QĐND - Đã gần 70 tuổi, từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trong đội hình Sư đoàn 320B và bị thương hai lần, nhưng Trung tá Phùng Đình Phượng vẫn tráng kiện, đôi mắt nhanh nhẹn. Đặc biệt, giọng nói của ông vẫn rất hào hứng, đầy nhiệt huyết khi kể về những ngày tháng chiến đấu ác liệt...

Trung tá Phùng Đình Phượng quê ở Tân Thành (Kim Sơn, Ninh Bình), hiện đang cư trú tại tổ 8, phường Nam Sơn, thị xã Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình). Ông nhập ngũ năm 1965, nhưng phải đến tận tháng 2-1972 mới được vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông kể, sau khi huấn luyện tân binh xong, ông được điều về Đại đội Phòng không 63 của Tỉnh đội Ninh Bình. Trong khi mọi người lần lượt ra chiến trường B, C thì ông “nằm chơi xơi nước” ở miền Bắc. Không chịu cảnh ấy, năm 1967, ông đã chích máu ở đầu ngón tay và viết đơn gửi Trung đoàn 1A thuộc Quân khu Hữu Ngạn: “Đề nghị với Đảng ủy xét cho được chi viện chiến trường miền Nam bằng tình cảm, xương máu của chính mình”. Chờ mãi không được đáp ứng nguyện vọng, đầu năm 1969, khi những trận chiến đấu ở chiến trường ngày càng ác liệt, ông lại tiếp tục chích máu viết đơn đề nghị với Đảng ủy Tiểu đoàn 530 (Sư đoàn 320) cho vào Nam chiến đấu...

Cựu chiến binh Phùng Đình Phượng.


Sau này, khi được điều về làm Trợ lý quân nhu thuộc Phòng Hậu cần Sư đoàn 320B, ông mới có cơ hội đi chiến đấu ở chiến trường. Nhiệm vụ quan trọng nhất của ông là bảo đảm quân nhu cho Trung đoàn 48 của Sư đoàn 320B. Các mặt hàng quân nhu, quân lương đều được cất giấu dưới hầm, ở xã Dương Lệ Văn, cách Thành cổ 1km về phía Đông Bắc. Tại vị trí này, địch cũng đánh phá ác liệt, không lúc nào ngớt tiếng bom, tiếng đạn pháo. Các đợt đánh phá kéo dài và cách nhau chưa được 15 phút. Những người lính hậu cần như ông phải tận dụng thời gian hiếm hoi ấy để cấp hàng cho Tiểu đoàn 25 vận chuyển tới các đơn vị ngoài mặt trận.

Đến nay, ông vẫn nhớ như in ngày mình bị thương. Đó là lúc 5 giờ 30 phút ngày 5-9-1972, trong khi Phùng Đình Phượng và Nguyễn Văn Miện nằm ở hầm kèo tránh địch oanh tạc thì một quả bom rơi trúng nóc hầm. Người ông bị các loại gỗ đè, không thể cựa quậy. Ông thấy máu chảy khắp người, toàn thân đau ê ẩm, ruột lòi ra ngoài mà không có cách gì thoát ra khỏi chỗ vùi lấp. Ngay sau khi bom ngớt, đồng chí Đoàn Quang Ngần, Trợ lý kế hoạch, chỉ huy 30 đồng đội đào bới khắp nơi để tìm. Hơn 30 phút đào bới trong tiếng bom đạn và máy bay gầm rú, những người tìm kiếm mới lôi được Nguyễn Văn Miện ra ngoài. Lúc này ông nghe được tiếng đồng đội gọi: “Phượng ơi... Phượng ơi, ở đâu?”, nhưng không thể trả lời. Phải mất gần 10 phút đào bới hố bom rộng hơn 30m, đồng đội mới lôi được ông ra khỏi căn hầm. Ông ngất đi. Sau khi được y tá sơ cứu, lúc tỉnh lại, câu đầu tiên ông hỏi mọi người là: “Miện đâu?”. Mọi người đứng quanh ông đều im lặng. Ông hiểu cái im lặng đáng sợ ấy, mắt ông nhòa lệ. Thế là người đồng đội, người bạn chiến đấu của ông đã ra đi. Khi đã ổn định tinh thần, mọi người mới kể cho ông nghe về sự hy sinh của Nguyễn Văn Miện. Khi đưa được Miện ra khỏi vị trí vùi lấp thì chân tay anh ấy đã tê cứng, không còn cử động được nữa. Miện kêu tức ngực, khó thở. Mặc dù đã được y tá Phạm Văn Mai xoa bóp ngực và tiêm thuốc hồi sức, nhưng do ở nơi thiếu không khí nên 3 phút sau Miện trút hơi thở cuối cùng...

Tết năm 1973, khi đang điều trị ở hậu cứ của Sư đoàn 320B, Phùng Đình Phượng đề nghị bác sĩ Các, phụ trách hậu cứ, chứng nhận đã hồi phục sức khỏe, đủ điều kiện được hành quân vào mặt trận để cùng đồng đội chiến đấu. Sau đó, nguyện vọng của ông được cấp trên xem xét, chấp thuận. Nhờ tinh thần trách nhiệm cao, dũng cảm trong chiến đấu, ngày 19-7-1973, Phùng Đình Phượng được chi bộ làm lễ kết nạp Đảng ngay tại chiến trường. Đối với ông, đây là niềm vinh dự và tự hào lớn lao. Kết thúc chiến tranh, ông công tác tại Phòng Hậu cần (Quân đoàn 1) đến năm 1989 thì về nghỉ hưu với quân hàm Trung tá.

Bài và ảnh: NGUYỄN MẠNH THẮNG