“Nào, hôm nay các cậu muốn tôi nói về kỷ niệm khi công tác ở ngành kỹ thuật quân đội chứ gì, vậy cứ vấn đề ấy tôi kể nhé”-ở tuổi gần 90, tuy sức khỏe đã có phần yếu đi nhưng ông rất mẫn tiệp, không chờ chúng tôi trình bày, ông bắt đầu câu chuyện ngay...
TCKT chính thức thành lập năm 1974, nhưng các đơn vị tiền thân như Cục Quân giới, Cục Quân khí, Cục Xe-Máy... nằm trong Tổng cục Hậu cần (TCHC) đã có từ rất lâu rồi. Việc thành lập TCKT thời điểm ấy là rất kịp thời, đủ thời gian xốc lại đội hình, đáp ứng yêu cầu bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ chiến đấu mới, rất ác liệt ở hai đầu biên giới. Năm 1979, tôi từ vị trí Cục trưởng Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không về làm Phó viện trưởng, sau đó làm Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự (KTQS), TCKT. Ở đây, tôi gặp lại các thủ trưởng cũ của mình vốn là các cán bộ lãnh đạo của Quân chủng Phòng không-Không quân trong chiến tranh chống Mỹ, như Chủ nhiệm Tổng cục Lê Văn Tri, nguyên là Tư lệnh quân chủng; Phó chủ nhiệm Nguyễn Văn Tiên, nguyên là Phó tư lệnh quân chủng; Tham mưu trưởng tổng cục Phan Thái, nguyên là Phó cục trưởng Cục Kỹ thuật quân chủng... cùng với các phó chủ nhiệm tổng cục từ TCHC chuyển sang như anh Hoàng Văn Thái, Phạm Như Vưu, Trần Thanh Từ... Tôi cảm thấy như đang trở về nhà mình, có sự phối hợp vô cùng thuận lợi và hiệu quả. Thầy trò rất hiểu nhau, nhất là sau đó, tôi lại được bổ sung vào Đảng ủy tổng cục.
Tôi về Viện KTQS đúng vào thời kỳ diễn ra chiến tranh biên giới phía Tây Nam và phía Bắc. Ngày ấy, Phó chủ nhiệm TCKT Nguyễn Văn Tiên phải túc trực ở TP Hồ Chí Minh để chỉ đạo công tác tiền phương, bảo đảm kỹ thuật cho chiến trường K (chiến trường Campuchia). Còn ban lãnh đạo tổng cục phải chăm lo cho các Quân khu 1 và Quân khu 2 chiến đấu trên mặt trận biên giới phía Bắc. Thừa hưởng những kinh nghiệm nghiên cứu kỹ thuật phục vụ trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước như việc sử dụng hỏa tiễn DKB làm hỏa tiễn mặt đất mang vác đánh sân bay Đà Nẵng, làm tên lửa phá rào FR, làm thủy lôi APS, làm mìn định hướng... của viện dưới sự chỉ đạo của Viện trưởng Hoàng Đình Phu, tôi cũng phát huy truyền thống bám sát chiến đấu, phục vụ chiến đấu khi còn công tác ở đơn vị cũ. Tôi hướng Viện KTQS đẩy mạnh công tác nghiên cứu kỹ thuật phục vụ chiến đấu ở các chiến trường biên giới. Có hai chuyến đi đáng nhớ mà tôi cùng anh em của Viện KTQS đưa các sản phẩm mà viện đã cải tiến và sáng tạo ra chiến trường phục vụ chiến đấu xin kể với các bạn.
Trước tiên là chuyến đi sang sân bay Kampong Chhnang (Campuchia) mùa mưa năm 1980, báo cáo kết quả đưa loại hỏa tiễn không đối đất cỡ 70mm (2,75 inches) của Mỹ thành hỏa tiễn đất đối đất sử dụng mang vác gọn nhẹ cho bộ binh. Tôi dẫn đầu đoàn khoảng 20 người đi từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh và sang đất Campuchia bằng một chiếc ô tô do Nhà máy Z751 cải tiến từ một chiếc Đốt-cát của Mỹ. Chúng tôi dừng lại ở Phnom Penh một vài ngày để trao đổi với Cục Tác chiến (đồng chí Khiếu Anh Lân) và báo cáo với đồng chí Lê Đức Anh rồi mới di chuyển đến sân bay Kampong Chhnang. Chúng tôi đi theo con đường men theo hồ Tonlé Sap (Biển Hồ-PV). Đây là đoạn đường nguy hiểm do quân Pol Pot hay phục kích nên dọc đường, trên xe không ai nói gì. Một không khí trầm lắng đến mức tôi nghe rõ cả tiếng lép bép của bánh ô tô di chuyển. Là trưởng đoàn, dẫn đầu các kỹ sư, cán bộ trẻ, trong đó lại có cả con trai của hai đồng chí cán bộ cấp tướng của ta, kỹ sư Hoàng Quốc Trinh-con Đại tướng Hoàng Văn Thái và Lê Đông Hải-con Đại tướng Lê Trọng Tấn, nên chính tôi cũng “đầy một bụng” lo lắng nhưng không nói ra. Để thay đổi không khí, tôi còn nói đùa: “Tôi từng gặp địch nhiều lắm rồi mà giờ vẫn ngồi đây. Các cậu đừng lo, không chết được đâu!”.
Và quả thật, chúng tôi đã đến nơi an toàn. Các đồng chí ở mặt trận chuẩn bị xe có bảo vệ để đi đón khi gặp chúng tôi cũng nói rằng, chúng tôi quá mạo hiểm khi đi qua đoạn đường nhiều phục kích của địch. Chỉ mấy ngày trước đã có một xe của đơn vị bị địch chặn đánh.
Cuộc bắn báo cáo lần đó đạt kết quả tốt đẹp. Bệ phóng cấu trúc 4 nòng từ ống phóng cũ của tên lửa vác vai A-72 đã qua sử dụng, tầm bắn đạt 7km, lại mang vác rất nhẹ. Các đồng chí ở mặt trận chấp nhận. Sau chuyến đi bắn giới thiệu đó, Phân viện Vũ khí, Viện KTQS đã tiếp thu những ý kiến đóng góp và cải tiến thành loại 3 nòng gọn nhẹ hơn, sử dụng ngay ống phóng nguyên dạng bằng duyara của loại hỏa tiễn này. Sau đó, loại trang bị mới đã được đưa sang chiến trường Campuchia và đưa lên biên giới phía Bắc để sử dụng đạt kết quả tốt.
Chuyến đi thứ hai là lần đi kiểm tra Phân viện Vũ khí đưa hỏa tiễn C24 lên sân bay Phong Quang, tỉnh Hà Giang năm 1981. Phân viện Vũ khí đã thiết kế và chế tạo bệ phóng cho hỏa tiễn C24 không đối đất do Liên Xô sản xuất.
Sau khi đề xuất, Phân viện Vũ khí đã nghiên cứu thiết kế, đồng thời sản xuất bệ phóng và cơ cấu phóng, đưa lên bố trí ở sân bay Phong Quang, xen kẽ với các trận địa pháo binh khác. Tôi lên sân bay Phong Quang đúng hôm trời mưa, đường rất trơn và lầy lội. Nhìn anh em đều là các nhà khoa học nằm trong một hốc núi bên rìa sân bay trong khi đối phương thỉnh thoảng bắn sang một vài phát đạn, tôi vô cùng xúc động và cảm phục. Chỉ có những nhà khoa học kỹ thuật Việt Nam mới làm được như vậy. Ra về, hình ảnh những nhà khoa học kiêm pháo thủ hỏa tiễn C24 cứ theo tôi và in đậm trong trí nhớ của tôi cho đến tận bây giờ. Sau đó, tôi được biết trận địa hỏa tiễn này đã đánh nhiều trận, đưa những đầu đạn lớn đến tầm bắn 11km, tầm bắn mà các loại pháo đặt cùng khu vực trận địa không bắn tới, tôi không khỏi tự hào...
Gần 10 năm gắn bó với Viện KTQS, năm 1988, tôi được điều về làm Chủ nhiệm TCKT, đúng giai đoạn đơn vị có những biến động về tổ chức. Khi Bộ Quốc phòng thử nghiệm tổ chức quản lý kỹ thuật quân đội theo chuyên ngành, nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn thấy không thích hợp nên đã tổ chức lại TCKT như hiện nay, tôi thấy là phù hợp. Hơn nữa, tôi luôn tin tưởng vào thế hệ kế cận của chúng tôi-những người lính Cụ Hồ không ngại khó, ngại khổ để hoàn thành nhiệm vụ.
SONG THANH
(Ghi theo lời kể của Trung tướng Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)