QĐND - Một ngày giữa tháng 7-2016, Thượng tá, bác sĩ Phạm Thị Tín (nguyên cán bộ Phòng Quân y, Bộ Tổng tham mưu) hẹn tôi tới nhà riêng của bà ở phố Hàng Chuối (TP Hà Nội). Bà bảo: “Tôi có nhiều kỷ niệm với Thiếu tướng Nguyễn Thị Định vì có 9 năm làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe bà Ba Định”. Nói rồi bà Tín lật giở những cuốn an-bum, trong đó có rất nhiều tấm ảnh gắn với những năm tháng bà được vinh dự phục vụ nữ Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội ta.
|
Thượng tá, bác sĩ, cựu chiến binh Phạm Thị Tín. Ảnh : QUANG HUY |
Năm 1984, bà Tín được cấp trên biệt phái sang Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Thiếu tướng Nguyễn Thị Định. Kỷ niệm đọng lại trong ký ức bà Tín là hình ảnh một nữ tướng có lối sống giản dị, tiết kiệm: “Biết tôi là người bên quân đội nên mỗi khi đi công tác miền Nam, bà thường bảo tôi liên hệ đi nhờ máy bay quân sự, lần thì bà gợi ý để tôi với cậu bảo vệ đi vào bằng tàu hỏa. Bà muốn làm vậy là để tiết kiệm từng đồng kinh phí cho Trung ương Hội”.
Ôn lại những kỷ niệm khó quên với vị tướng xứ dừa, bà Tín xúc động kể về những nỗi buồn mà nữ tướng Nguyễn Thị Định vẫn luôn giấu kín trong lòng, đó là nỗi đau quạnh vắng mà người vợ, người mẹ Nguyễn Thị Định phải trải qua trong suốt hai cuộc kháng chiến và cả những năm cuối đời. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều người thường thấy một tấm ảnh quen thuộc với dòng chú thích: “Bà Ba Định vá áo cho chiến sĩ”. Ở chiến trường, bà Ba Định từng vá áo cho những chiến sĩ Quân Giải phóng, nhưng người mẹ ấy đã không có dịp được vá áo cho người con trai duy nhất. Năm 1960, giữa chiến trường khói lửa, bà vô cùng đau xót khi nhận tin người con đang học tập ở ngoài Bắc vĩnh viễn ra đi vì trọng bệnh.
|
Thiếu tướng Nguyễn Thị Định trong một chuyến công tác tại Hải Phòng (bà Phạm Thị Tín đứng thứ tư, từ trái sang). Ảnh do nhân vật cung cấp |
Nguyễn Ngọc Minh (tên thường gọi là On) là kết quả của mối tình giữa bà với người chồng liệt sĩ Nguyễn Văn Bích. Trong kháng chiến chống Pháp, ông Bích bị đày ra Côn Đảo và hy sinh trong lao tù của thực dân. Từ nhỏ, Minh được gửi ra Bắc học tập, còn bà Ba Định tiếp tục ở lại hoạt động ở chiến trường miền Nam. Bà Tín được những người thân cận cùng công tác với bà Ba Định kể lại, ở chiến trường, nhìn những chiến sĩ Quân Giải phóng tuổi mười tám, đôi mươi, bà Ba Định đã không khỏi chạnh lòng khi nhớ tới người con đã mất. Đó là những nỗi đau giấu kín, không bao giờ bà nói ra, nhưng mỗi khi đêm về hoặc nhận tin đồng đội hy sinh, bà lại lặng lẽ khóc một mình. Đất nước thống nhất, bà Ba Định ra công tác ngoài Hà Nội, khi ấy, bà mới có dịp tới thắp hương bên mộ con. Bà Tín kể rằng, mỗi năm bà Ba Định thường có 2-3 lần tới Bất Bạt (Ba Vì) để thắp hương cho con trai. “Những lần ấy, tôi và bảo vệ, thư ký đều đi cùng bà. Sau khi làm lễ, thắp hương và ăn uống xong, bà bảo chúng tôi mang bộ bài ra và chơi cùng. Chúng tôi hiểu, bà làm vậy là muốn được kéo dài thời gian ở bên con”.
Không còn những người ruột thịt bên mình, bà tìm niềm vui trong công việc. Nhưng vị tướng trận mạc ấy cũng có những khoảng lặng và nỗi niềm sâu kín bộc bạch cùng bà Tín vào mỗi chuyến công tác, đó là những thổn thức xót xa rằng bà chưa có dịp làm tròn bổn phận của một người vợ, làm tròn thiên chức của một người mẹ… Có một hình ảnh khó quên đối với bà Tín, đó là một ngày giữa tháng 8-1992, khi bàn giao công việc để chuẩn bị về nghỉ hưu, bà Ba Định trở về miền Nam, mang theo lọ tro cốt người con trai. Tại nhà riêng ở TP Hồ Chí Minh, lọ tro cốt được bà Ba Định để trên ban thờ hương khói, chờ ngày xây mộ phần cho con. “Bà Ba Định vào miền Nam cùng lời hẹn sau dịp Quốc khánh 2-9 sẽ ra Hà Nội liên hoan chia tay anh chị em phục vụ, nào ngờ, ngày 26-8-1992, bà đột ngột từ trần sau một chuyến công tác”, bà Tín xúc động kể.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định ra đi khi mọi dự định của bà vẫn còn dang dở. Đó là dự định xây cất phần mộ cho người con duy nhất; là mong muốn tìm được mộ chí của người chồng liệt sĩ hy sinh ngoài Côn Đảo; là buổi liên hoan chia tay với những người từng gần gũi, sát cánh cùng bà trong thời gian công tác ngoài Hà Nội…
Thực hiện tâm nguyện của bà, trong lễ an táng Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, tro cốt của người con trai đã được an táng cùng bà ở Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh. Và sau này, các đồng đội đã giúp bà Ba Định thực hiện tâm nguyện tìm được mộ chí của người chồng liệt sĩ ở Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo. Chỉ còn buổi liên hoan như lời hẹn sau ngày Quốc khánh với bà Ba Định là bà Tín và đồng đội không bao giờ thực hiện được. Đó cũng là nỗi day dứt mà mỗi khi nhắc lại, bà Tín lại không cầm được nước mắt.
BÙI VŨ MINH