Tiết mục múa Lăm-vông của Đoàn văn công quốc gia Lào trong chương trình Biểu diễn nghệ thuật Lào-Việt (29-4-2009). Ảnh: Internet

Ngày 14-12-1972, Ních-xơn gửi tối hậu thư cho Chính phủ Việt Nam đòi phải nhượng bộ theo yêu sách của Mỹ. Nếu trong ba ngày không phúc đáp sẽ phải đương đầu với chiến dịch oanh kích chưa từng có trên khắp miền Bắc…

Ngày 17-12-1973, đúng thời điểm hăm đe của Mỹ, cả vùng trời Nam Lào bỗng ắng hẳn tiếng phản lực gầm rú. Ai cũng dự cảm một sự kiện quyết liệt diễn ra ở đâu đó. Chiếc thu thanh bán dẫn không bắt được làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi kéo cần ăng-ten, đổi băng vẫn không sao nghe được tiếng nói thiết tha của phát thanh viên. Chợt điện thoại réo đổ hồi. Trịnh Đức Tính, chuyên gia Tỉnh đội Sa-va-na-khét gọi thảng thốt:

- Có phải mất tiếng nói của ta… Đài Hà Nội làm sao rồi hở anh…

Tôi không biết trả lời thế nào, đành hỏi:

- Khuya quá rồi… bên ấy anh còn thức ư?

- Có cả đồng chí Phò Công Si, Bí thư Tỉnh ủy và Phò Xía, chủ tịch Mường Pha Lan cùng đang ở đây theo dõi… Muốn hỏi sư đoàn có được thông báo của Bộ?

Bất giác mũi tôi hăng xộc lên. Thắc thỏm đến gần sáng tôi với tay bật công tắc. Bản nhạc “Giải phóng Điện Biên” vang lên. Tôi mừng quá vội quay điện thoại sang tổ chuyên gia quân sự. Tiếng Trịnh Đức Tính lấp gấp: “Tôi đây! Các đồng chí bạn đang nghe đài… tí nữa nói chuyện…”.

Buổi phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo chiến sự nóng hổi “… Ngày 18-12 hàng đàn máy bay B52 và các loại thần sấm, con ma, cánh cụp cánh xòe lao đến ném bom Hà Nội và Hải Phòng… Tin đầu tiên bộ đội ta diệt 8 máy bay, có ba pháo đài bay B52… Bảy giặc lái bị bắt…”.

Tiếng vỗ tay bật lên át cả tiếng phát thanh viên. Cả thời gian đế quốc Mỹ tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng, các bộ chiến sĩ Sư đoàn 472, và các bạn Lào nín thở lắng nghe từng buổi phát thanh. Không chỉ muốn biết tin ta diệt giặc mà còn để nghe được tiếng nói từ trái tim Việt Nam trong lúc này.

Đêm 20-12, lại hơn 300 máy bay phản lực và B52 xé  toang màn đêm Hà Nội, Hải Phòng… Nguồn hàng vượt lên Tây Trường Sơn bị chặn đứng… Sư đoàn 472 chỉ còn ít xăng dầu bảo đảm cho hai mặt trận Đồng Hến, Sa-ra-van. Các đơn vị, kể cả bệnh viện cũng phải tự gùi thồ để bảo đảm cuộc sống.

Tôi đến Binh trạm 34, vừa đúng lúc Trần Yên Thế cùng cán bộ mấy huyện quanh địa bàn Sa-ra-van chuẩn bị lực lượng đón thời cơ mới. Thấy người quen, đồng chí Bun  Xóa, Phó bí thư Đảng bộ Mường Noòng niềm nở bắt tay.

- Ôi! Hà Nội đánh giỏi quá. Bắt sống Thiếu tá Mỹ Alếch-dăng lái B52 rồi. Tui nghe đài Thủ đô Việt Nam đó…

Binh trạm trưởng 34 nhanh trí đưa bi đông rượu tới, rót hai chén chúc tình đoàn kết anh em Việt-Lào cao hơn đỉnh núi, dài hơn dòng sông. Chủ tịch Bun Xía vịn vai tôi, nâng chén rượu, giọng như đẫm nước đọc to câu thơ của Chủ tịch Xu-pha-nu-vông:

- Xủng quà chom phu, nhao quà lăm mò nặm

- Quạng quà mạ hả xá mụt, ngăm quà đươn phê

(Cao hơn đỉnh núi, dài hơn dòng sông

Rộng hơn biển lớn, đẹp hơn trăng rằm)

Chúng tôi cùng ngửa cổ dốc cạn chén, nhìn vào mắt nhau siết chặt tay hứa: “Quyết làm hết mình vì nước Lào, vì Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ trận này”.

Ngày 15-1-1973, đế quốc Mỹ phải chấp nhận ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Ngày 23-1, Bộ trưởng Ngoại giao các bên ký chính chức. 28-1-1973 hiệp định Pa-ri có hiệu lực…

Nghe thông báo đến đấy, khắp Trường Sơn bùng lên tiếng hò dậy núi. Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy Sa-va-na-khẹt gửi điện đến Sư đoàn 472: “… Chúng tôi vô cùng sung sướng chào mừng Việt Nam đã thắng một bước quyết định như Bác Hồ dạy" "Đánh cho Mỹ cút…" Nước Việt Nam đã thắng Mỹ thì nước Lào cũng nhất định thắng nay mai… Chúng ta tin tưởng thế…”.

Quân chính phủ Hoàng gia Lào run sợ trước thắng lợi rực rỡ của Việt Nam, chúng chùn lại cố thủ. Bộ tư lệnh 559 thống nhất với Bộ chỉ huy quân khu Nam Lào mở cuộc tấn công tổng lực vào quân địch cả mặt trận Y và R. Sư đoàn 472 chịu trách nhiệm chi viện đắc lực vũ khí lớn, súng chống tăng, hỏa tiễn đất đối đất cho Liên quân Lào-Việt.

Giặc Mỹ và chính quyền tay sai không thể lì lợm chờ “đạt thế mạnh mới ký kết”… Ngày 22-2-1973, Chính phủ Hoàng gia Lào vội ký hiệp định hòa bình ở Lào, có hiệu lực ngay đúng lúc mặt trời tròn bóng.

Bà con các bản hò reo dậy đất, hả hê cười nói, túa ra đường tay bắt mặt mừng. Bao nhiêu năm, hôm nay mới thấy yên bình…

Nguyễn Việt Phương