Tháng 7 này, bộ đội tên lửa Việt Nam kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống. Ký ức về một thời mang tên lửa cơ động khắp các chiến trường để tiêu diệt máy bay địch ùa về trong trí nhớ của người lính già, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy. Ông vẫn nhớ như in trận đánh chiều 2-4-1972, tại trận địa ở Mễ Tre (Vĩnh Linh, Quảng Trị), chỉ trong hơn một tiếng rưỡi, Tiểu đoàn 64 đã bắn rơi hai máy bay Mỹ. 14 giờ 10 phút, Tiểu đoàn 64 nhận lệnh vào cấp 1 và chỉ 4 phút sau đơn vị đã bắn hạ một chiếc máy bay F-4 của không quân Mỹ, giải tỏa tâm lý nóng lòng sau hai ngày liên tục căng mình sửa chữa khí tài không được chiến đấu.

leftcenterrightdel

Kíp chiến đấu Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236 bàn kế hoạch tác chiến ở trận địa Mễ Tre (Vĩnh Linh, Quảng Trị), ngày 1-4-1972 (Tiểu đoàn trưởng Phạm Trương Uy ngồi thứ ba, từ trái sang). Ảnh tư liệu

Sau trận đánh, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, một số đồng chí phấn khích mừng thắng lợi nên có biểu hiện tư tưởng chủ quan. Tiểu đoàn trưởng Phạm Trương Uy quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ phải nêu cao ý thức sẵn sàng chiến đấu, không được xả hơi sau chiến thắng, địch sẽ còn quay lại. Vừa quán triệt xong thì đơn vị được lệnh vào cấp 1, thông báo có B-52. Tất cả vào vị trí chiến đấu nhưng khi thu tín hiệu bị nhầm tốp B-52. Kíp chiến đấu nhanh chóng hội ý tại chỗ. 15 giờ 45 phút, các trắc thủ bám sát dải nhiễu góc, Tiểu đoàn trưởng Phạm Trương Uy lệnh phóng hai tên lửa giãn cách 6 giây, ngòi nổ 11,5 giây, phương pháp 3 điểm. Tên lửa nổ ở cự ly 21km, một chiếc B-52 bị tiêu diệt.

Khí thế chiến thắng lần đầu bắn rơi máy bay B-52 sôi sục khắp tiểu đoàn; đơn vị được cấp trên biểu dương, đơn vị bạn và nhân dân địa phương chúc mừng. Nghe tin, Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn liền viết 4 câu thơ gửi tặng và động viên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 64: Hoan hô dê sáu tư anh hùng/ Hạ tại chỗ “pháo đài bay” Mỹ/ Những ngày đầu chiến dịch Trị Thiên/ Trận thắng to trong binh chủng hiệp đồng.

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy còn kể cho chúng tôi câu chuyện liên quan đến trận đánh đặc biệt này. Ngày 21-2-2000, Thiếu tá Jame Webb, Đội trưởng đội Hoa Kỳ trong đợt hoạt động hỗn hợp Việt-Mỹ tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam đã đến Việt Nam và gặp Đại tá Hoàng Bát, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 236 và Đại tá Phạm Trương Uy, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64 để nắm thông tin nhằm tìm kiếm hài cốt phi hành đoàn trong các trận đánh chiều 2-4-1972. Thiếu tá Jame Webb đã nói rằng, sau khi tìm hiểu về chiếc máy bay Mỹ bị bắn rơi hồi 17 giờ ngày 2-4-1972 (múi giờ miền Nam ngày ấy sớm hơn múi giờ miền Bắc một giờ), đã nhận được thông báo: Chiếc máy bay bị tên lửa bắn rơi có một phi hành viên là trung tá Iceal Hambleton, chuyên viên điện tử, đã nhảy dù tọa độ x1861500 y714500 (bản đồ Mỹ) ở khoảng bắc Cam Tuyền (Cam Lộ, Quảng Trị), phải 13 ngày sau mới được cứu thoát. Còn 5 nhân viên nữa mất tích. Sự kiện này đã được dựng thành phim ăn khách ở Mỹ. Một thông tin đáng chú ý, để cứu Hambleton, không lực Hoa Kỳ đã bị tổn thất rất lớn: 2 chiếc máy bay UH-1, 1 máy bay CH-53, 2 chiếc OV-10, 1 chiếc A-1, nhiều phi cơ khác bị trúng đạn, hơn 850 phi vụ cấp cứu, yểm trợ, hàng triệu đô-la bom đạn, 11 quân nhân tử trận, 2 phi công bị bắt sống mà không cứu nổi, sau đó phải dùng người nhái mới đưa được trung tá Iceal Hambleton trở về.

NGUYỄN CHÍ HÒA