Hơn hai tháng hành quân gian khổ, đúng ngày 28 Tết, đoàn đến một binh trạm nằm dưới tán rừng xanh mát trên tuyến đường Trường Sơn Tây, tỉnh Salavan nước bạn Lào. Tại đây, cấp trên quyết định cho chúng tôi dừng chân để đón Tết cổ truyền.

Ổn định nơi ăn ở xong thì đơn vị nhận được lệnh mỗi người phải chuẩn bị 30 lít nước, do đường ống dẫn nước của binh trạm đã bị bom địch đánh phá chưa khắc phục được. Để hoàn thành đủ chỉ tiêu này không phải đơn giản, vì nơi lấy nước cách binh trạm hơn 2km, đường đèo dốc rất khó đi, lại hay bị máy bay địch đánh phá.

Chuyện gùi nước cũng dở khóc dở cười. Lúc đầu, chúng tôi vào mượn được mấy bao ni lông đựng gạo của hậu cần binh trạm, lấy dây rừng để gùi. Lần gùi thứ nhất an toàn vì đường khô ráo. Đến lần thứ hai nước nhỏ ra làm đường trơn như đổ mỡ, thế là xuống dốc nhiều người ngã lăn kềnh, nhiều bao nước bị gai rừng xiên rách. Số lượng bao ni lông dùng được ít dần. Sợ gùi không kịp tiến độ, chúng tôi nghĩ ra sáng kiến gùi nước bằng ống bương. Nhờ đó mà chỉ một buổi, lượng nước đã đủ chỉ tiêu cho ngày Tết.

leftcenterrightdel
Ông Bùi Văn Luận chăm sóc cây cảnh trong vườn nhà.

Thực phẩm đón Tết đã được trên cấp. Ngoài tiêu chuẩn thường ngày, mỗi người còn được 3 ống thịt hộp, 3 phong lương khô, 5 lạng bột trứng, 3 gói thuốc lá Tam Đảo, 1 gói thuốc lào Độc Lập và 5 lạng gạo nếp để gói bánh chưng; mỗi trung đội được 1 thùng mỡ hóa học 25kg. Người lính ở chiến trường thực phẩm chỉ có vậy, nhưng đó là cả “gia tài”.

Chúng tôi còn đi kiếm rau rừng về cải thiện cho ngày Tết thêm phần đậm đà. Tiểu đội tôi có nhiều cậu chiến sĩ sáng tạo nhiều món ăn mang đậm chất lính mà chỉ ở Trường Sơn mới có. Món ăn ấn tượng trong ngày Tết có lẽ là món lõi chuối rừng nấu với thịt hộp. Lúc đầu sợ không ai ăn nên chúng tôi độn ít lõi chuối rừng cho đỡ ngán, cuối cùng chuối lại ngon hơn thịt. Thế là ngày hôm sau, cả một nồi đầy chuối nấu với muối trắng thành “đặc sản”, chúng tôi “đánh” hết veo. Đến giờ, vị ngai ngái của nó tôi vẫn còn nhớ mãi.

Tết năm đó không rượu, không hoa, không vui chơi nhưng đón Giao thừa rất xúc động. Ba mươi Tết, trời tối rất nhanh, đen như mực. Ăn xong, tôi về võng nằm, thỉnh thoảng nghe tiếng rì rầm kể chuyện đón Tết ở quê. Những điếu thuốc chốc chốc cháy lập lòe như đom đóm, mọi người chuyền tay nhau hút. Đêm, giữa bạt ngàn núi rừng Trường Sơn tĩnh mịch, thỉnh thoảng tiếng đạn pháo từ xa dội lại khiến ai cũng bồi hồi nhớ nhà. Gần đến Giao thừa, tiểu đội trưởng gọi chúng tôi dậy tập trung vào căn lều chỉ huy đại đội. Dưới ánh đèn lờ mờ, mọi người quây quần ấm cúng, tiếng đài mở nhỏ vừa đủ nghe để bảo đảm bí mật. Đến đoạn Chủ tịch nước đọc lời chúc Tết, ai cũng cảm động, nước mắt rưng rưng. Sau đó, chúng tôi được nghe chương trình văn nghệ có tiếng thơ của nghệ sĩ Châu Loan, Trần Thị Tuyết, nghe bài hát “Xuân chiến khu” qua giọng hát của nghệ sĩ Tường Vi. Cậu nào cũng tranh nhau ngồi gần đài để nghe cho rõ.

Hơn một giờ sáng, mọi người tản ra về võng của mình. Tôi nằm trằn trọc không ngủ được. Vừa nhớ nhà, vừa lâng lâng niềm vui khi nghe tin Hiệp định Paris đã được ký, thế là Mỹ sắp phải rút quân hoàn toàn khỏi Việt Nam. Một năm mới đã sang với niềm tin ngày thống nhất đất nước không còn xa nữa.

VÕ VĂN AN (Ghi theo lời kể của CCB Bùi Văn Luận, xóm Yên, xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh)