Theo lời kể của CCB Phạm Thôi Miên: Tháng 9-1974, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mưa triền miên, nước ngập trắng cả một vùng rộng lớn, lác đác chỉ còn lại những bờ kênh và một vài gò đất cao là chưa bị ngập. Trời mưa liên tục dài ngày nên địch chủ yếu ở trong các đồn, bốt. Nhận thấy đây là thời cơ để tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng, Trung đoàn 88, Quân khu 8 (nay là Quân khu 9) giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 3 tiến công địch trong căn cứ Cả Vừng. Trung úy Phạm Thôi Miên lúc này là trợ lý Ban Chính trị trung đoàn, được giao nhiệm vụ làm đặc phái viên tham gia chiến đấu cùng Tiểu đoàn 3.
Căn cứ Cả Vừng nằm ở phía đông bắc và cách thị xã Cao Lãnh, tỉnh Kiến Phong (nay là TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) hơn 2km. Lực lượng địch ở đây có khoảng 60 tên, bao gồm bộ phận quản lý dân, lực lượng dân vệ và bộ phận phục vụ, gọi chung là “Hội đồng tề” Cả Vừng. “Hội đồng tề” Cả Vừng thực chất là bộ máy chính quyền phản động ở cấp xã do Mỹ-ngụy thành lập, kìm kẹp hơn 4.000 dân. Cách căn cứ Cả Vừng gần 200m, địch bố trí bốt Cả Vừng và bốt Trà Bộng, mỗi bốt có khoảng một trung đội bộ binh được trang bị hỏa lực mạnh. Xung quanh các bốt, địch xây dựng nhiều lớp hàng rào. Nhiệm vụ của hai bốt này là bảo vệ “Hội đồng tề” Cả Vừng. Do từ năm 1968, căn cứ Cả Vừng chưa bị ta đánh nên địch có phần chủ quan, mất cảnh giác.
Sau khi trinh sát nắm địch, hoàn chỉnh kế hoạch chiến đấu, tối 9-9-1974, Tiểu đoàn 3 được trung đoàn tăng cường một khẩu đội ĐKZ, một khẩu đội 12,8mm nhận lệnh hành quân đánh địch. Do nước lớn nên cán bộ, chiến sĩ phải tiếp cận mục tiêu bằng xuồng. Mỗi xuồng chở từ 5 đến 7 người cùng với vũ khí, bồng đồ (túi làm bằng ni lông dùng đựng quân tư trang thay cho ba lô để không bị ướt) và gỗ làm công sự. Hơn 23 giờ đêm, trời đổ mưa rào, bầu trời tối đen như mực, đoàn xuồng của Tiểu đoàn 3 men theo các con kênh, vượt qua những ruộng lúa tốt ngập đầu, nối đuôi nhau lặng lẽ áp sát mục tiêu. Do trời tối nên cán bộ, chiến sĩ phải lợi dụng những lúc có ánh chớp lóe sáng để quan sát bám đội hình.
Đêm tối cộng thêm nước lớn nên nhiều xuồng của ta áp sát đến hàng rào thép gai ngoài cùng của địch. Khi đơn vị đã vào vị trí triển khai, đồng chí Trần Ngọc Thổ, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 (sau này là Thiếu tướng, Tham mưu trưởng Quân khu 7) lệnh cho các bộ phận làm công sự trận địa. Tuy nhiên, nước lớn nên đất nhão khiến việc làm công sự gặp nhiều khó khăn, nhất là công sự của hỏa lực ĐKZ và 12,8mm. Cán bộ, chiến sĩ phải ngâm mình trong nước, ai cũng ướt sũng. Vừa mệt, vừa rét nhưng với quyết tâm cao, các bộ phận đã hoàn thành xong công sự trước giờ hiệp đồng.
Gần 3 giờ sáng, trời tạnh mưa, các bộ phận báo về quan sát sở (vị trí chỉ huy tiểu đoàn) đã hoàn thành công tác chuẩn bị, bảo đảm bí mật, sẵn sàng nổ súng. Đến giờ hiệp đồng, đồng chí Trần Ngọc Thổ lệnh cho Đại đội 9 nổ súng trước. Sau khi điểm hỏa 3 quả mìn ĐH-10 thổi bay những lớp hàng rào bên ngoài và ĐKZ bắn 3 quả tiêu diệt lô cốt đầu cầu, sau đó chuyển bắn 3 quả tiêu diệt lô cốt số 2, tổ xung kích của Đại đội 9 được lệnh vượt cửa mở. Nhưng khi xung phong, tổ xung kích gặp một lớp hàng rào bằng cây tràm cao 3m nên phải lui ra. Lúc này, Khẩu đội ĐKZ được lệnh bắn tiếp 3 quả phá hủy lớp hàng rào bằng cây. ĐKZ bắn xong, tổ xung kích tiếp tục lao lên nhưng bên trong vẫn còn hàng rào dây thép gai nên không thể vào được. Địch ở trong căn cứ phát hiện ra ta tiến công đã ném lựu đạn và chống trả quyết liệt khiến tổ xung kích phải rút ra ngoài. Cùng lúc, các đơn vị khác của Tiểu đoàn 3 cũng nổ súng tiến công địch trên các hướng.
Giai đoạn cường tập bằng hỏa lực kết thúc, không thể khai thông cửa mở, đồng chí Trần Ngọc Thổ lệnh cho hỏa lực ĐKZ và 12,8mm rút về sau, tiểu đoàn sử dụng Đại đội 9 chuyển sang vây ép địch trong căn cứ Cả Vừng. Đại đội 8 và Đại đội 10 thực hiện phương án đánh địch vòng ngoài đến ứng cứu, giải tỏa. Đến khoảng 20 giờ ngày 10-9-1974, ta tiếp tục tổ chức các đợt tiến công dồn dập bằng hỏa lực mạnh vào trong căn cứ. Không có lực lượng tới ứng cứu nên địch phải bỏ chạy. Trận đánh kết thúc sau gần 17 giờ, sớm hơn dự kiến gần một ngày. Phía ta không có ai hy sinh, 5 đồng chí bị thương, trong khi 10 tên địch bị tiêu diệt và khoảng 16 tên bị thương.
Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG