Theo lời hẹn, chúng tôi đến trụ sở công ty của ông ở phố Khâm Thiên (phường Thổ Quan, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội). Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Đức Khang kể rằng, một tay gây dựng cơ nghiệp từ con số không đến khi trở thành Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Nguyễn Vũ chuyên kinh doanh vật liệu nội thất hiện nay là quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Làm được điều đó là nhờ môi trường quân ngũ đã rèn cho ông đức tính kiên trì, bản lĩnh và ý chí vượt lên mọi khó khăn. Nói rồi ông trầm tư hồi lâu như để nhớ về thời thanh xuân sôi nổi của mình.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Khang kể chuyện về quá trình phấn đấu làm kinh tế của bản thân. Ảnh: KHÁNH AN 

Ông sinh năm 1952 ở phố Khâm Thiên. Như bao thanh niên thời ấy, tròn 18 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ vào Tiểu đoàn 38, Quân tăng cường Thủ đô Hà Nội. Sau 4 tháng huấn luyện, đơn vị hành quân vào miền Đông Nam Bộ. Ông được biên chế về Đại đội 3, Tiểu đoàn 16, Trung đoàn Pháo phòng không 71 (nay là Lữ đoàn 71, Quân đoàn 4) và nhanh chóng làm quen, thích nghi với điều kiện chiến trường. Làm chiến sĩ bảo đảm đường dây thông tin, dù không phải đối mặt trực tiếp với quân thù nhưng lại có những hy sinh thầm lặng. Đó là khi đường dây mất liên lạc, dù mưa gió hay đêm tối, dù núi cao hay rừng rậm thì cũng phải băng rừng, vượt đèo dốc mà tìm ra chỗ dây bị đứt để đấu nối, và trong rừng thì rất dễ vướng phải các loại mìn hay bom bi của địch cài lại. Cũng có những đồng đội đang tuổi xuân thì của ông đã mãi mãi không trở về từ những lần đi nối thông đường dây như thế.

Nhưng kỷ niệm đau đớn, xót xa nhất với ông có lẽ là lần vừa rời ca trực phải chứng kiến 3 đồng đội là Chính trị viên Sâm và hai chiến sĩ hy sinh do đạn pháo địch. Hôm đó, 3 đồng chí vừa nhận ca trực thay cho ông và đồng chí Dương Như Trúc (ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội).

Năm 1976, ông Khang phục viên và xin vào làm việc tại một công ty chuyên cung ứng vật liệu xây dựng. Quá trình làm việc, ông tìm hiểu về nhu cầu của người dân, tìm nơi cung cấp rồi xin lãnh đạo cho làm khoán. Ông bảo, khi ấy, đất nước còn trong thời bao cấp, hàng hóa khan hiếm, khó khăn. Nhưng việc đã giao đến tay ông là cứ trôi băng băng. Khi nhận được chỉ tiêu cấp trên giao, ông chỉ làm trong một thời gian ngắn, vượt trước so với kế hoạch cả chục ngày. Thế nên, ông nhanh chóng nhận được sự tín nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy đơn vị và được bầu làm phó cửa hàng trưởng một cửa hàng vật liệu xây dựng trong thành phố.

Trong thập niên 1990, khi đất nước bước vào mở cửa, đổi mới, ông cũng nắm bắt cơ hội để tạo dựng cửa hàng vật liệu xây dựng riêng cho mình. Dần dần, ông nhận thấy mình phù hợp hơn với mảng vật liệu nội thất nên chỉ chuyên tâm vào mảng này. Từ một cửa hàng nhỏ, ông đã phát triển thành công ty gia đình lớn mạnh với sự chung tay góp sức của một người con rể và hai con gái.

Khi công ty đi vào hoạt động ổn định, nhớ đến những người đồng đội năm xưa, ông Khang luôn tìm cách giúp đỡ. Trong những lần họp mặt, biết tin đồng đội có hoàn cảnh khó khăn là ông ủng hộ vật chất hoặc tạo điều kiện để họ có thêm thu nhập bằng chính sức lao động của mình. Nhiều người được ông tạo điều kiện làm việc ở công ty của mình hoặc giúp đỡ mở cửa hàng như trường hợp người đồng đội Dương Như Trúc đã từng vào sinh ra tử với ông ở miền Đông Nam Bộ. Được biết, ông Trúc lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi không có việc làm ổn định, vợ con thường xuyên đau ốm, ông đã giúp đỡ đồng đội phát triển cửa hàng vật liệu xây dựng ở quận Đống Đa bằng chính kinh nghiệm và vốn liếng của mình. Ông chia sẻ: “Anh Trúc không may mất sớm do bệnh tật nhưng điều làm tôi cảm thấy ấm lòng là cửa hàng vật liệu xây dựng của anh đã được con gái anh tiếp quản và phát triển rất tốt. Tôi giờ tuổi cao, phần lớn công việc đã giao lại cho con cái. Vì vậy, tôi có nhiều thời gian dành cho các hoạt động tri ân. Trong khả năng của mình, tôi sẵn sàng giúp đỡ các đồng đội!”.  

HOÀNG TÙNG