Được hỏi về kỷ niệm sâu sắc của mình với Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên, Đại tá Phan Hữu Đại kể: “Khi ta mở màn chiến dịch vận tải mùa khô 1966-1967, địch cũng mở một cuộc tập kích vào đèo Cốc Mạc phá hủy toàn bộ 1km đường đèo, hòng chặn đứng đường vận tải của ta. Sau nửa tháng ùn tắc, một hôm, giữa đêm khuya, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gọi điện triệu tập chỉ huy Binh trạm 32 vào Sở chỉ huy Bộ tư lệnh. Trong khoảng 1 giờ đồng hồ, dưới ánh đèn dầu leo lét, ông nói vắn tắt về tình hình tuyến “yết hầu” vào Đường 9 rồi giao nhiệm vụ: “Phan Hữu Đại (bấy giờ là Phó chính ủy Sư đoàn 571) trực tiếp chỉ huy giải tỏa bằng được trọng điểm. Binh trạm trưởng Binh trạm 32 có mặt tại ngã ba Lùm Bùm để khi giải tỏa xong thì lệnh cho xe chạy ngay, Chính ủy Binh trạm thì ở lại binh trạm bộ, có tình hình gì thì báo cáo". Tư lệnh còn dặn thêm tôi là cần đào hầm tại trọng điểm để chỉ huy chứ không phải vào rừng, cố gắng trong 3 ngày phải giải tỏa cho xe qua. Nói rồi ông yêu cầu chúng tôi về thực hiện nhiệm vụ ngay trong đêm. Ông ra mệnh lệnh rất ngắn gọn, dứt khoát rồi lại chu đáo dặn tôi việc cần phải làm, đồng thời bảo đảm an toàn nhất có thể trong khi thực hiện nhiệm vụ. Khi động viên cán bộ, chiến sĩ, ông thường chọn những ngôn từ giản dị nhưng rất có sức thuyết phục khiến ai cũng tôn trọng và tin tưởng làm theo. Ngoài ra, để đồng đội không cảm thấy “đơn thương độc mã” giữa chiến trận, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã yêu cầu bộ phận thông tin nối đường dây điện thoại từ Sở chỉ huy Bộ tư lệnh tới đèo Cốc Mạc, nơi Phó chính ủy Binh trạm 32 làm nhiệm vụ để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ, kịp thời động viên bộ đội”.
    |
 |
Đại tá Phan Hữu Đại (ngoài cùng, bên phải) cùng gia đình và đồng đội, năm 2021. Ảnh: TUẤN TÚ
|
Trong ký ức của những đồng đội cùng thời, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên có tính cách rất mạnh mẽ và quyết đoán. Là người chỉ huy cao nhất của Bộ đội Trường Sơn, điều hành hàng chục vạn quân hoạt động trên địa bàn dài, rộng và đa dạng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã có công xây dựng và tổ chức tuyến chi viện cơ giới chiến lược với tư tưởng chỉ đạo dũng cảm, táo bạo. Ông là người đề xuất xây dựng binh chủng hợp thành ở Trường Sơn và cùng các chiến sĩ Trường Sơn tạo trận đồ bát quái, cơ động, thần tốc đưa các quân đoàn chủ lực từ miền Bắc vào giải phóng miền Nam.
Tuy nhiên, không phải quyết định nào của ông cũng đúng cả. Nhưng khi nhận ra những điều không phù hợp, ông kịp thời điều chỉnh ngay. Đại tá Phan Hữu Đại nhớ lại: “Giữa mùa khô 1967-1968, chiến dịch vận chuyển của Bộ đội Trường Sơn đang trong giai đoạn phát triển thuận lợi, guồng máy vận hành trơn tru thì Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nảy ra sáng kiến mới: Bỏ cung vận chuyển ngắn 100km, thay vào đó là tổ chức cung vận chuyển dài 200km nhằm loại bỏ các kho trung chuyển, tạo điều kiện cho đội hình xe tăng có thời gian lăn bánh, đẩy năng suất xe chạy trong đêm lên 150-200km thay vì 100km như trước, từ đó tiến tới giảm bớt số lượng binh trạm. Chủ trương đó ông đưa ra bàn bạc trong Đảng ủy Bộ tư lệnh và được nhất trí thông qua. Một số binh trạm phía Bắc tổ chức thực hiện trước để rút kinh nghiệm. Sau 4 ngày vận chuyển trên cung mới, công tác chỉ huy bị xáo trộn, số xe bị địch phát hiện đánh cháy tăng lên, chỉ tiêu vận chuyển trong đêm bị tụt xuống. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nhận ra sự không phù hợp và lệnh cho các binh trạm quay lại hoạt động như cũ. Ông cũng điện xuống từng binh trạm công khai tự phê bình và nhận khuyết điểm. Sự dũng cảm nhận trách nhiệm ấy càng làm cấp dưới tin tưởng ông hơn!”...
NGUYỄN VĂN NINH