QĐND - Trong một lần trò chuyện, Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu đã chia sẻ với chúng tôi câu chuyện vui nhưng ẩn sâu trong đó là một phần khốc liệt của chiến tranh. Đó là hành trình dài của những gia đình quân nhân đã phải sống trong xa cách, nhọc nhằn và những nhớ thương đằng đẵng... 

Năm 1964, 28 tuổi, tôi đi chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Khi ấy, con trai đầu của tôi hơn 4 tuổi, con trai thứ hai được 18 tháng. 10 năm sau, đúng 30 Tết năm 1974, tôi mới được trở ra miền Bắc, về nhận nhiệm vụ ở Cục Tác chiến. Hành quân rời Vĩnh Linh, Quảng Trị từ đêm hôm trước mà mãi đến gần cuối giờ sáng hôm sau mới về đến Trạm 66 (Trạm khách của Bộ Quốc phòng) thì gặp người quen. Anh này sau khi chào hỏi xong liền báo ngay về cho gia đình tôi biết việc tôi trở về. Thế là vợ con tôi vội vàng đạp xe từ nhà cách đó chừng 10 cây số để đón tôi. Nhưng lúc đó tôi còn có nhiệm vụ đưa hai đồng chí cùng ra đến Bệnh viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) kiểm tra sức khỏe. Vậy là vợ chồng con cái không gặp được nhau.

Phải đến chiều tối tôi mới thu xếp xong mọi việc, về đến nhà cũng vừa lúc gặp vợ và cậu con trai lớn đạp xe về tới. Vợ chồng, cha con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Sau một chặng đường dài hành quân từ Nam ra Bắc, người ngợm lấm lem đất bụi, tôi vội vàng đi tắm. Hồi ấy, ở tập thể nên cả khu phố tôi chỉ có một cái nhà tắm công cộng để mọi người dùng chung. Trời tối nên cũng không có nhiều người ở đó. Có một cậu bé rửa chân ở vòi nước cạnh tôi rất lâu, thỉnh thoảng lại ngước mắt nhìn dò xét. Tôi cũng không thấy lạ vì mình đi lâu ngày không về, trẻ con trong khu phố không biết là đúng nên cũng không để ý đến cậu bé lắm. Chỉ cốt tắm rửa thật nhanh để vào nhà với vợ con.

Khi xong xuôi tôi đi vào, vẫn thấy cậu bé ấy lẽo đẽo theo phía sau. Vào đến nhà, đã thấy gia đình, hàng xóm bạn bè đến thăm hỏi rất đông. Sau một hồi hỏi han, chuyện trò, tôi ngó quanh vẫn không thấy con trai thứ hai về, liền hỏi vợ: “Anh không thấy thằng Dũng (tên con tôi) đâu?”. Vợ tôi và mọi người trong nhà liền cười ồ lên: “Ơ, thế anh không nhận ra con à? Nó đứng rửa chân cạnh anh đấy thôi!”.

Hóa ra thằng bé biết tôi về, chủ động “bám theo” để xem bố có nhận ra không. Ôi, chiến tranh! 10 năm trời biền biệt không một lần trở về, tôi sao có thể nhận ra con trai 18 tháng giờ đã là cậu bé 12 tuổi.

Nhớ lại chuyện này tôi lại nghĩ tới việc mấy nhà báo đến phỏng vấn, hỏi tôi về kinh nghiệm dạy con. Ấy cũng là vào dịp đó. Qua mấy ngày Tết, gia đình tôi nhận được tin vui cháu Dũng đoạt giải nhì toán tiểu học toàn miền Bắc. Rất nhiều người đến chúc mừng, hỏi thăm, trong đó có cánh nhà báo. Nhiều người hỏi chúng tôi kinh nghiệm dạy con như thế nào, vợ tôi thì chỉ mỉm cười không nói gì. Thế là họ quay sang “tra vấn” tôi. Tôi liền bảo: Các chị có thích nghe sự thật không. Sự thật kinh nghiệm dạy con của tôi gói gọn trong bốn chữ là: “Mặc kệ mẹ nó”!

SONG THANH(*)

(*) Theo lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến.