QĐND - Đầu tháng 4-2013, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2 đã cùng một số đồng đội có chuyến đi trở về thăm vùng cực bắc Hà Giang, nơi cách đây hơn 20 năm, ông được cấp trên điều về làm Phó tham mưu trưởng Quân khu 2 và phụ trách tác chiến tại Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang. Gần ba thập kỷ đã qua, song những kỷ niệm về mảnh đất, con người nơi đây vẫn luôn hiện về trong tâm trí ông, bởi đó là địa bàn mà vị tướng trận mạc từng có 10 năm gắn bó.
 |
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại nghĩa trang liệt sĩ Hà Giang (tháng 4-2013). Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Đó là thời điểm những năm đầu thập niên 1980, khi cả nước tập trung vào việc hàn gắn vết thương chiến tranh và nền kinh tế bao cấp của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn. Tháng 3-1985, Phó tham mưu trưởng Quân khu Thủ đô Nguyễn Đức Huy nhận lệnh lên tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên-Hà Giang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Khi được cấp trên hỏi ý kiến về sự điều động này, ông đã trả lời mình sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tuy nhiên nếu trong chiến đấu mà là cán bộ tăng cường thì sẽ rất khó làm việc, do đó ông đề nghị cấp trên ra quyết định điều động ông về hẳn Quân khu 2. Nguyện vọng của ông đã được chấp thuận.
Ở mặt trận mới, ông Huy lại có dịp làm việc cùng các thủ trưởng cũ và thêm một lần chứng kiến tài “xoay chuyển tình thế” của Thượng tướng Nguyễn Hữu An. “Hồi đó, để giải quyết vấn đề tư tưởng của bộ đội, Tư lệnh Mặt trận Nguyễn Hữu An đưa ra chủ trương cần chọn một điểm vừa phải nào đó, chuẩn bị chu đáo về mọi mặt rồi tiến công đánh chiếm và trấn giữ bằng được. Nếu thành công, đây sẽ là nguồn động viên lớn để vực dậy tinh thần chiến đấu của bộ đội”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.
Mục tiêu “vừa phải” được chọn là một điểm đá vôi trên vùng biên giới thuộc huyện Vị Xuyên, lực lượng nhận nhiệm vụ đánh chiếm là một đại đội bộ binh của Sư đoàn 313. Để chuẩn bị, 40 cán bộ, chiến sĩ đã được lựa chọn để tập trung huấn luyện nhiều tháng liền trên một địa hình tương tự. Phó tham mưu trưởng Nguyễn Đức Huy được giao nhiệm vụ trực tiếp chuẩn bị, Tư lệnh Mặt trận Nguyễn Hữu An cũng trực tiếp xuống hướng dẫn những động tác leo trèo núi đá và cách đánh vào các hang hốc… Ngày nổ súng, trong vòng 30 phút, quân ta đã làm chủ mục tiêu và kịp thời tăng cường quân số, bổ sung đạn dược, lương thực, đưa bao cát đã đóng sẵn từ căn cứ lân cận sang để củng cố công sự. Sau trận đánh, tư tưởng bi quan trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đã được giải quyết.
“Khi tới Cao điểm 685 để kiểm tra việc tổ chức phòng ngự của một đơn vị, tôi được anh em tâm sự: “Thủ trưởng ơi, chúng em là lính Hà Nội, bị mang tiếng là “lính cậu” nhưng bọn em sẽ kiên quyết giữ vững trận địa, địch sẽ không làm gì được, thủ trưởng cứ yên tâm!”. Rõ ràng, sau trận thắng của chiến sĩ Sư đoàn 313, tinh thần chiến đấu của anh em đã tốt hơn trước rất nhiều”, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy nhớ lại.
Lần khác, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy tới kiểm tra việc phòng thủ của chiến sĩ ta ở trận địa Pa Hán, đêm ấy, ông vô tình chứng kiến hai chiến sĩ không hiểu vì chuyện gì mà xảy ra to tiếng, cãi vã. Cả hai sau đó được đồng chí Đại đội trưởng gọi lên gặp. “Tôi cứ lặng lẽ đứng ngoài xem cậu đại đội trưởng kia giải quyết ra sao. Một lúc sau, thấy giọng đại đội trưởng ôn tồn: “Anh nói với các em rồi, gia đình chúng ta thì ở xa, chỉ còn đồng chí, đồng đội hằng ngày sát cánh và coi nhau như anh em ruột thịt. Chúng mình từng xác định sẵn sàng hy sinh để giữ vững trận địa, vậy thì vì lẽ gì mà các em lại cãi nhau rồi gây ra những mâu thuẫn không đáng có, sao các em không bỏ qua những chuyện nhỏ nhặt ấy đi để mà yên tâm chiến đấu?”. Nghe đại đội trưởng giải thích, hai chiến sĩ nọ liền đứng dậy bắt tay giảng hòa, rồi sau đó cả hai cùng ôm nhau khóc”, ông Huy xúc động kể.
Trong hơn 5 năm làm nhiệm vụ ở Mặt trận Vị Xuyên, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy và đồng đội nhận thấy khó khăn nhất vẫn là việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bộ đội, bởi thời kỳ ấy anh em phải thường xuyên ăn độn bo bo thay cơm, trong khi thực phẩm chủ yếu chỉ là món cá khô và mắm ruốc. “Việc ăn uống thiếu thốn tới mức có lần một đồng chí cán bộ cao cấp tới thăm chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên đã hứa là sẽ tăng cường vào khẩu phần ăn của mỗi chiến sĩ nửa cân thịt. Sau đó, không hiểu vì lý do gì mà anh em chờ vài tháng, rồi cả năm vẫn không thấy “tiêu chuẩn” của mình đâu”.
Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy cho biết, lời hứa của vị cán bộ nọ sau này đã trở thành câu chuyện tiếu lâm được lan truyền trong cánh lính trẻ, để rồi mỗi khi gặp ông, các chiến sĩ lại tếu táo: “Thủ trưởng ơi, bao giờ thì bọn em được ăn “thịt cấp trên”? Hỏi xong, anh em lại nở nụ cười tươi rói trên khuôn mặt khắc khổ, những khuôn mặt đang ngày càng sạm đi vì đói, rét, bệnh tật…
Sau hơn chục năm xa vùng biên cực bắc, tướng Huy và đồng đội mới có dịp trở lại thắp hương, tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Giang, nơi quy tập phần mộ của hơn 1000 liệt sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới phía Bắc. Trong ký ức vị tướng trận mạc, họ là những đồng đội đáng tuổi con, tuổi cháu ông, nhưng các anh đã sớm gánh vác sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ từng tấc đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc…
BÙI VŨ MINH