Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung thắp hương viếng liệt sĩ tại Khu mộ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong-Tiểu đội Anh hùng-tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc

Năm nào cũng vậy, cứ ăn Tết xong, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung, Tư lệnh Binh đoàn 12 lại cùng đoàn cán bộ cơ quan Binh đoàn hành trình về phương Nam. Trên đường kiểm tra các đơn vị thuộc quyền, các anh đến thắp hương ở Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, thăm hỏi một số cán bộ, chiến sĩ của binh đoàn đã nghỉ hưu.

Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung gọi đó là cuộc hành trình về cội.

Đầu năm nay, tôi có may mắn “tháp tùng” cuộc hành trình đó. Trong sổ tay của tôi có ghi:

Ngày 3-2-2009 (9-1 âm lịch): Sáng: Kiểm tra Xí nghiệp 185 (đóng ở thành phố Vinh). Tiền thân của xí nghiệp là Trung đoàn 185, đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân, từng nhiều năm vừa làm đường, vừa chiến đấu bảo vệ giao thông tuyến đường 7 và 8 trên đất bạn Lào. Năm vừa qua (2008), xí nghiệp tạo được nhiều việc làm, đời sống của bộ đội và công nhân viên ổn định.

Chiều: Thăm Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc, thắp hương khu mộ 10 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong tiểu đội Anh hùng. Anh Nhung đứng hồi lâu trước tấm bia khắc bài thơ của nhà thơ Vương Trọng Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc, sau đó gặp anh Thắng, chị Yến và một số anh chị em ở khu Di tích. Anh Nhung nói, bộ đội Trường Sơn xem những con người đã ngã xuống nơi đây là đồng đội và mong Ban quản lý chăm sóc phần mộ thật tốt để anh chị em siêu thoát nơi chín suối.

Ngày 4-2: Sáng đến thăm gia đình Nguyễn Văn Ân, lái xe của binh đoàn, sau đó thăm anh Tôn ở thành phố Đồng Hới. Anh Tôn đã về hưu, vốn là cấp dưới của anh Nhung khi anh Nhung làm giám đốc Công ty 384. Anh Tôn cuống quýt. Không ngờ thủ trưởng vẫn nhớ đến mình.

9 giờ 40 phút, đoàn vào viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Trời nắng đẹp, không gian yên tĩnh, thoáng mát. Hơn 20 cán bộ Binh đoàn 12 nghiêng mình trước khu tượng đài. Trước anh linh của các liệt sĩ, anh Nhung tỏ lòng biết ơn những người đi trước và mong các anh luôn phù hộ Binh đoàn trong chặng đường tới.

Tôi để ý thấy anh Nhung ngồi rất lâu bên một ngôi mộ, vừa thì thầm vừa nhổ cỏ. Trên bia mộ có ghi: Liệt sĩ Hoàng Văn Minh, Trung sĩ, nhập ngũ 12-1967, hy sinh năm 1972; quê quán: xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Anh Nhung kể, anh Minh là tiểu đội phó của anh hồi ở Đại đội 57, Bộ Tư lệnh Trường Sơn. Anh Minh thư sinh, nước da trắng, rất đẹp trai. Anh thông minh và hiền lành, coi Nhung như em út của tiểu đội. Năm 1971, Lương Sĩ Nhung được cử đi học ở Trường sĩ quan Công binh. Đêm chia tay, anh Minh còn cặm cụi làm cho Nhung một chiếc khóa thắt lưng bằng đèn pháo sáng Mỹ. Năm 1972, anh Minh hy sinh. Nhận được tin dữ, Lương Sĩ Nhung đau đớn như mất một người anh trai. Sau khi mộ anh Minh được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, anh Nhung thường xuyên đến thắp hương cho anh.

Cuộc hành trình của anh Nhung và đồng đội không chỉ dừng lại ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Các đơn vị của Binh đoàn đóng quân trải dài khắp đất nước. Mỗi lần đi kiểm tra hoặc theo dõi thi công, các anh đều đến thắp hương ở các nghĩa trang liệt sĩ: Sơn La, Plei-cu, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc… Nhưng với Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là một tình cảm đặc biệt. Nơi đó yên nghỉ hơn mười nghìn liệt sĩ, đồng đội của các anh một thời nhường cơm sẻ áo cho nhau. Những người lính đã anh dũng hy sinh để có đất nước hòa bình ngày hôm nay, để có Binh đoàn 12-Tổng công ty xây dựng Trường Sơn vững mạnh sẵn sàng chấp nhận sự cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Anh Nhung nói, các thế hệ kế tiếp của Binh đoàn Trường Sơn không được quên điều này. Không được quên, để sống có thủy, có chung, để làm việc có trách nhiệm, không xấu hổ với những người đã khuất.

Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung quê ở xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Cuối năm 1969, chàng thanh niên Lương Sĩ Nhung nhập ngũ và đầu năm 1970, anh vào chiến trường 559. Từ đây, trừ những năm đi học ở Trường sĩ quan Công binh và một số trường lớp khác, còn lại cuộc đời của Lương Sĩ Nhung gắn bó và trưởng thành với Trường Sơn, từ cán bộ trung đội cho đến Tư lệnh binh đoàn như bây giờ. Được trực tiếp đứng gác, bảo vệ Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên và các thủ trưởng Bộ tư lệnh Trường Sơn, được nghe giao ban, nghe điện thoại của các binh trạm, các đơn vị vận tải, pháo binh, cao xạ… trên toàn tuyến báo cáo về khối lượng bom đạn địch thả xuống, những mất mát, hy sinh, xe cháy, xe đổ, anh mới thấy được những gian khổ hy sinh mà đồng đội chịu đựng. Trong đầu anh hình dung những đèo dốc hiểm trở, những tuyến đường đầy bom nổ chậm và thử dự đoán hướng quyết tâm của Bộ tư lệnh trước các tình huống.

Mùa mưa năm 1970 đi qua anh lính trẻ Lương Sĩ Nhung bằng sự khắc nghiệt của thời tiết và ác liệt của bom đạn, còn mùa khô năm 1970- 1971 anh được chứng kiến Chiến dịch đường 9- Nam Lào. Lúc đó Bộ tư lệnh Trường Sơn đóng ở cây số 54, đường Xe Con (tên đường bộ đội ta tự đặt), tỉnh Xa-va-na-khẹt. Không được cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng anh được chứng kiến nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm của đồng đội. Đó là chiến sĩ Ca người Tuyên Quang dùng B41 đứng trên điểm cao hạ 2 máy bay trực thăng bay tầm thấp; hoặc chiến sĩ Chu Nhật Hoàng quê Hưng Nguyên (Nghệ An) kể chuyện chiến đấu như đi hội… Đọng lại trong anh sâu nhất là tình đồng đội trong khó khăn gian khổ. Đến giờ anh vẫn nhớ Chính trị viên đại đội Nguyễn Mới bị ho lao. Nằm viện, mỗi ngày được tiêu chuẩn một cái kẹo Hải Châu, ông vẫn gói lại cẩn thận để dành cho anh. Khi anh định lại gần để săn sóc cho thủ trưởng của mình thì ông xua tay: “ Đứng xa ra, tao bị ho lao. Tao thì già rồi, còn bọn mày đang trẻ, lây bệnh thì nguy!”. Anh nhớ Đại đội trưởng Võ Sĩ Trạch người Phú Yên. Một lần, máy bay địch quần lượn chuẩn bị đổ quân xuống nơi đơn vị đóng quân. Cả đại đội báo động chiến đấu nhưng Lương Sĩ Nhung vẫn ngủ say dưới hầm. Thấy vậy, anh Sự y tá đại đội định đánh thức anh dậy nhưng Đại đội trưởng gạt đi: “Thôi, nó còn trẻ, hãy để nó ngủ”. Đêm Lương Sĩ Nhung chuẩn bị đi học ở Trường sĩ quan Công binh, hai anh em mắc võng gần nhau. Ông Trạch bảo: “Nhung ơi, cho mày đi học tao tiếc lắm. Nhưng vì tương lai của mày, cố ra đó mà học, đừng làm hổ danh Bộ đội Trường Sơn”.

Hơn 3 năm học ở Trường sĩ quan Công binh, ra trường đầu năm 1975, Thiếu úy Lương Sĩ Nhung may mắn được điều về Bộ tư lệnh Trường Sơn. Lúc này, ta đang mở chiến dịch Tây Nguyên rồi chiến dịch Hồ Chí Minh. Các đơn vị của binh đoàn phải đuổi theo các chiến dịch để phục vụ các đơn vị chiến đấu. Sản phẩm đầu tay của chàng thiếu úy trẻ tuổi là phụ trách một trung đội của Trung đoàn 99 bắc cầu Đồng Nai mà địch đánh sập 3 nhịp lúc tháo chạy, tiếp đó là bắc cầu Đại Ninh từ Đà Lạt về Sài Gòn. Vừa làm vừa học đồng đội và những người đi trước, kể cả học cách bắc cầu Pe-lây của một viên đại úy kỹ sư của quân đội Sài Gòn, nên trình độ của anh đã nhanh chóng được nâng lên. Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, đơn vị anh quay trở về đường 9 làm đường Đắc Krông đi A Lưới (nay là một đoạn của đường Hồ Chí Minh). Kiến thức học ở nhà trường chủ yếu là cầu đường quân sự, nay đơn vị chuyển sang làm cầu đường dân dụng nên có khó khăn với anh. Rút kinh nghiệm từ làm cầu Đồng Nai và cầu Đại Ninh, làm đến đâu học đến đó, xem nhiều tài liệu, những quy trình, quy phạm, thiết kế kỹ thuật, đối chất với nhiều kỹ sư. Sau này, khi được điều về Phòng tham mưu của Sư đoàn 472 để chỉ đạo thi công, rồi về lại Trung đoàn 99 làm Trưởng phòng kế hoạch, hoặc Trưởng phòng Kinh tế kế hoạch của Sư đoàn 384 đóng ở Lào (nay là Công ty 384- Binh đoàn 12), anh may mắn được làm việc với nhiều kỹ sư giỏi cộng với sự ham học nên đã trở thành một người chỉ huy

Bộ Tư lệnh Binh đoàn 12 vào thắp hương viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Ảnh: HS

thi công có bản lĩnh, vững vàng trước mọi thử thách.

Anh nói với tôi, làm cầu đường giờ đây có cái khác so với trong chiến tranh. Ngày xưa là bằng mọi giá để đường thông cho xe ra tiền tuyến, ngày nay là đường công nghiệp hóa, yêu cầu kỹ thuật cao hơn và gắn với giá thành và tiến độ thi công khắt khe. Cái khốc liệt của làm cầu đường ngày xưa là giữa sự sống và cái chết, giữa một bên quyết làm và một bên quyết phá, còn ngày nay do cạnh tranh nên làm thế nào được nhanh, rẻ nhưng lại tốt… Làm được điều đó, trước hết phải giữ “chất” của người lính Trường Sơn: quyết chí gắn liền với trí tuệ. Mỗi người lính trong binh đoàn đều tự hào và tự trọng với “thương hiệu” Trường Sơn. Chính vì thế mà năm vừa rồi, kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nhiều nhưng Binh đoàn vẫn đứng vững. Anh Nhung nhận định, trong suy thoái vẫn có thời cơ. Đó là các đơn vị kinh tế được kích cầu, lãi vay ngân hàng giảm, vậy thì không lý do gì binh đoàn không giữ được mức tăng trưởng 10%. Tăng trưởng về doanh thu thì chắc chắn thu nhập của cán bộ, công nhân viên tăng.

- Làm cán bộ thì phải có tầm và có tâm. Phải có kiến thức xã hội, kiến thức kinh tế để phát hiện khó khăn, tìm thời cơ cho đơn vị. Phải biết thương anh em. Đêm nằm suy nghĩ về đối tác, chủ đầu tư, rồi công nợ như thế, nếu quyết thì được gì, mất gì, có lợi cho đơn vị, cho anh em như thế nào. Phải sống có thủy, có chung, kính trọng các thế hệ đi trước, làm việc tâm linh với người đã khuất… Rồi các cụ, anh em đồng đội sẽ ủng hộ mình thực hiện nhiệm vụ-Buổi trưa tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thiếu tướng Lương Sĩ Nhung nói với tôi như vậy.

SƠN NAM ANH