Văn Quán
Đã lâu lắm rồi, năm nay Hà Nội mới có “rét tháng 3” thật sự. Đợt rét này làm tôi nhớ lại hơn 55 năm trước, cũng là cái “rét nàng Bân” như thế này…
Đầu năm 1965, cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại ở miền Bắc bắt đầu ác liệt. Lúc đó đang phụ trách mục “Ba đảm đang” và “Bạn trẻ” của Báo Nhân Dân, tôi thường xuyên đi xuống các xã, các huyện không biết mệt. Có người bạn giới thiệu phong trào nữ thanh niên ở Văn Quán hay lắm, vậy là tôi xách xe đạp lên tàu hỏa đi Vĩnh Phúc.
Sau ngày 5-8-1964, ở Văn Quán có khẩu hiệu “Địch phá ta làm. Ta làm hơn cái nó phá”. Những ngày ấy nước sông Hồng dâng lên ngập hết hàng trăm mẫu đất bãi màu mỡ. Đay, mía, dâu tằm gần như mất trắng. Lúc đó, lực lượng lao động chủ yếu là nữ vì nhiều nam thanh niên đi bộ đội. Bà con nêu khẩu hiệu “Trời làm mất, bắt đất phải đền”. Khí thế như nước vỡ bờ, khai hoang sáu chục mẫu đầm lác nước thụt đến tận thắt lưng. Ba đội trưởng nữ dẫn đầu. Cả thôn trong 7 ngày cấy xong đầm lác, bờ vùng, bờ thửa thẳng tắp. Vậy là đầm lác rậm rạp, thụt lún chuyển thành ruộng cấy hai vụ mùa, chiêm.
Đất bãi, đất phù sa trông màu mỡ thật nhưng không dễ làm. Mùa mưa xuống, cỏ gấu vừa gạt xong hôm trước, hôm sau lại nhú lên. Con người đua sức với cỏ, giành giật từng mảnh đất bồi. Nhiều khoanh đất rắn như đá, cày bừa mười sáu lượt vẫn không cấy được. Đất cày lên từng tảng to bằng cái mâm. Lấy vồ trái trám đứng ré chân chèo, đập đến ba vồ mới vỡ tảng đất.
Ngoài bãi đã vậy, trong đồng lại ruộng bậc thang. Đất sét dai quánh, dính chặt răng bừa. Mỗi khi cấy, người và trâu đánh vật với đất. Cuối cùng đất phải thua, trời phải chịu trước sức nữ thanh niên. Suốt mười đêm, nam nữ thanh niên hợp tác xã Văn Quán gánh phù sa sông Hồng đổ vào đồng cải tạo đất.
Đầu tháng 3, trời trở rét đột ngột, gió Đông Bắc đem mưa bụi giá lạnh phả vào mặt. Rét mặc rét, bà con xã viên vẫn đổ ra đồng nhộn nhịp, đông nhất là các cô gái. Xế trưa trời hửng nắng, dưới ao đầm đàn ngỗng, đàn vịt nghênh ngang ngàn con bơi lội vẫy vùng…
Từ các ngả đường đổ về sân đất rộng trước hội trường lớn, từng tiểu đội nữ dân quân gọn gàng, nhanh nhẹn tập luyện các khoa mục, hừng hực khí thế “Ba sẵn sàng”. Các quả thủ pháo bằng gỗ lao đi, rơi xuống đúng những lá cờ hiệu. Cách chỗ này gần 3 cây số là đất Mê Linh. Tôi liên tưởng tới buổi tập của quân sĩ Hai Bà Trưng hàng nghìn năm trước. Tổng kết năm 1964, nữ dân quân chiếm 60% số kiện tướng làm phân bón, thủy lợi, chăn nuôi.
Rời Văn Quán, tôi rất trăn trở. Ở đây thiên nhiên không ưu đãi con người. Trong làng ít đất, không đủ ruộng, bà con phải sang bãi sông trồng khoai, nhổ cỏ về ủ làm phân xanh. Vậy mà chỉ sau hơn một năm, trong xã đã bắt đầu có nhà ngói. Nhà nào cũng đủ cơm ăn. Trong nhà tôi ở, mấy cô gái, mỗi bữa cô nào cũng 5 bát cơm gạo trắng bông, tuy thức ăn chưa nhiều. Ở Văn Quán, ngày hai bữa cơm, còn cơm thừa nuôi chó, mèo. Trong khi nhiều nơi điều kiện tự nhiên tốt hơn mà còn ăn đói, cơm độn khoai, sắn. Lúc đầu tôi chưa giải thích được vì sao. Sau này mới biết chính là nhờ thực hiện “khoán đất” tới hộ nông dân, tức là “khoán hộ”, do anh Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đưa ra.
Sau khi viết bài phóng sự đăng Báo Nhân Dân ca ngợi Văn Quán, tôi muốn quay lại xã lần nữa nhưng đồng chí trưởng ban ngăn lại: “Chị không biết sao? Bí thư Vĩnh Phúc Kim Ngọc đang bị phê bình. Anh ấy làm sai chính sách của Đảng”...
Bí thư Kim Ngọc là người khởi xướng việc “khoán hộ” trong nông nghiệp Việt Nam thập niên 1960. Khoán hộ là khoán đất, giao ruộng trực tiếp cho hộ nông dân. Hợp tác xã cung cấp giống, kỹ thuật, phân bón, thuốc trừ sâu. Khi thu hoạch, hộ nông dân chia lại một phần lúa cho hợp tác xã. Việc này gắn công sức của người lao động với thành quả của họ. Làm việc chăm chỉ, thu hoạch vụ tốt thì cả nông dân và hợp tác xã đều được nhiều hơn. Đấy là khởi đầu của kinh tế thị trường. Một chân lý đơn giản nhưng phải trải qua biết bao khó khăn, sóng gió, sau 20 năm mới được công nhận.
Quỳnh Lưu
Những năm 70 của thế kỷ 20, Quỳnh Lưu, một huyện nghèo của Nghệ An được cả nước ca ngợi về thành tích ngăn núi, đắp hồ, xây nhà ngói nuôi thương binh… Đó cũng là nơi khởi nguồn của câu: “Mo cơm, quả cà tiến lên chủ nghĩa xã hội”.
Hồi đó cả nước về tham quan học tập Quỳnh Lưu. Tôi được cử về Quỳnh Lưu viết bài phóng sự. Bữa cơm đầu tiên khá thịnh soạn. Chị hội trưởng hội phụ nữ xã rất nhiệt tình: “Chúng em sẽ cho người đưa chị đến chỗ thanh niên đang đắp đập làm hồ chứa nước trên núi, khí thế lắm chị ạ!”.
Tôi khéo léo từ chối vì có thói quen khi về xã hay đến nhà nông dân nấu cơm rồi một mình ra đồng. Cánh đồng rộng vắng vẻ, tôi chỉ thấy người già, trẻ con đi làm. Tôi hỏi mấy bà đang lom khom trên bờ ruộng: “Sắp đến mùa rồi, sao bà lại đi kiếm rau má?”. Một bà nguýt tôi: “Giờ đang giáp hạt, còn ít gạo phải nấu với rau má chứ!”.
Tất cả thanh niên đang tập trung trên khu đồi làm thủy lợi. Người đông, dụng cụ ít. Mọi người túm năm tụm ba nói chuyện, chỉ làm việc lấy lệ. Tôi lên thăm khu nhà dành cho thương binh. Mấy gian nhà ngói mới xây đã dột, chỉ qua vài trận mưa nước đã tràn vào trong nhà.
Trở lại xóm, tôi được bà con cho xem bài báo cắt dán lên phên nứa: “Bà con ở đây nuôi gà đẻ rất nhiều, cất đi hàng rổ trứng”. Một bà cụ bực mình bảo tôi: “Chị xem trong nhà tôi còn quả trứng nào không? Người còn không có ăn, nói chi dành thóc nuôi gà”.
Có tin lãnh đạo Chính phủ sắp về thăm, không khí ở xã náo nức hẳn lên. Trong sân hợp tác xã đột nhiên xuất hiện nhiều gánh thóc đầy xếp bên cạnh chiếc cân lớn. Đàn dê từ đâu được lùa về…
Trước khi quay về, tôi có gặp và góp ý thẳng thắn với đồng chí bí thư huyện ủy và chị chủ tịch hội phụ nữ: “Quỳnh Lưu có thành tích trong phong trào thi đua sản xuất, nuôi dưỡng thương binh. Nhưng có một số tồn tại lớn, rất mong cấp ủy và cấp hội lưu ý”. Bí thư huyện ủy lặng thinh nghe tôi nói, biết anh không hài lòng vì từ trước đến nay anh chỉ quen nghe những lời ca ngợi. Sau này khi bài viết đăng báo, tôi được biết chị chủ tịch hội phụ nữ bị bí thư huyện ủy phê bình: “Chị nói gì mà chị Tú viết như vậy?”.
Câu chuyện thành tích nổi bật của Quỳnh Lưu qua đi. Cuối năm ấy, huyện Quỳnh Lưu không tự túc được lương thực, phải xin viện trợ của Trung ương. Trong buổi học Nghị quyết Đại hội IV của Đảng, mọi người nhắc đến bài phóng sự của tôi trên Báo Phụ nữ Việt Nam: “Đây là bài báo đầu tiên nói lên sự thật những vấn đề của Quỳnh Lưu”.
Nhà văn NGUYỆT TÚ