Dù đã gần 80 tuổi nhưng nhạc sĩ Ngọc Khuê vẫn đam mê sáng tác, trong đó có những tác phẩm thể hiện thành công về đề tài LLVT. Nhớ lại chặng đường âm nhạc của mình, ông chia sẻ về hai ca khúc sáng tác trong thời gian đi biểu diễn phục vụ bộ đội chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Tháng 11-1979, tình hình chiến sự trên đất nước Campuchia diễn ra căng thẳng. Tàn quân Pol Pot vẫn tiếp tục chống cự và quấy nhiễu, gây nhiều thương vong cho lực lượng cách mạng Campuchia và Quân tình nguyện Việt Nam. Được sự chỉ đạo của trên, Quân chủng Không quân (nay là Quân chủng Phòng không-Không quân) tăng cường lực lượng vào các sân bay phía Nam tham gia chiến đấu, hỗ trợ trực tiếp cho các lực lượng ở dưới mặt đất.

Vào thời điểm đó, đồng chí Ngọc Khuê đang công tác tại Đội Tuyên văn Không quân (nay là Đoàn Văn công Quân chủng Phòng không-Không quân) được lệnh đi biểu diễn động viên tinh thần cán bộ, phi công thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Đội cơ động đến biên giới Tây Nam ở khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) và đã chứng kiến tội ác diệt chủng của tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary. Sau đó, đội đến Bệnh viện Quân y 121 (Cục Hậu cần Quân khu 9) biểu diễn phục vụ thương binh đang điều trị tại đây.

leftcenterrightdel

Nhạc sĩ Ngọc Khuê (thứ hai, từ phải qua) biểu diễn phục vụ bộ đội tại Cần Thơ, năm 1979.

Thời gian này, nhạc sĩ được nghe các phi công kể về những lần cất cánh chiến đấu đầy hiểm nguy. Bao tình cảm, sự trân trọng cứ thế trào dâng, để rồi ngay tại sân bay Cần Thơ, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã viết khúc ca “Những cánh bay UH-1”. UH-1 được nhắc đến trong bài hát là loại trực thăng vũ trang thu được của địch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bài hát sau khi sáng tác được tốp ca nam của Đội nhanh chóng luyện tập và biểu diễn phục vụ những phi công trực tiếp làm nhiệm vụ bay vũ trang. Khúc ca được các phi công yêu thích hát cho nhau nghe như lời động viên, tiếp thêm tinh thần trong chiến đấu.

Sau những ngày biểu diễn thực tế tại khu vực biên giới Tây Nam, đội trở ra Bắc. Thời điểm tháng 12-1979, tình hình biên giới phía Bắc vẫn là điểm nóng. Nhạc sĩ Ngọc Khuê sau khi về Hà Nội liền đăng ký xung phong đi công tác cùng với cán bộ, phi công của Sư đoàn 371 ra khu vực sân bay Kiến An (Hải Phòng) để trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển phía Bắc của Tổ quốc, sẵn sàng xử trí các tình huống khi có lệnh của trên. Những chuyến bay trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền, hỗ trợ các lực lượng trực chiến, làm nhiệm vụ trên vùng biển Đông Bắc.

Một buổi giao nhiệm vụ bay, nhạc sĩ Ngọc Khuê được nghe phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho phi công tham gia bay biển. Các phi công nhận nhiệm vụ, vẽ sơ đồ, ôn luyện bài bay, các tình huống xử trí bất trắc trên không, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng. Công tác chuẩn bị được tiến hành chặt chẽ, tỉ mỉ.

Chiều hoàng hôn xuống, đi dọc đường băng, nhạc sĩ Ngọc Khuê đã nảy ra những giai điệu đầu tiên: “Đã bao lần anh cất cánh bay lên. Mà không gian như cuộn trào bão tố. Sớm mai đây anh bay trên biển cả...”. Những cánh én bạc MiG-21 đã lập chiến công trong kháng chiến chống Mỹ lại tiếp tục cất cánh bay giữa bầu trời Tổ quốc. Lớp phi công kế cận lại tiếp tục sự nghiệp của cha anh canh giữ bầu trời, biển, đảo thiêng liêng. Ca từ của bài hát là lời gửi gắm của người em gái nhỏ đại diện cho những người ở hậu phương gửi ra nơi tuyến đầu: “Này cánh bạc ơi! Hãy lướt trên ngàn mây như năm xưa anh đã bay. Mặt đất nâng cánh anh rộn ràng đôi mắt em vẫy chào anh chiến thắng”. Khúc ca vừa là lời cổ vũ, động viên nhưng cũng truyền đi niềm tin chiến thắng, khát vọng tự do, hòa bình. Bài hát “Gửi những cánh bay trên biển” sau đó được thu âm và phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ra đời vào những thời điểm khác nhau, hai nhạc phẩm đã góp phần cổ vũ, động viên bộ đội hăng hái chiến đấu, quyết tâm bảo vệ vững chắc bầu trời thiêng liêng của Tổ quốc.  

Bài và ảnh: ĐỨC NAM