Lê Thái Thọ sinh năm 1959, ở phố Lê Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Học xong lớp 10, Thọ ở nhà giúp gia đình ít tháng rồi nhập ngũ cuối năm 1977, vào Trung đoàn 36, Sư đoàn 308. Giữa tháng 5-1978, Lê Thái Thọ cùng đơn vị lên đường vào Nam. Thọ được bổ sung vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, đóng quân ở Tây Ninh. Cùng về một tiểu đoàn còn có Lê Phú Long và Quang Minh, hai người bạn cùng khu phố với Lê Thái Thọ.

Thọ vốn người chắc đậm, nhanh nhẹn nên được giao giữ khẩu trung liên RPD với 3 hộp tiếp đạn. Vào đơn vị mới được 5 ngày, Thọ cùng Lê Phú Long và Quang Minh được phân công ra trực trên chốt. Sau đó, quân Pol Pot xâm lược biên giới, Thọ cùng đồng đội nổ súng đánh trận đầu tiên trong đời quân ngũ. Trung đoàn 1 của Thọ nhận nhiệm vụ đánh thọc sâu vào đội hình địch ở ngã ba Chi Phu sát biên giới Tây Ninh. Thọ chiến đấu rất dũng cảm, đợt ra trận đầu tiên đánh chiếm phum Prey Ko Ki ở gần ngã ba Chi Phu ấy, Thọ đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Những tháng cuối năm 1978 là thời gian chiến đấu rất ác liệt của Sư đoàn 9 trên hướng từ Lò Gò-Xa Mát ở Tây Ninh sang ngã ba Chi Phu, Campuchia, án ngữ Quốc lộ 1. Địch tập trung lực lượng rất đông và chúng có đầy đủ các loại hỏa lực như B41, ĐKZ, đại liên, cùng xe bọc thép M113 và pháo 105mm. Bộ đội ta thương vong khá nhiều, có thời gian chỉ trong vài tháng mà phải bổ sung quân tới chục đợt. Quân số đại đội cả thời gian dài hiếm khi quá ba chục tay súng. Có tháng, đơn vị phải thay đại đội trưởng tới 3 lần vì thương vong.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Lê Thái Thọ (giữa) cùng các đồng đội từng chiến đấu ở biên giới Tây Nam. Ảnh do nhân vật cung cấp

Lê Thái Thọ kể: “Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà đại đội tôi chiến đấu hàng chục trận lớn nhỏ. Trận đánh vào phum Prey Ampil ở phía Nam ngã ba Chi Phu, tôi bị thương bởi hai viên đạn đại liên của địch: Một viên xé rách cằm nhưng ở phần mềm, một viên xuyên thủng bàn tay phải. Tôi được đưa về trạm phẫu Sư đoàn. Bàn tay bị viên đạn bắn nát và ngâm trong bùn đất lâu nên nguy cơ phải cắt bỏ. Nhưng thật may, một bác sĩ người Hà Nội đã dành nhiều giờ rửa và cắt lọc từng phần thịt hoại tử, sau đó dùng thuốc kháng sinh băng bó lại cho tôi. Tôi được đưa về Quân y viện 115 (nay là Bệnh viện Nhân dân 115) ở TP Hồ Chí Minh bằng máy bay trực thăng. Tại đây, tôi được cứu chữa, bàn tay tuy bị tật nhưng không phải cắt bỏ. Hơn một tháng sau, tôi được ra viện và tự tìm về đơn vị”.

Lần nào ôn lại chuyện này với tôi, tới đây Thọ cũng lặng người đi, giọng nghẹn lại như muốn khóc. Bởi vì chỉ trong một tháng Thọ phải đi viện, hai người bạn cùng phố là Lê Phú Long và Quang Minh lần lượt hy sinh. Thọ chỉ nhìn được Phú Long một lần khi xe chở tử sĩ đi ngược con đường lúc anh tìm về đơn vị. Còn Quang Minh và 3 đồng đội khác hy sinh thì phải nằm lại chốt do quân Pol Pot đã chiếm được trận địa của ta.

Lê Thái Thọ trở về đơn vị, nhưng cả đơn vị của anh với hơn 20 tay súng, toàn là người mới. Do vết thương ở bàn tay cầm súng nên anh được chuyển về đơn vị hậu cần của Trung đoàn.

Tháng 6-1982, sau 4 năm chiến đấu ở chiến trường Campuchia, Lê Thái Thọ ra quân, chuyển về làm ở một cơ quan ngành ngoại thương.

Trở về với đời thường, cũng như nhiều người lính cầm súng khác, Lê Thái Thọ luôn đau đáu nhớ về đồng đội. Trong anh không nguôi lòng tiếc thương hai người bạn cùng khu phố đã ngã xuống trên mảnh đất phía Nam cầu Prasaut, tỉnh Prey Veng, Campuchia. Nhất là với Quang Minh - người vẫn còn nằm lại nơi đó. Sau khi kết thúc cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và giải phóng Campuchia nhiều năm, nước bạn đã hòa bình và có cuộc sống yên ổn, Lê Thái Thọ nhiều lần trở lại chiến trường xưa để tìm kiếm hài cốt bạn mình nhưng đều không có kết quả. Thời gian qua đi, vùng đất nào cũng có nhiều đổi thay.

Mấy chục năm rồi, dịp 27-7 năm nào Thọ cũng tìm tới nhà thắp hương cho hai người bạn thân thiết và lần nào anh cũng lặng người rất lâu trước di ảnh của đồng đội!

Nhà văn VŨ CÔNG CHIẾN