Hạn chế tối đa tổn thất cho người dân

“Lúc đó, đang giữ chức Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Hậu Giang (cũ), tôi được lệnh của Bộ tư lệnh Quân khu 9, trực tiếp chỉ huy đưa Tiểu đoàn Phú Lợi và Tây Đô tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Trong quá trình làm nhiệm vụ, đơn vị tôi cơ động giúp bạn đánh thắng Pôn Pốt tại Kẻ Hàn. Sau đó, nhận được thông điệp cầu cứu từ lãnh đạo nước bạn, các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam được lệnh của cấp trên tiếp tục đánh vào Phnôm Pênh, tiến thẳng tới biên giới Thái Lan để giải phóng Cam-pu-chia. Riêng đơn vị tôi, gồm các tiểu đoàn: Tây Đô, Phú Lợi và 378 đánh vào Tà Keo và các huyện ven sông Mê Kông, giành chiến thắng chỉ trong một ngày, thu nhiều súng và tàu thuyền của địch”-ông Nhẫn kể.

Thừa thắng xông lên, đơn vị ông tiếp tục truy quét địch tại vùng núi An-chao (tỉnh Kam-pốt), rồi chuyển lực lượng sang kết nghĩa, giúp tỉnh Công-pông Chơ-năng. Tại đây, đơn vị hay tin huyện Kom-pong-lênh bị địch tái chiếm, hình thành chính quyền được trang bị hơn 100 súng, đêm nào cũng cho lính bắn vào đơn vị. Trước tình hình đó, ông trực tiếp chỉ huy, tổ chức phản công địch với phương châm phải bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế tối đa tổn thất cho nước bạn. Với địa hình núi rừng hiểm trở, sông nước cách ngăn, ông chọn phương pháp đánh bằng tàu chiến, lực lượng hải quân tấn công từ phía sông, Tiểu đoàn Phú Lợi và Tây Đô áp vây từ khu vực rừng núi, tiêu diệt địch. Đặc biệt, trong trận quyết định đánh vào cơ quan đầu não, với kinh nghiệm của một chỉ huy, hừng sáng ông cho tàu thả trôi theo sông Tông-lê Sáp phía địch rồi cẩn thận quan sát, tiếp cận nhưng không thấy sự chống trả. Nghi địch đã tháo chạy, ông quyết định không bắn mà cho trinh sát lên nắm tình hình đề phòng sát thương người dân vô tội.

leftcenterrightdel
Thiếu tướng Ngô Văn Nhẫn được Nhà nước Cam-pu-chia trao tặng Huân chương Bảo vệ đất nước Cam-pu-chia hạng nhất, năm 1981.

Và linh tính của ông đã đúng, khi nghe tin quân tình nguyện Việt Nam đến giúp, người dân đã ra giao nộp súng mà Pôn Pốt đã trang bị, ép họ phải chiến đấu. Trong những đợt truy quét địch, những người lính chịu rất nhiều khổ cực, nhất là về cái ăn. Nhiều lúc họ chỉ ăn cơm được nấu từ gạo lẫn sỏi với khô mục, để giữ sức chiến đấu cho bộ đội, ông chỉ cho phép lính ăn cá, gà, vịt do người dân mang đến tặng, nhưng với số lượng rất ít, còn trâu, bò tuyệt đối không được xẻ thịt ăn, vì đó là sức kéo, sức cày, giúp dân tái sản xuất sau giải phóng.

Giúp bạn xây dựng lực lượng, ổn định đời sống

Ngoài nhiệm vụ giúp bạn đánh Pôn Pốt giành độc lập, quân tình nguyện Việt Nam còn có nhiệm vụ giúp dân ổn định chỗ ăn, ở; giúp xây dựng lực lượng cho bạn, hướng dẫn người dân sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống, tự lực tự cường. Theo Thiếu tướng Ngô Văn Nhẫn, ngay sau khi giành lại huyện Kom-pong-lênh, ta phối hợp với địa phương, thành lập chính quyền, đồng thời thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp dưới sự hướng dẫn của Quân tình nguyện Việt Nam. Từ đó, bộ đội Việt Nam nhận được sự tin tưởng, yêu mến của người dân Cam-pu-chia. Họ truyền tai nhau bộ đội Việt Nam chính là “Bộ đội nhà Phật” cử đến để giải phóng nhân dân khỏi nạn diệt chủng, giúp họ có cuộc sống tự do, no ấm. Với sự giúp đỡ đó, không lâu sau, mảnh đất đau thương, tan tác trên địa bàn tỉnh Công-pông Chơ-năng đã phủ màu vàng của những cánh đồng lúa trĩu hạt, những rẫy hoa màu xanh ngút mắt, báo hiệu sự sống đã bắt đầu trở lại. Người dân được tự do gieo trồng trên mảnh đất quê hương. Dần dần những ngôi trường, trụ sở làm việc cũng được mọc lên, thay thế cho những hố đất chôn đầy xương người.

Từ sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, đến năm 1984, 2/3 các xã của tỉnh Công-pông Chơ-năng có chi bộ, mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội cũng được thành lập và hoạt động theo đúng vai trò, chức năng. 

Để có được tự do cho nhân dân Cam-pu-chia, không ít quân tình nguyện Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trên đất bạn hoặc để lại một phần thân thể của mình. Đến hôm nay, Thiếu tướng Ngô Văn Nhẫn và những người lính năm xưa vẫn đau đáu nỗi niềm khi nhiều đồng đội thuộc Tiểu đoàn Tây Đô hy sinh chưa tìm thấy hài cốt. Nhưng, ông luôn tin, một ngày không xa, hài cốt của các đồng chí sẽ được trở về bên gia đình dưới sự giúp đỡ của nhân dân Cam-pu-chia, cũng giống như quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nước anh em Cam-pu-chia thoát khỏi nạn diệt chủng trên tinh thần tự nguyện, trong sáng.

Bài và ảnh: THANH NAM