Quận lỵ Thượng Đức, tỉnh Quảng Đà (nay thuộc tỉnh Quảng Nam) là địa bàn trọng điểm, án ngữ phía tây TP Đà Nẵng. Đây là một căn cứ kiên cố, vững chắc, được trang bị vũ khí hiện đại của ngụy quyền với hệ thống hầm hào liên hoàn cùng trận địa hỏa lực dày đặc được bố trí xen kẽ. Trong căn cứ có trung tâm liên hợp quân sự của ngụy, sở chỉ huy chiến thuật, bệnh viện, sân bay lớn, ga tàu... sức chứa 16.000 quân, được mệnh danh là “mắt ngọc của đầu rồng”, “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm của Đà Nẵng, một cứ điểm chiến lược dễ thủ, khó công. 

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Du chia sẻ với vợ những câu chuyện thời chiến.

Năm 1974, Trung đoàn 66 được cấp trên tăng cường hỏa lực pháo binh, phòng không, công binh, xe tăng, có nhiệm vụ tiến công giải phóng quận lỵ Thượng Đức. “5 giờ ngày 29-7-1974, Bộ tư lệnh chiến dịch phát lệnh tiến công Thượng Đức. Hai phát pháo hiệu xanh, đỏ vút lên không trung và tín hiệu “bão táp” được truyền đi các hướng. Pháo binh dồn dập nã đạn vào Thượng Đức, cứ điểm chìm trong khói lửa. Tiểu đoàn 9 chúng tôi có nhiệm vụ tiến công hướng thứ yếu tiền đồn B vào Thượng Đức. Ban đầu, đơn vị sử dụng bộc phá mở cửa không thành, sau chuyển sang dùng bộc phá liên tục và mìn định hướng phá 5 hàng rào tiền đồn B. Địch sử dụng hỏa lực bắn trả quyết liệt. Đến ngày thứ ba, anh Lê Thanh Tư, Tiểu đoàn trưởng bị thương không thể tiếp tục chiến đấu. Cấp trên lệnh cho tôi chỉ huy tiểu đoàn tiếp tục phá cửa mở”, cựu chiến binh Nguyễn Văn Du, hiện ở xã Nghi Mỹ (Nghi Lộc, Nghệ An) nhớ lại.

Nhận nhiệm vụ, Trung úy Nguyễn Văn Du tiên phong dẫn đầu tiểu đoàn xông lên đánh địch. Đến ngày thứ 9, tiền đồn B chỉ còn lại hàng rào mái nhà trong cùng, lúc này, bộc phá và mìn đã hết, lực lượng lại mỏng. Phó tiểu đoàn trưởng Du lệnh cho chiến sĩ Đại đội 11 cởi áo, quần dài vứt lên hàng rào, đồng thời anh nhanh chóng chạy lên ôm cọc hàng rào, ra lệnh: “Hãy giẫm lên vai tôi nhảy qua hàng rào tiêu diệt địch”. Nhận lệnh, chiến sĩ Nguyễn Văn Linh nhảy lên nhưng bị hỏa lực trong lô cốt bắn ra, hy sinh ngay trên vai Trung úy Nguyễn Văn Du. Nén đau thương, Phó tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Du hô to: “Anh em nhanh chóng giẫm lên vai tôi tiến qua hàng rào tiêu diệt địch trả thù cho đồng chí, đồng đội”. Nhanh như cắt, Chính trị viên Đại đội 11 Đào Văn Phòng cùng một tổ bộ binh giẫm lên vai Phó tiểu đoàn trưởng nhảy qua hàng rào đánh vào lô cốt bên trái cửa mở an toàn. Tiếp đến, Đại đội trưởng Đậu Văn Mùa cùng tổ bộ binh nhảy qua đánh chiếm lô cốt bên phải. Đơn vị đồng loạt tiến đánh các lô cốt hai bên sườn cửa mở.

Tình hình thuận lợi, Phó tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Du lệnh cho Đại đội 10 (đại đội dự bị của trung đoàn) do đồng chí Hoàng Văn Nam chỉ huy đánh xuống hướng nam. Đại đội 10 nhanh chóng đánh chiếm được khu cảnh sát và 3 hầm khu quận lỵ, Đại đội 11 đánh chiếm khu bảo an. Nhưng đến 12 giờ đêm, quân địch phản kích chiếm lại khu cảnh sát, 3 hầm quận lỵ và khu bảo an. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, giằng co giữa ta và địch. Cấp trên lệnh cho Tiểu đoàn 9 kiên quyết giữ bằng được những căn cứ, lô cốt đã chiếm được.

 Lúc này, trên hướng tiến công chủ yếu phát triển không thuận lợi, ban chỉ huy sư đoàn hội ý đánh giá tình hình, thống nhất chuyển hướng tiến công của Tiểu đoàn 9 thành hướng tiến công chủ yếu. Trung đoàn tăng cường Đại đội 3 (Tiểu đoàn 7) cho Tiểu đoàn 9, Trung úy Nguyễn Văn Du lệnh cho đại đội tăng cường đánh vào bên trái xuống khu hỏa lực, sân bay dã chiến... Bước sang ngày thứ 10, đơn vị tiếp tục tiến công sâu vào quận lỵ Thượng Đức. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Du kể: “Lần thứ nhất chúng ta tấn công vào khu trung tâm quận lỵ không thành công do địch dùng hỏa lực bắn trả rất mạnh. Lần thứ hai tấn công, ta chiếm lại khu cảnh sát. Tôi cùng một tổ trinh sát, tổ bộ binh áp sát hầm quận trưởng và hô to “hàng sống, chống chết”, bất ngờ nghe tiếng nổ “đòm”, tôi nhảy vào hầm thì tên quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng đã tự sát ngay trên chiếc ghế mây”.

Bài và ảnh: HOÀNG TRUNG