QĐND - Ngôi nhà của Thiếu tướng Lê Quang San (nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu) nằm ngay trên một con phố nội thành Hà Nội, nhưng khi dắt xe qua ngách chật vào khoảnh sân trước nhà, chúng tôi cảm giác như bước vào một không gian của làng quê, giản dị và ấm cúng. Bên bàn trà, giọng nói xứ Quảng nằng nặng của ông và bà Trương Thị Ân - vợ ông, đã đưa chúng tôi lật giở trang đời sôi động và cảm động về mối lương duyên “trong họa có phúc” của ông với bà…
 |
Vợ chồng Thiếu tướng Lê Quang San.
|
Tháng 4-1954, đơn vị của Lê Quang San được lệnh đánh căn cứ Đắc Đoa, nơi có một đại đội lính Âu-Phi khét tiếng của địch trấn giữ. Hôm ấy, đơn vị bí mật cơ động đến gần căn cứ địch thì trời mờ sáng. Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Lê Công Khai, các chiến sĩ mang bộc phá áp sát lô cốt địch. Sau khẩu lệnh gọn, rõ: “Điểm hỏa!”, là tiếng nổ rền vang. Bất ngờ, Đại đội trưởng Lê Công Khai bị trúng lựu đạn của địch từ trong tung ra, gục xuống, hy sinh tại chỗ. Chính trị viên Lê Quang San động viên anh em bình tĩnh, tiếp tục chiến đấu để trả thù cho Đại đội trưởng. Anh bám sát chiến sĩ mang bộc phá. Những quả tiếp theo cũng lại nổ rền. Lúc này địch bên trong vãi đạn bắn ra kết hợp với những quả lựu đạn ném ra, nổ rất gần khiến San bị găm mảnh khắp người. Một quả nổ gần, áp lực nổ khiến toàn bộ phía bên phải mặt anh đen thui. San ngất đi. Chính trị viên phó Nguyễn Văn Toàn thay anh tiếp tục chỉ huy trận đánh. Thấy trên người San máu ra nhiều, không còn cử động, bộ phận thu dung tử sĩ đưa anh đi khâm liệm, chuẩn bị chôn cất. Bỗng có người phát hiện San còn sống, vội kêu lên. Mọi người hớt hải cáng anh chạy như bay về trạm quân y để cấp cứu. Với thể lực và sức đề kháng tốt, nên chỉ sau nửa tháng anh đã gần bình phục. Tay vẫn còn phải đeo băng, anh nằng nặc đòi về đơn vị chiến đấu vì nghe tin đơn vị sắp di chuyển xuống phía Nam.
Trên đường về đơn vị, San khấp khởi cuốc bộ hơn 40 cây số về thăm nhà anh trai. Trời đã nhá nhem tối. San sững người khi thấy một không khí nặng nề bao trùm căn nhà lụp xụp nơi vợ chồng người anh trai đang ở. Vừa bước vào cửa định chào to thì chị Bảy - chị dâu anh chợt hét lên sợ hãi, hai tay lạy như tế sao:
- Ôi chú ơi! Ba hồn bảy vía chú sống khôn chết thiêng chú đừng về dọa chị nữa, chị sợ lắm!
Cả nhà cùng nháo nhác chạy ra. Ngọn đèn dầu nhập nhòa bên bàn thờ còn nghi ngút khói hương. San biết chắc có sự hiểu lầm rằng anh đã hy sinh, anh bèn nói to:
- Ôi trời! Em đây! Thằng Tám San bằng xương bằng thịt đây chứ có phải ma đâu mà cả nhà sợ vậy!
- Ôi! Chú Tám, đúng chú Tám về rồi! Không phải hồn ma! - Chị dâu hét lên sau cơn hoảng loạn tinh thần. Sau phút ngỡ ngàng, anh trai, rồi chị dâu, các cháu nhao đến ôm lấy San. Tiếng khóc chợt nấc lên, nhưng là tiếng khóc của hạnh phúc khi đón người trở về từ cõi chết…
Hỏi ra mới biết sự tình: Trong số các thanh niên xung phong phối hợp cùng bộ đội thu dung tử sĩ hôm đánh trận Đắc Đoa, có người cùng làng nhận ra San đã được đưa đi khâm liệm, nên đã tìm cách báo về cho người nhà anh. Cả nhà được tin dữ đã lập bàn thờ hương khói cho San suốt gần nửa tháng qua… Lần trở về này với San không chỉ có một ý nghĩa đặc biệt là từ cõi chết trở về, anh còn có một niềm vui khác, cũng rất đặc biệt, mà mọi người bảo là “trong họa có phúc”. Đó là anh được gặp lại Trương Thị Ân, người con gái mà bấy lâu anh vẫn thầm yêu trộm nhớ, bây giờ nghe tin San vừa trở về từ nơi “hòn tên mũi đạn”, cô cảm phục và càng mến yêu anh hơn. Ân kém anh ba tuổi, người cùng thôn. Hai người biết nhau từ thuở chăn trâu, cắt cỏ. Khi San đi bộ đội, Ân tham gia du kích. Nổi tiếng là một cô gái có tác phong hoạt bát, năng động, Ân được giao chức Trung đội trưởng. Mới tròn mười bảy tuổi, cô đã được vinh dự kết nạp Đảng từ tháng 8-1948, trước ngày San vào Đảng một năm. Dù chưa ngỏ lời yêu, nhưng thỉnh thoảng San vẫn nhận được thư của Ân với những lời động viên rất ngọt ngào. Khi nghe tin San hy sinh, cô bàng hoàng đau xót, nhiều đêm vùi đầu trên gối khóc thương anh. Rồi lại được tin anh còn sống trở về, cô tưởng như vừa qua một giấc mơ, vội chạy đến để gặp anh… Lần ấy, hai người đã chính thức nói lời yêu nhau. Cũng năm đó, trong thời buổi giặc giã, họ đã quyết định thành hôn. Đám cưới cực kỳ đơn giản, chỉ có mâm cơm gặp mặt hai nhà. Đêm tân hôn, anh chỉ ở lại với Ân được mấy tiếng đồng hồ rồi lại ra đi từ sớm tinh mơ…
Năm 1955, Ân bất ngờ nhận được thông báo cô sẽ cùng đoàn cán bộ ra Bắc tập kết. Cô cũng không ngờ rằng, từ sự ra đi lần ấy để rồi cô gắn bó phần đời còn lại với Hà Nội, nơi mà trong mơ cô cũng không dám tin là mình sẽ có dịp được đến. Cũng nhờ vậy mà cô có cơ hội được công tác gần Tám San, chồng cô, một người lính sau này cũng có nhiều năm công tác ở Hà Nội…
Ở tuổi tám mươi ba, vị tướng già Lê Quang San vẫn tráng kiện và minh mẫn. Trong ngôi nhà cũ, đồ đạc đơn sơ chỉ có hai người già nuôi nhau, câu chuyện của ông với chúng tôi rất sôi nổi và mạch lạc. Dù đôi lúc, lo cho sức khỏe của ông mà chúng tôi phải ý tứ cắt ngang lời ông, để ông nghỉ ngơi chút đỉnh. Ông cười sảng khoái như muốn bảo: “Không sao, sức khỏe tớ vẫn tốt, còn nói chuyện được!”. Bà Ân, người bạn đời yêu quý, người bạn chiến đấu gắn bó với ông hơn sáu thập niên qua, giờ nghe ông nói chuyện với khách, ánh mắt sáng lên niềm vui...
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Sáu