Nói xong, ông lặng người, ánh mắt quay nhìn ra đường phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) đang hối hả người xe. Lâu sau ông mới nói: “Tôi chỉ có bốn năm trong quân ngũ nhưng đời lính của tôi thì mãi còn đó, còn rất dài”. Tôi dường như cũng bị cảm xúc của ông cuốn vào dòng suy tưởng. Lại lâu sau ông mới thủ thỉ: “Tôi viết văn cũng chính là tôi đi tìm lại đồng đội của mình”. Rồi ông lặng thinh, cái dáng ngồi nhìn xa xăm ra đường phố vẫn không thay đổi, “không viết về họ, những đồng đội của mình, là có lỗi với sự hy sinh của họ”.

“Ngày mai đơn vị sẽ quay lại con đường số 7 để đợi xe Đoàn 559 đưa chúng tôi đi tiếp đến trận đánh mới.

Tôi tin là chúng tôi sẽ đánh trận cuối cùng, và nhất định sẽ thắng, bởi những hy sinh của đồng đội tôi bảo với tôi như thế”.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân đã viết những dòng chữ cuối cùng trong tiểu thuyết “Bình minh phía trước” như vậy. Dường như đọng mãi trong tâm tưởng của ông thì, những trận đánh vẫn còn đó, những cái chết hay là sự hy sinh của đồng đội vẫn còn đó, ông đã viết và viết tiếp để tri ân đồng đội đã ngã xuống.

Nguyễn Trọng Luân sinh năm 1952, quê ở xã Đan Hà (nay là Đan Thượng), huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Ông nhập ngũ năm 1972, khi ấy đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Cơ điện Bắc Thái (nay là Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp-Đại học Thái Nguyên). Ông kể, ngày nhỏ ông cùng lũ bạn thường đi đò ngang qua sông Thao để sang chơi bên đền Mẫu. Có lẽ sinh ra và lớn lên ở nơi huyền tích hào hùng nên ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Trọng Luân đã có ý chí vươn lên. Là con trai cả trong gia đình có tới 8 người con nên vai trò anh trưởng luôn được ông để tâm. Tình thương và trách nhiệm đã gắn với đời ông từ thuở bé nên chẳng khi nào ông vơi cạn tình thương và trách nhiệm.

Là học sinh Trường cấp 3 thị xã Yên Bái (khi đó trường sơ tán về quê ông), ngày còn ngồi ghế nhà trường phổ thông, không mấy khi cậu học sinh Luân được xếp loại học sinh giỏi. Nghe thấy là lạ nên tôi bèn hỏi lại: “Em chưa hiểu?”. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân cười: “Cũng tại bởi tôi khi học rồi làm bài kiểm tra chẳng bao giờ giống như thầy cô dạy cả. Cũng tại tôi hay viết theo cách hiểu của mình nên không giống thầy cô thôi. Tôi không chịu viết theo điều mà người ta định sẵn”.

Học lên cấp 3, nhà cách trường 10 cây số đường đồi núi, cậu học trò Luân phải rời nhà đi trọ học. Ông Luân tâm sự: “Tôi đi trọ học cũng là để ở nhà bố bầm tôi không phải lo thêm một miệng ăn”.

Vậy là vừa ở trọ vừa học và vừa tăng gia sản xuất tự túc nuôi mình. Cuộc sống tự lập sớm dạo đó là tự cuốc đất trồng sắn, trồng rau, nuôi gà. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân kể: “Tôi đánh giậm giỏi lắm vì tôi có năng khiếu mò cua, xúc tép mà. Vẫn còn, tôi bóc măng thì thiện nghệ, chỉ cần 30 giây là đã xong một ngọn măng”. Tăng gia tự túc như vậy đối với một cậu trai mới mười lăm mười sáu đã là cố gắng, vậy mà mỗi khi được nghỉ học dài ngày như nghỉ tết là cậu học trò Luân lại lễ mễ gánh khoai sắn, gánh rau củ... đủ thứ về nhà. Trong chiếc thúng đựng hàng đó dĩ nhiên có cả măng khô, cá tép khô, toàn những thứ nhờ “năng khiếu” mà cậu tích cóp được. Cậu mang về giúp bố bầm phụ nuôi các em.

Học giỏi nên chàng trai Nguyễn Trọng Luân thi đỗ vào Trường Đại học Cơ điện Bắc Thái. Hết năm thứ nhất cậu tăng 8kg, cũng dễ hiểu thôi, “cơm gạo nhà nước” có khác chứ. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân cười ngường ngượng khi nói về chuyện đó. Tôi biết, cuộc sống ở quê còn lắm khó khăn. Ấy vậy mà khi hay tin đơn vị của con trai chuẩn bị đi B, bố của anh chàng Luân đi bộ từ quê lên bưu điện huyện để gửi thư bảo đảm cho con 10 đồng (10 đồng hồi xưa to lắm, dễ cũng tầm dăm ba triệu tiền bây giờ).

leftcenterrightdel
 Nhà văn Nguyễn Trọng Luân. Ảnh: MỘC MIÊN

Chàng kỹ sư tương lai Nguyễn Trọng Luân nhập ngũ năm 1972 trong đợt sinh viên “gác bút nghiên lên đường ra trận”. Ông dùng tiền bố bầm cho để mua đồ dùng sinh hoạt cá nhân, nhiều nhất là ông mua giấy viết, mua bút mực. Những gói mực tím khi vào tới mặt trận ông đã dùng để viết nhật ký đều đặn (đó là nguồn tư liệu để sau này ông viết văn, làm thơ).

Chiến sĩ trẻ có dáng người bé nhỏ, ấy vậy mà vào trận đánh giặc chẳng thua kém gì ai. Nhờ đánh giặc giỏi và có kiến thức nên anh lính trẻ Nguyễn Trọng Luân được “nhặt” lên làm lính trinh sát. Tôi hỏi: “Hồi tháng 12-1972 ấy, ở Mặt trận Tây Nguyên ông có hay tin gì về Mỹ dùng B-52 ném bom hủy diệt Hà Nội không?”. Ông Luân nói luôn: “Có chứ. Những khi ấy tôi thường nghĩ về cuộc sống, nghĩ về bạn bè”.

Và có lúc ông đã nghĩ, đã thèm “giá như mình có một người con gái yêu mình”. Thì ra cái ước muốn tưởng chừng giản dị ấy lại chứa đựng trong đó điều tâm tư của những người lính ngoài mặt trận: Hy sinh không sợ. Chỉ mong đơn giản là nếu như mình có ngã xuống trên chiến trường thì ở hậu phương có một người con gái nhớ mình, thương mình và khóc về mình. Và anh lính Nguyễn Trọng Luân giấu kín bài thơ “Ngỡ là yêu” về niềm tâm tư của mình cho đến sáng 1-5-1975 mới đem ra đọc: “Những chàng trai vẫn còn “son”/ Giả thư con gái giả hồn đang yêu/ Ngỡ như người vẫn trông theo/ Ngỡ như mình có người yêu nhớ mình/ Ngỡ như rồi có hy sinh/ Có người con gái khóc mình đêm đêm/ Ngỡ là yêu, ngỡ là em/ Giữa Trường Sơn cứ đêm đêm ngỡ là”.

Nhà văn Nguyễn Trọng Luân đã xuất bản 16 tác phẩm. Tiêu biểu là các tác phẩm về đề tài Chiến tranh cách mạng và người chiến sĩ: “Những người bạn lính”, “Hồi ức lính trận”, “Truyện lính bốn mươi năm kể lại”, “Rừng đói”, “Bình minh phía trước”...

Người chiến sĩ Tây Nguyên ấy mùa xuân năm 1975 cùng đội hình Sư đoàn 320 rầm rập tiến về Sài Gòn trong niềm hân hoan vô bờ. Nhà văn Nguyễn Trọng Luân xúc động kể: “Buổi sáng ngày 1-5-1975 thật bất ngờ ông ạ, tôi được đơn vị cử đi cùng hai chiến sĩ nữa đến trường Lê Quý Đôn. Trường ở gần dinh Độc Lập, chúng tôi được cử đến để gặp gỡ và giao lưu với thầy trò của nhà trường”.

Và cũng thật bất ngờ là chiến sĩ Nguyễn Trọng Luân được giới thiệu và mời lên bục diễn giả. Ông bước lên đĩnh đạc, tự tin: “Em chào các thầy cô. Chào các bạn!”. Câu chào của anh chiến sĩ Quân giải phóng khiến thầy cô và học sinh cả sân trường ồ lên thích thú và kinh ngạc, họ không ngờ “ông giải phóng” có vóc người bé nhỏ, trông thùng thình trong bộ quân phục ấy lại nói năng rất chững chạc. Không những thế mà câu chào của Nguyễn Trọng Luân lại rất “tôn sư trọng đạo”. Thầy cô và học sinh của trường lặng đi vì xúc động và rồi những giọt nước mắt rơi rơi. Anh lính giải phóng quân Nguyễn Trọng Luân ngay trong ngày giải phóng đầu tiên, mồng 1 tháng 5, đã “lập một chiến công” ngoài dự kiến.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Tác phẩm “Rừng đói”, “Bình minh phía trước” của nhà văn Nguyễn Trọng Luân.

Tiếp đó, anh giải phóng Nguyễn Trọng Luân đã đọc những bài thơ, những câu thơ anh viết giữa hai trận đánh, viết lúc vừa tan cơn sốt rét rừng và khi hay tin một đồng đội vừa mới hy sinh...

Lại cũng thật bất ngờ, tròn 40 năm sau, nhà văn Nguyễn Trọng Luân nhận được thư mời và vé máy bay từ Trường THPT Lê Quý Đôn (Thành phố Hồ Chí Minh) gửi ra, nhà trường mời ông vào dự Lễ kỷ niệm 140 năm ngày thành lập trường. Khi đứng giữa sân trường, đứng giữa các thế hệ thầy trò Trường THPT Lê Quý Đôn, ông đã nghẹn ngào “Tất cả vinh dự của mình là do những đồng đội đã hy sinh để cho mình có vinh dự ấy”.

Từ xúc cảm vô bờ ấy mà Nguyễn Trọng Luân đọng mãi trong lòng một suy nghĩ, suy nghĩ ấy ông đã mang theo cho đến tận hôm nay và cho đến khi nào trái tim còn đập: “Hãy viết và viết về những đồng đội của mình đã ngã xuống”...

Ghi chép của ĐOÀN THIỆN VY