- Bộ đội không được làm thế!
Mạnh mẽ và dứt khoát, ông lội xuống suối, tay chụm lại tát nước dập tắt ngọn lửa đang cháy rần rật giữa trời nắng gắt. Lửa tắt, ông xốc lại gùi trên lưng nhìn bọn tôi không mấy thiện cảm.
- Bộ đội chết có bổ sung! Đồng bào chết không có bổ sung! - Nói rồi, ông cầm mác đi khuất.
Chuyện bất ngờ như thế đến với chúng tôi-tổ đi kiếm lương thực chống đói cho đơn vị do tôi phụ trách. Đi tới đây đã gần đứng bóng, bụng đói nên chúng tôi tìm cách nấu canh với ốc đá. Cũng sợ khói lên không ổn vì bọn giặc trời vẫn đang quần thảo khu vực, Hùng nêu ý kiến: Dùng củi khô đun giữa trời nắng sẽ không có khói. Nghĩ thế, cả bọn đang làm thì bị ông già tới quát và dập tắt lửa. Cũng may là ăng gô canh đã sôi. Ông ở đâu tới và đang đi về đâu là một dấu hỏi trong đầu chúng tôi. Chỉ có điều chắc chắn là mọi hành động của tổ đã bị đồng bào theo dõi. Nghĩ vậy, chúng tôi ý tứ bảo nhau giữ gìn.
Chúng tôi đang ở vùng cực tây của huyện Nam Giang, Quảng Nam, nơi tiếp giáp với tỉnh Tà Ven Oọc (Lào) đúng mùa mưa năm 1968, hàng hóa không vào được. Định suất lương thực từ 7 lạng gạo/ngày hiện chỉ còn 1,6 lạng/ngày. Mọi sáng kiến nhằm chống đói cho đơn vị, chúng tôi đều thực hiện. Chị em ở Đại đội 3 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đoàn 2 (đơn vị kết nghĩa với Đại đội 6 chúng tôi) mách nước tìm về các rẫy cách mạng lấy khoai mì (sắn) về chống đói. Tôi cùng Hùng và Long đều là người Tày ở Tuyên Quang rất thạo nghề tìm kiếm lâm sản thực hiện nhiệm vụ này.
Bỏ lại đường giao liên bộ theo đường mòn, chúng tôi đi về phía hạ lưu sông Thanh. Nơi có một tổ chị em thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 2 đang chế biến sắn khô để chuyển về đơn vị. Tổ có 5 người do Hân làm tổ trưởng. Các em rất mừng khi chúng tôi tới. Hân chỉ bảo tận tình cho bọn tôi nơi mắc võng nghỉ, nguồn nước, bếp nấu ăn và đề nghị chúng tôi sáp nhập với tổ chị em tổ chức khai thác, chế biến sắn khô. Tất nhiên là bọn tôi đồng ý.
Đêm nằm trên võng mắc qua hai bụi tre nghe rõ dòng nước chảy ầm ào của dòng sông Thanh. Kế bên Hùng, Long đã cất tiếng ngáy, còn tôi ngủ lúc nào cũng không hay. Tỉnh giấc, trăng mười sáu đã gác núi. Bếp vẫn bập bùng ánh lửa, chị em thay nhau tiếp củi giữ nhiệt để làm khô những lát sắn thái trên gác bếp. Bất giác tôi nhớ gương mặt có phần giận dữ của ông già trưa qua với câu nói ám ảnh: “Đồng bào chết không có bổ sung”. Tôi thấy có cái gì đó không ổn ở nơi đây. Đêm ánh lửa phát ra không được che chắn kỹ, ban ngày nơi những tảng đá lớn, bãi trống ven sông được những lát sắn trắng phủ lên…
Tám người chúng tôi quây quần bên nhau tay cầm những củ sắn luộc ăn với môn thục trộn muối ớt cay xè nói cười vui vẻ. Tôi nói nhỏ với Hân về những băn khoăn của mình và bàn với Hân cách đề phòng bị địch oanh tạc.
- Chuyện lớn và nguy hiểm như rứa mà răng em không nghĩ tới nhỉ! Giờ tính sao anh?
- Em bình tĩnh, chuyện chưa có gì mà! Tôi an ủi Hân - Nhưng đề phòng trước vẫn hơn. Em nên nói với chị em việc này để cùng phòng tránh. Tính trước đi nếu bị đánh người sơ tán hướng nào, đồ đoàn nên để đâu cho an toàn, thế thôi…
Càng lên cao, càng thấy tấm lòng người dân với cách mạng. Những quả đồi san sát nhau dọc theo sông Thanh đều là những rẫy trồng sắn của đồng bào để lại; được gọi là “rẫy cách mạng”. Sắn trồng ai cũng có quyền thu hoạch. Song nhổ một khóm phải trồng lại ngay nơi ấy một hom sắn để người sau có cái mà thu hoạch. Theo phân công, chúng tôi đào sắn mang về cho chị em chế biến. Đang chuyển những củ sắn to nạc vào gùi thì nghe tiếng máy bay cánh quạt vọng tới. Ngẩng lên đã thấy hai chiếc AD-6 bay dọc sông Thanh. Qua trước mặt bọn tôi, chúng vọt lên tăng tốc, vòng lại. Tôi la lớn:
- Tản ra ngụy trang kín đáo.
Ba anh em lẩn vào những bụi cây, ngước nhìn hai chiếc AD-6 đang vòng lại. Chớp lửa ở hai bên cánh AD-6 tóe ra tức thì những tiếng “Rụp! Rụp rụp…” của những tràng đạn ở những khẩu liên thanh 6 nòng AD-6 trút đạn xuống khúc sông trước mắt. Chính nơi các cô gái Đại đội 3 đang làm việc. Hai chiếc AD-6 nối đuôi nhau vãi đạn xuống dọc sông Thanh, xuôi dần về phía hạ lưu. Chúng lượn vòng quan sát dọc sông. Bất ngờ chúng nâng độ cao rồi bổ nhào theo hướng mặt trời. Hai bên cánh AD-6 bung ra vật thể không xác định rơi tự do xuống. Lập tức những tiếng nổ chát chúa chuyển động mặt đất. Thì ra bọn chúng phóng bom bi hình quả ổi. Chúng tôi rất lo cho 5 chị em phía dưới mà không cách gì cứu giúp... Rồi chúng tôi nghe tiếng lao xao phía suối cạn. Tới gần thì cả 5 chị em bám theo suối cạn lên chỗ bọn tôi. Chúng tôi nắm chặt tay các cô gái cảm ơn trời đất đã đưa họ trở về an toàn. Chuyện bị địch bắn phá như vừa rồi không lạ lẫm gì với chúng tôi. Nhưng trên khuôn mặt chị em vẫn còn chút thảng thốt, chưa hoàn toàn tự chủ được.
Hân lên tiếng trước:
- Giờ tính sao anh?
- Tính gì nữa. Ta về lại thu dọn, mang được thứ gì về là quý. Giờ là lúc chúng chưa thể đánh phá lại.
Tôi nói với mọi người nhưng cũng là nói với chính mình. Tôi nói thêm:
- Tôi, Long, Hùng đi trước. Các bạn bám theo dấu chân bọn tôi mà bước. Chú ý những quả bom bi chưa nổ.
Bọn tôi thận trọng về lại nơi ở. Cảnh tượng tan hoang trước mắt. Những bụi tre xanh là thế giờ cháy rụi, nổ đốt gãy gục, cháy nham nhở. Những hố bom bi đan dày trên mặt đất chứng tỏ chúng bay rất thấp cắt bom. Hai bó ống phóng bom bi nằm vắt ngang bụi tre gai còn nhìn rõ những quả bom bi hình quả ổi vàng chóe chưa kịp ra khỏi ống.
Cả bọn nhanh chóng rời khỏi nơi bị đánh phá mang theo những gì có thể. Cũng may, ngay buổi sáng chị em đã sơ tán đồ đạc vào những khe núi nên thiệt hại không đáng kể. Chỉ tiếc bộ xoong nồi của chị em bị thủng lỗ chỗ không thể dùng được. Còn chiếc xoong 10 chúng tôi mang tới ngâm sắn dưới suối thì không hề hấn gì. Tôi phân nhóm: Hùng cùng hai bạn nữ đi trước; kế sau là Long và hai bạn nữa, tôi và Hân khóa đuôi. Cả bọn ngược nước sông Thanh về lại đỉnh núi Trường Sơn-nơi đang có những trận mưa, mây đen vần vũ, nước suối dâng đầy.
Chỉ còn một đoạn nữa là tới chân dốc giao liên nơi chúng tôi định nghỉ qua đêm thì mưa sập tới. Chúng tôi bảo nhau cố gắng uống lấy vài ngụm nước mưa để chống cảm mạo. Bùn đất dưới chân nhão nhoét, dép tụt quai liên tục. Cả bọn có lúc co cụm lại giúp nhau chằng buộc, chống ướt.
Bắt đầu qua đoạn suối cuối cùng để lên dốc giao liên. Hân và tôi đi sau cùng dò dẫm bước. Nước đang dâng rất nhanh. Bất ngờ Hân lùi lại suýt xô ngã tôi. Định thần lại giữa dòng nước chảy xiết cuốn theo gỗ mục, cây bật gốc, đá lăn lục cục dưới dòng suối. Đội hình bị cắt làm đôi. Sáu anh em bờ bắc đã kéo nhau lên hết bờ. Tôi ra hiệu cho Hùng cứ dẫn toán đi. Nước đã ngang bụng không thể qua suối, tôi và Hân dạt lại bờ nam…
Tôi không bao giờ quên thời khắc qua đêm cùng Hân bên dòng suối hung dữ ấy. Tôi luôn phải trả lời câu hỏi của Hân: “Giờ tính sao anh?”. Tưởng qua được bờ nam là yên tâm, nào ngờ vừa bước lên bờ, nước phía ấy lại ùa tới. Thì ra chúng tôi đang ở doi đất kẹp giữa dòng suối và suối cạn. Suối cạn giờ đã đầy nước, dòng chảy cuồn cuộn như dòng suối trước mặt. Nước hai dòng hòa làm một mà trời vẫn mưa nặng hạt. Nguy cơ bị nước cuốn trôi, tôi và Hân bám vào những tảng đá lớn có những cây to kế bên tính kế trụ lại. Hân mảnh mai nhưng kiên cường. Em bình tĩnh làm theo tôi, cùng tôi vượt qua mọi thách thức. Trời sập tối và mưa cũng bắt đầu ngớt. Lạnh và đói bám lấy bọn tôi. Chúng tôi cố gắng hứng và uống hết những giọt nước mưa vào bụng trước khi trời tạnh hẳn.
Trời tối đen, tôi và Hân vẫn ngồi lặng yên ở vị trí trốn chạy dòng nước xiết, cố chịu đựng cái lạnh và đói trong lòng. Thế rồi cái ngủ cũng ùa về. Trong cơn mê tôi thấy nhiều thứ. Lúc thì bay vào chốn kinh dị, lúc thì trong vòng bắn phá của máy bay Mỹ. Nhưng sâu đậm nhất vẫn là ánh mắt của ông già hôm rồi với câu nói: “Đồng bào chết không có bổ sung”. Bên tôi, Hân cũng đã tỉnh giấc. Em co chân rút lại dây dép lốp cho vừa chân. Tôi cũng làm theo em.
Chờ trời sáng hẳn, tôi và Hân mới dò dẫm ra đường mòn để qua suối. Gùi sắn hôm qua với tôi không khó khăn gì mà sao hôm nay khoác vào nặng thế. Nó luôn muốn kéo tôi ngã ngửa về phía sau. Không hiểu Hân có thế không? Tôi nghĩ: “Kiểu gì cũng phải mang sắn về đơn vị”. Tôi đi trước, Hân bước theo sau. Cũng may dòng suối đã hiền hòa trở lại nhìn rõ những tảng đá dưới làn nước. Nước chỉ tới đầu gối nhưng sao lạnh thế không biết!
Qua được đoạn suối an toàn, tôi và Hân lặng lẽ bước nhằm dốc giao liên tiến bước. Nơi ấy có Hùng, có Long và 4 chị em tới từ hôm qua đang mong ngóng bọn tôi trở về. Tôi tin ở Hùng, ở Long, những chiến sĩ đầy kinh nghiệm, thích nghi nhanh với môi trường sống sẽ chuẩn bị đón tôi và Hân với bữa cơm nóng hổi có canh ốc đá, có nộm rau tàu bay và măng rừng luộc chấm muối ớt cay xè. Tôi muốn gặp lại ông già đã mắng bọn tôi hôm rồi để nói với ông: “Bộ đội chúng con có đồng bào, có rẫy cách mạng sẽ đánh thắng Mỹ. Bộ đội chúng con không chết! Đồng bào cũng không chết! Không ai chết cả! Tin bọn con đi, bố!”.
NGUYỄN KIM CHÚC