Tượng đài Bộ đội Trường Sơn
Đội qui tập mộ liệt sĩ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh Thừa Thiên-Huế được tổ chức từ tháng 1 năm 1992. Nhớ ngày mới thành lập khi quán triệt nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, không ít cán bộ, chiến sĩ đã băn khoăn lo lắng khi nghĩ đến việc phải trở lại chiến trường xưa mà bom đạn và chất độc hóa học của địch để lại còn nhiều. Thế nhưng khi nghĩ đến hòa bình rồi mà đồng đội mình còn nằm lại trên chiến trường xưa ở đông Trường Sơn, tây Trường Sơn, thì tất thảy cán bộ, chiến sĩ đội qui tập 192-Thừa Thiên-Huế đều xác định tốt nhiệm vụ và không khó khăn nào ngăn được họ. Họ tranh thủ học tiếng dân tộc Tà Ôi, Vân Kiều, tiếng Lào để làm dân vận, nhờ nhân dân giúp đỡ mà hoàn thành nhiệm vụ.

Vùng đất nơi các chiến sĩ đội 192 đến là những mảng xanh thẫm trên bản đồ Tổ quốc: Biên giới Việt-Lào, nơi chiến khu A Sầu, A Lưới, Hòa Mỹ, Phong Sơn, Phong Điền, Dương Hòa, núi Bông, núi Nghệ, suối Máu, Hồng Hạ… 15 năm trèo non, lội suối, ngủ rừng, các anh đã đi qua gần 2.000 bản làng, nhiều vùng đất trên nước bạn Lào.

Hành trang của các anh là ba lô cóc, tăng võng, xà beng, cuốc chim, thuốc chống muỗi, sên, vắt, thuốc sốt rét, là bao ni lông, tiểu sành, hương hoa, sơ đồ mộ chí, là gạo muối, lương khô và những chiếc xe Gát 66, Gát 53... Các anh phát đường mà đi, đi theo bản đồ mộ chí, đi theo góc phương vị. Nhờ hiểu phong tục của bà con dân tộc thiểu số, của dân bạn, nên đến đâu đội 192 cũng được chính quyền và nhân dân giúp đỡ. Tìm được mộ rồi, các anh làm thủ tục chu đáo rồi mới lo việc đào, bới, cất bốc.
Trung tá, đội trưởng Phạm Văn Túc có bài cúng đồng đội ngắn, gọn mà da diết tình đồng đội, tình người. Anh nói rõ nguyện vọng của người đi cất bốc, mong các liệt sĩ phù hộ độ trì cho anh em bình yên mà đào, tìm, tránh được mọi rủi ro như bom mìn còn sót lại trong lòng đất, tránh được những cơn sốt rét ác tính… Thời tiết ở Trường Sơn mùa hè có ngày lên đến 39, 40 độ C. Có ngôi mộ phải đào cả gốc cây to mới lấy được hài cốt, có mộ phải đào gần chục khối đất, đá mới tìm thấy đồng đội. Có hôm tìm thấy khu mộ với 7 hài cốt, cả đội tập trung đào bới mà trời bốn bề mưa, chỉ có khoảng trời anh em cất bốc lại nắng. Các chiến sĩ nhìn trời đất mà cứ ngỡ ngàng. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều có chung suy nghĩ: Các anh thiêng lắm đấy, đến đất trời cũng phù hộ. Có bữa đội trưởng Phạm Văn Túc bị trận sốt rét rừng, thuốc đã hết mà đường về cứ thì xa, mấy anh lo mà phát khóc, thế rồi anh em thắp hương khấn vái nói với 12 bộ hài cốt đang nằm trong tiểu sành đã được phủ vải hồng điều chuẩn bị đưa lên vùng tập kết đợi xe. Lầm rầm khấn vái mấy câu gì đó… thế mà chưa đầy một giờ sau đội trưởng Phạm Văn Túc khỏe mạnh, tươi tắn cứ như vừa uống thần dược vậy!

Có ngôi mộ do chôn bằng túi ni lon nên khi đào lên vẫn còn nguyên thi thể. Cán bộ, chiến sĩ đội 192 tìm mọi biện pháp để nguyên trạng, đưa liệt sĩ về nghĩa trang an toàn. Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cán bộ chiến sĩ đội 192 vẫn bám trụ ở những cánh rừng Trường Sơn. Có chiến sĩ 7, 8 năm vẫn chưa một lần vui xuân đón Tết với vợ con, gia đình. Nhưng vì nghĩa tình và trách nhiệm, họ vẫn vui vẻ ở lại lo khảo sát, tìm kiếm mong sao hài cốt các liệt sĩ sớm được về quy tập trong lòng đất Mẹ. Những năm đầu, nếu ở trong nước đội 192 với 70 cán bộ, chiến sĩ đã có 4.000 ngày công đào tìm, phát quang 5.400 mét vuông, đào 7.000 mét khối đất đá cho việc tìm mộ thì ở mạn tây Trường Sơn, đội 192 đã đi tới 232 bản làng để tìm kiếm quy tập 1.164 mộ liệt sĩ đưa về nước an toàn.

Thương dân bạn vùng sâu nghèo khó, đội cũng đã giúp mở đường, lợp nhà, cho muối, nhường gạo cho dân bạn. Những trận sốt rét ác tính và sốt rét thường đã không buông tha cho bất cứ ai ở đội quy tập 192, có người đã vài chục lần, người ít cũng không dưới 5 lần môi thâm, da xanh, tóc rụng… Do bệnh nghề nghiệp vì lao động trong một môi trường độc hại, có gần 30 đồng chí đã mất sức từ 12 đến 43%. 8 năm đầu hành quân không nghỉ, bất chấp cả đạn, bom, chất độc hóa học, để đào hàng vạn mét khối đất, đá, hốc cây, các chiến sĩ đã cất bốc 2.392 ngôi mộ liệt sĩ, trong đó có 1.164 mộ ở tây Trường Sơn, trên đất bạn Lào đưa về quy tập an toàn ở các nghĩa trang liệt sĩ trong nước. Cuộc hành trình của các chiến sĩ, cán bộ đoàn 192 Thừa Thiên-Huế đi tìm đồng đội bên đông và tây Trường Sơn vẫn chưa kết thúc. Các anh còn đi và thay nhau đi dọc cuộc đời, chỉ mong thực hiện một điều: Các liệt sĩ sớm có mồ yên, mả đẹp nơi đất Mẹ.

Vì có thành tích đặc biệt xuất sắc, 5 năm sau ngày thành lập, đội 192 đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương Chiến công hạng 3, nhiều năm được công nhận là đơn vị Quyết thắng, chi bộ trong sạch vững mạnh, hơn 100 đồng chí được tặng bằng khen của Quân khu và Bộ Quốc phòng, một đồng chí được tặng huân chương Chiến công hạng 3, 30 đồng chí được tặng bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đội quy tập 192 xứng đáng được công nhận là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới.

Thy Ngọc