các Báo Sự thật (tiền thân của Báo Nhân Dân); Vệ Quốc Quân (tiền thân Báo Quân đội nhân dân), Hồn nước (tiền thân Báo Tiền phong), phóng viên mặt trận, hy sinh ngày 6-12-1950 trong chiến dịch Trung Du. Từ chập tối đến nửa đêm ngày 11-3-1945, hàng loạt “cánh chim tự do” được sổ lồng như vậy!

Các lão thành cách mạng thăm lại nơi cống ngầm trong nhà tù Hỏa Lò, từ đây vượt ngục thành công. Từ trái sang: nguyên tổng bí thư đỗ Mười, cụ Trần Văn Cử, cụ Hoàng Phong.

Lúc lên được mặt phố, bộ quần áo nhà bếp của tôi lấm lem, người thì hôi hám  kinh khủng, tôi định xin phép anh Bình về qua nhà tắm rửa, thay quần áo, anh liền trợn mắt quát: “Bẩn có hơn sa vào tay địch lần nữa không!”. Thế là chúng tôi ngay đêm đó chuồn thật nhanh khỏi Hà Nội, về tập kết tại cơ sở của ta ở làng Vạn Phúc, Hà Đông. Sau khi vượt ngục, anh Trần Tử Bình được Trung ương điều làm Chỉ huy trưởng Đệ tam chiến khu, còn tôi là giao thông viên cho Xứ ủy Bắc Kỳ. Tháng 8-1945, Hà Nội và các địa phương sôi sục phong trào cách mạng do Việt Minh lãnh đạo, anh Trần Tử Bình lại được điều về Hà Nội, tham gia chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tôi thì do biết võ vẽ nghề cơ khí, được phân công làm Phó giám đốc Nhà máy sửa chữa ô tô Nam Thắng. Nhà máy này có vinh dự chuẩn bị chiếc ô tô con của Bác Hồ trong lễ đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình. Giữa năm 1946 tôi học lớp đào tạo chính trị Lê Hồng Phong ở Vạn Phúc, sau đó được cử làm Bí thư kiêm Chủ tịch khu Lãng Bạc, tức khu vực Trúc Bạch-Hồ Tây bây giờ. Trong kháng chiến chống Pháp, tôi làm việc ở Ban Tổ chức Liên khu 10 và Liên khu 4, hòa bình lập lại thì được cử đi học ở Học viện Chính trị Mác-Lê nin, Bắc Kinh, Trung Quốc; trước khi về hưu là Phó giám đốc Trường Tuyên huấn Trung ương, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền thuộc Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.

Nhìn lại quá trình hoạt động cách mạng, tôi đã làm nhiều công việc khác nhau và không ít những kỷ niệm vui buồn trong những năm tháng không thể nào quên đó. Ngày nay trong khu di tích Hỏa Lò có khắc tên những người cộng sản từng bị tù đày tại đây. Khi còn khỏe, mỗi năm tôi đều vào thăm lại nơi đó một vài lần và luôn nhẩm tên những người đồng đội thuở nào, số người còn cứ thưa dần. Mong các thế hệ kế tiếp không quên quá khứ hào hùng, oanh liệt một thời của cha ông để sống, làm việc sao cho xứng đáng.

PHẠM QUANG ĐẨU ghi

HOÀNG PHONG (kể)