Bắt đầu khởi hành trong sương sớm Hà Nội, đến vùng núi nghèo, quê hương anh hùng cách mạng của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Hành trình gợi mở cho nhiều CCB nhớ về một thời tuổi 20 đi cứu nước...
Đại tá, CCB Trần Văn Vụ trầm ngâm: “Tháng 10-1971, tôi là hạ sĩ, chiến sĩ lái xe Đại đội 18, Đoàn Tăng-Thiết giáp 195 (Đoàn 195) sang chiến đấu ở mặt trận Lào. Từ Phú Yên, cả đoàn xe lên tàu hỏa đến Nghệ An và cũng từ đây, bắt đầu hành trình gian khổ vượt dãy Trường Sơn”.
Xuống ga Vinh, Đoàn 195 hành quân trong điều kiện Không quân Mỹ đánh phá, uy hiếp mạnh. Đêm đi, ngày ngụy trang đội hình, có những lúc do địch đánh căng, toàn bộ đội hình phải ẩn náu nhiều ngày, đào hào giấu xe tăng rồi đào hầm dưới bụng xe tăng, lấy xe tăng làm nắp hầm để ăn ở, ngủ nghỉ. Hai tháng trời, Đoàn 195 đã hành quân từ ga Vinh đến Diễn Châu, rồi theo đường 7A, vượt sông Đô Lương, qua huyện Tương Dương, Mường Xén, Con Cuông và cuối cùng là leo dốc đường Cổng Trời-vượt dãy Trường Sơn sang tập kết ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng. Mắt người CCB khẽ nhòa đi trong hàng lệ, ngày đầu trên đất bạn, những gian khổ được dần đẩy lùi bởi những chiến tích hào hùng và dũng khí của những đồng đội đã ngã xuống. “Ngay từ những ngày đầu trên đất bạn, tôi gặp pháo thủ Trần Trọng Tĩnh và được nghe anh kể lại trận chiến oai hùng của xe tăng PT-76 mang số hiệu 514, tại trận đánh giải phóng trung tâm Cánh đồng Chum vào đầu năm 1970, câu chuyện như truyền cho tôi một ngọn lửa hừng hực trên chiến trường bão lửa”-ông Vụ tâm sự.
Đại tá, cựu chiến binh Trần Văn Vụ (hàng đầu, đội mũ kê-pi) cùng các thành viên trong đoàn Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Việt - Lào.
Cánh đồng Chum là cao nguyên lớn thuộc tỉnh Xiêng Khoảng, cách thủ đô Viêng Chăn 200km về phía Đông Nam, có độ cao trung bình 1.000m so với mặt nước biển, là địa bàn quan trọng về quân sự, chính trị, kinh tế của nước bạn Lào. Đêm 15, rạng sáng 16-2-1970, Bộ tư lệnh chiến dịch điện cho lực lượng bộ binh và xe tăng: “Phải khẩn trương tranh thủ tiêu diệt địch ở Cánh đồng Chum; Trung đoàn 148 và đơn vị xe tăng khắc phục mọi khó khăn, nhất thiết phải nổ súng vào đêm 17-2, nhưng phải bảo đảm chắc thắng”. 2 giờ 15 phút ngày 18-2, xe tăng và bộ binh xung phong đánh vào trung tâm Cánh đồng Chum thì bất ngờ máy bay địch tập kích thả bom đánh trúng đội hình. Trung đội Tăng 1 còn lại 4 xe PT-76, Đại đội trưởng Nguyễn Bá Sơn liên lạc với sở chỉ huy Trung đoàn 148 nhưng không được nên cùng toàn bộ chỉ huy 4 xe tăng hạ quyết tâm “chấp hành đúng mệnh lệnh của mặt trận, không có bộ binh cũng tiến công”. 2 giờ 35 phút, khi tiếng súng bắt đầu nổ vang ở Cánh đồng Chum, các xe tăng cũng xuất kích. Trên đường xuất kích, vì trời tối và chưa nắm chắc địa hình nên 3 xe tăng bị vấp mìn phải nằm lại, chỉ còn xe tăng PT-76 số 514 do Chính trị viên đại đội Nguyễn Huy Cận chỉ huy đánh thẳng vào Sân bay Bản Áng của địch. Khi thấy xe tăng ta tiến công vào cửa chính sân bay, địch dùng cối và súng máy bắn chặn. 4 chiến sĩ Việt Nam và 1 chiến sĩ Pa-thét (Lào) ngồi trên xe dùng súng máy 12,7mm và súng AK phối hợp với hỏa lực xe tăng bắn mạnh vào các hỏa điểm của địch. Quân địch khiếp sợ bỏ chạy khỏi các hầm hào, lô cốt, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội Trung đoàn 148 tiến công chốt giữ và tiêu diệt địch, làm chủ sân bay. Sau đó, từ sân bay, xe tăng 514 tiếp tục phát triển tấn công tiêu diệt địch ở trận địa pháo. Trong lúc sử dụng súng máy tiêu diệt địch, Chính trị viên Nguyễn Huy Cận bị địch bắn trọng thương. Đồng chí Phùng Tiến Định lên thay thế tiếp tục chỉ huy. Theo mệnh lệnh, pháo thủ Trần Trọng Tĩnh bắn 14 quả đạn pháo, 3 băng đại liên tiêu diệt sở chỉ huy địch. Trước sự dũng mãnh của xe tăng 514, quân địch ở trận địa pháo bỏ chạy. 5 giờ 30 phút, xe tăng 514 bị trúng đạn của địch nên đã chủ động rời trận địa về cứ.
Trong trận này, Đoàn 195 tham gia chiến đấu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, 3 chiếc xe tăng PT-76 đã thiệt hại hoàn toàn và 7 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh-Đại tá Trần Văn Vụ cho biết thêm.
Qua thời gian chiến đấu cùng bộ đội nước bạn Lào, Đoàn 195 có gần 30 liệt sĩ. Những liệt sĩ ấy đến giờ ai đã được quy tập về quê hương Việt Nam, ai còn nằm bên nước bạn, vẫn là nỗi niềm đau đáu, trăn trở của Đại tá Trần Văn Vụ nói riêng và của những đồng đội cùng trên trận tuyến hoa lửa nói chung đến tận bây giờ.