Ông Tấu kể: “Tính đến tháng 4-1969, tôi vào chiến trường Đông Nam Bộ được 14 tháng, trải qua 5 trận đánh, được tặng 1 giấy khen, 1 danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, được đơn vị đưa vào danh sách cảm tình Đảng. Khi đó, đơn vị tôi đóng quân ở khu vực rừng Dầu, Kà Tum, nằm dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Vào mùa mưa, những cơn mưa ào ạt, dai dẳng đến thối đất. Bộ đội đặc công chúng tôi đến đây phải đào hầm, ngủ trên tăng võng theo phương châm “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Ăn uống rất kham khổ, ngoài lương khô, thỉnh thoảng cũng được ăn cháo loãng với rau rừng. Thời gian này, sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, địch khủng bố trắng, nhiều cơ sở của ta bị lộ nên việc tiếp tế cho bộ đội rất khó khăn. Mỗi lần dân đi rừng tiếp tế cho chúng tôi được vài ba ký gạo để nấu cháo cho người bị thương nặng, còn lại đều phải ăn rau, ăn củ cây rừng… Địch tăng cường cho biệt kích lùng sục, mở các trận càn lớn nhằm tiêu diệt các đơn vị chủ lực của ta. Anh em phải rất cẩn trọng trong việc đun nấu, nếu phát hiện có khói, máy bay địch lập tức oanh tạc hoặc bắn pháo. Chúng tôi phải đào bếp Hoàng Cầm, bố trí người trèo lên cao để xem xét, nghe ngóng mọi động tĩnh từ xa. Thỉnh thoảng, địch cho máy bay rải chất độc hóa học để diệt trụi rừng với mục đích không còn chỗ cho ta ẩn nấp. Những chiếc hầm chữ A nửa chìm nửa nổi, dù nước ngập bì bõm nhưng vẫn là nơi che bom che đạn, là nơi cứu chữa anh em thương binh. Chúng tôi đào hầm sâu, đóng hai đầu hai cọc, cột chiếc võng vào đó, bên ngoài chiếc võng phải dùng ni lông bịt lại để không bị ngấm nước. Thiếu thốn trăm bề nhưng vất vả, khó khăn không ngăn được các chiến sĩ đặc công Gia Định kiên cường bám trụ chiến đấu...”.

leftcenterrightdel
Ông Dương Đình Tấu (bên trái) chụp ảnh sau một buổi nói chuyện với tuổi trẻ Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh.

Trong cuộc đời quân ngũ, ông Tấu đã chiến đấu và tham gia 56 trận đánh lớn nhỏ, có những trận vô cùng ác liệt, tiêu diệt hàng trăm tên địch. Ông vẫn nhớ như in trận đánh của Đại đội Hỏa lực 22, Đoàn Đặc công J16 Miền Đông (Đoàn 429) vào ngày 24-4-1969. Khi địch phát hiện lực lượng của ta tại khu vực rừng Dầu, chúng đã mở một trận càn lớn. Trước đó, chúng cho máy bay ném bom rải thảm và cấp tập bắn pháo. 8 giờ sáng, địch cho xe thiết giáp chở quân bịt hết các cửa rừng. Chúng hung hăng tiến tới, bắn như vãi đạn vào bất cứ chỗ nào chúng nghi ngờ.

Ông Tấu nhớ lại: “Trung đội tôi mai phục ở hướng chủ yếu, đương đầu với một đại đội địch được pháo và xe tăng yểm trợ. Trong công sự, tôi nghe rõ tiếng thúc giục của tên chỉ huy. Khi bọn chúng tiến đến gần, tôi ném lựu đạn vào tốp lính đi đầu. Bọn địch co cụm lại rồi xông lên, bắn loạn xạ. Chúng tôi cơ động, thay đổi vị trí liên tục, bắn xong loạt đạn này phải lăn ngay sang góc công sự khác. Sau nhiều giờ chiến đấu, địch đã đánh chiếm được căn hầm đầu tiên, hai đồng đội của tôi hy sinh. Tôi sử dụng B-40 bắn cháy một chiếc xe M-113 của địch. Đến 15 giờ 30 phút, tổ chiến đấu còn hai người là tôi và anh Đoàn Hồng Chu, vũ khí cũng chỉ còn 1 quả đạn B-40, 1 băng đạn AK và 2 quả lựu đạn. Chúng tôi xác định mình có thể hy sinh nhưng nhất quyết không rời trận địa. Đang bắn trả địch thì tôi bị trúng đạn, đổ gục xuống, ngất lịm. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong bệnh xá của đơn vị. Tôi điều trị ở đây hơn 6 tháng, khi ra viện vẫn còn một mảnh đạn cạnh lá phổi. Trở lại đơn vị tôi mới biết, lúc tôi bị thương cũng là lúc quân địch bắn đổ đạn để rút quân. Cuộc càn quét của địch đã thất bại hoàn toàn. Tổng kết sau trận chiến đấu đó, đơn vị tôi đã tiêu diệt 57 tên địch, riêng trung đội tôi diệt 1 xe M-113 và 19 tên địch. Tôi được bình bầu là cá nhân xuất sắc, được tặng thưởng 1 bằng khen và danh hiệu Dũng sĩ Quyết thắng. Ngày 25-10-1969, tôi ra viện cũng là ngày tôi được đơn vị tổ chức kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam sau 2 năm, 2 tháng, 28 ngày nhập ngũ...”.

Bài và ảnh: TRẦN HUY BÌNH