Năm 1972, mặc dù nhận giấy báo nhập học vào Khoa Toán-Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhưng Nguyễn Văn Tài, quê ở xã Liên Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), vẫn quyết định tình nguyện nhập ngũ vào Sư đoàn 341 (Quân khu 4). Đầu năm 1975, đơn vị ông nhận nhiệm vụ vào chiến trường miền Nam, bổ sung vào đội hình Quân đoàn 4.
Lần đầu tiên, với cương vị là trợ lý quân lực Trung đoàn 270, Sư đoàn 341, Thượng sĩ Nguyễn Văn Tài được cấp trên trao quyết định phong quân hàm sĩ quan tại chiến hào. Sự việc diễn ra ngay sau khi đơn vị ông tham gia Chiến dịch Xuân Lộc thuộc địa bàn thị xã Long Khánh, tỉnh Long Khánh (nay là TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) kết thúc thắng lợi. “Chiều 21-4-1975, tôi cùng một số đồng đội đang trực chiến tại giao thông hào cạnh rừng cao su. Đúng lúc đó, Thiếu tá Lê Nguyễn, Chính ủy Trung đoàn 270 xuống kiểm tra đột xuất. Bất ngờ chiếc máy bay L-19 của địch bắn đạn khói vào khu vực đơn vị đứng chân để chỉ điểm cho máy bay tới ném bom.
Thấy vậy, một chiến sĩ đã nhanh trí lao đến dùng mũ cối khống chế quả đạn khói. Khi máy bay đến, không tìm thấy khói chỉ điểm mục tiêu, chúng bay quanh một lúc, ném bom vu vơ vào rừng rồi lượn quay về. Ngay sau đó, Chính ủy Lê Nguyễn tập hợp bộ đội để công bố quyết định phong quân hàm sĩ quan cho tôi và một số cán bộ. Mọi người ngồi trên mép chiến hào nghe đọc quyết định.
Thời chiến tranh, mỗi đợt phong quân hàm, cấp trên thường thử thách qua một trận chiến đấu, đánh giá cán bộ rồi mới công bố quyết định. Quyết định phong quân hàm của chúng tôi được ký từ tháng 3, nhưng hơn một tháng sau mới được công bố. Trong số cán bộ được phong quân hàm, mọi người vô cùng thương tiếc một đồng đội đã hy sinh trong trận đánh Đồi Tràn ngày 31-3-1975. Ngay tối hôm đó, đơn vị chúng tôi lại tiếp tục hành quân để chuẩn bị đánh trận Trảng Bom”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài nhớ lại.
Đến năm 1977, lần thứ hai ông được thăng quân hàm trong hoàn cảnh chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. “Đó là sau trận Lục Sơn (23-12-1977), tại Hà Tiên, tôi được thủ trưởng Trung đoàn 270 gọi lên nhận quyết định thăng quân hàm từ thiếu úy lên trung úy cùng một số cán bộ khác. Đợt thăng quân hàm lần này diễn ra sau một loạt trận chiến đấu chống quân Pol Pot trên biên giới. Đây là động lực tiếp thêm sức mạnh, ý chí để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu trên chiến trường”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài kể tiếp.
Sau 13 năm “gác bút nghiên” và 3 lần khước từ giấy báo học đại học, năm 1985, Đại úy Nguyễn Văn Tài được đặc cách vào học tại Học viện Chính trị. Nhờ vốn sống, kinh nghiệm trải qua chiến đấu, cộng với sự nỗ lực không ngừng, ông là học viên có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc. Năm 1988, Nguyễn Văn Tài là thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp quốc gia của học viện và được giữ lại trường. Với lòng nhiệt huyết, yêu nghề, đam mê nghiên cứu khoa học, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài đã có nhiều thành công trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu khoa học, trở thành tiến sĩ, được phong hàm giáo sư, danh hiệu Nhà giáo Nhân dân...
KIÊN THÁI