Thiện Ngôn là sân bay dã chiến nằm trong vùng giải phóng tỉnh Tây Ninh, cách chỗ chúng tôi ở chừng hơn hai tiếng đồng hồ đạp xe. Những lần trước đi theo các đơn vị thì cuốc bộ, lần này chúng tôi được đi xe đạp. Đang là mùa mưa nhưng hôm ấy trời tạnh ráo, không khí mát mẻ, dễ chịu. Đường rừng bằng phẳng, chúng tôi đạp xe, ba lô buộc chắc phía sau, súng ngắn lên đạn, vừa đi vừa cảnh giác biệt kích. Tôi đi trước, cách anh Oánh chừng mươi mét, hễ có địch là nhanh chóng vứt xe lao tới chiếm một gốc cây, ụ đất nào đấy nổ súng. Thế nhưng chúng tôi cũng hiểu, hai khẩu súng ngắn, vài chục viên đạn chẳng nói lên điều gì, hơn nữa lại đi xe đạp, luôn trong tư thế bị động, dù có phản ứng nhanh đến đâu, nếu địch đông thì cũng khó xử lý...
Theo thỏa thuận, đợt ấy ta trao trả đối phương 80 tù binh, còn phía bên kia trao trả ta hơn 100 chiến sĩ và chuyến bay sẽ đáp xuống lúc 9 giờ 30 phút, nhưng họ cố tình chậm trễ, bắt chúng ta phải chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ. Ánh nắng trải vàng trên những ngọn cây, tôi đưa mắt nhìn bốn phía sân bay, bầu trời đầy mây bông xốp. Một trạm hậu cần, tổ y tế được ban đón tiếp dựng sẵn, phục vụ cho công tác tiếp đón. Những tấm băng rôn, khẩu hiệu nổi bật dòng chữ: “Nhiệt liệt chào đón những chiến sĩ chiến thắng trở về từ nhà tù đế quốc” hay “Kính chào các anh, những người chiến thắng”.
Như để diễu võ giương oai, đối phương cho máy bay dạo mấy vòng quanh khu vực sân bay. Trực thăng rà sát ngọn cây, máy bay F-5 thì gầm rú lồng lộn. Phía ta cũng đã có phương án đối phó nếu bị trở mặt. Thủ tục đại diện hai bên đã làm xong. Khi máy bay tiếp đất rồi dừng bánh trên đường lăn, cửa vừa mở, tất cả tù binh ào xuống. Rồi lần lượt từng nhóm mười người một bước lên theo tên gọi. Các anh nhanh chóng cởi quần áo tù ném trước mặt những viên sĩ quan ngụy, hô to: “Đả đảo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, lên án "địa ngục trần gian" Phú Quốc", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!"... Cả trăm con người mang độc chiếc quần đùi nhanh chóng vượt qua mốc giới phân định, ào vào giữa vòng tay của những người đi đón. Những thân hình gầy ốm bước đi xiêu vẹo, những lưng trần, bắp tay... đầy sẹo tra tấn, có người không đi nổi phải cõng, nhưng tất cả toát lên một tinh thần chiến thắng mạnh mẽ, một khát vọng đấu tranh không gì có thể dập tắt. Ban đón tiếp đã có sự chuẩn bị trước, phút chốc, họ trở lại dáng vóc người lính cách mạng với quân phục chỉnh tề. Đã có ý định từ nhà, anh Oánh và tôi tranh thủ tìm hiểu, ghi chép. Trong không khí sôi động, tiếng nói cười và có cả tiếng khóc vì xúc động, tôi kéo người tù binh có thân hình nhỏ nhắn mà hoạt bát, nhanh nhẹn ra một chỗ. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi những câu nói chen vào của đồng đội anh. Rất nhiều, rất nhiều câu chuyện cảm động, bất khuất về những người lính trở về từ cái "địa ngục trần gian" mang tên Phú Quốc. Chính họ đã làm rạng danh thêm truyền thống anh hùng của Quân đội ta. Ai cũng đáng tự hào, ai cũng là tấm gương sáng không chỉ trong chiến đấu và cả lúc không may bị rơi vào tay địch. Những trang ghi chép sau gần 50 năm vẫn làm tôi rưng rưng xúc động, không thể nói hết trong một bài viết ngắn, xin đề cập đến tấm gương Lê Viết Cát, một tiểu đoàn trưởng 21 tuổi.
Sinh ra trong một gia đình nông dân ở xã Hoằng Lý, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, học hết cấp 2, Lê Viết Cát xung phong lên đường nhập ngũ. Làm lính bộ binh, anh chiến đấu trên chiến trường Đông Nam Bộ. Có lẽ, anh sinh ra để làm người lính nên ngay từ khi được nắm quyền chỉ huy trung đội, đại đội rồi tiểu đoàn, Cát đã tỏ ra là một cán bộ bản lĩnh, dũng cảm và đặc biệt nhạy bén, sắc sảo về tư duy chiến thuật. Điều đó đem về cho đơn vị hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, để rồi Lê Viết Cát được đề bạt tiểu đoàn trưởng năm 21 tuổi. Nhược điểm lớn nhất của anh là nóng tính, cái tên Cát “lửa” mọi người đặt cho anh không sai tí nào. Nhưng cũng chính điều đó đã có lúc gây cho anh phiền toái.
Lần ấy, địch dồn quân quyết tâm chiếm lại một căn cứ vừa bị thất thủ. Điểm cao này khống chế một vùng rộng lớn, ngăn chặn con đường huyết mạch nối vùng bàn đạp giáp biên giới Campuchia với các mặt trận luôn nóng bỏng phía tây bắc Sài Gòn như: Biên Hòa, Long Khánh, Bình Dương... Trong tay Tiểu đoàn trưởng Lê Viết Cát chỉ có vẻn vẹn hai trung đội thiếu. Suốt một ngày từ sáng sớm đến chiều muộn, địch tổ chức hàng chục đợt tấn công với áp lực tối đa của phi pháo nhưng đều bị đánh bật trở lại. Từ trên cao nhìn xuống, xác địch rải khắp sườn đồi. Nhưng rồi cao điểm ấy đã rơi vào tay địch ngay sáng hôm sau khi Cát đang trên đường về sư đoàn họp. Hay tin, anh quay trở lại. Nhìn đội hình tan tác, hao hụt quá nhiều, Cát bật khóc, anh lao tới người cán bộ cấp phó quát lớn: “Sao để mất trận địa, quân lính của tôi đâu hết cả rồi? Anh là đồ ăn hại, đồ vô tích sự, hiểu chưa!”. Bổ sung quân, tổ chức lại các mũi tiến công, hơn hai giờ sau, Tiểu đoàn trưởng Lê Viết Cát đã chỉ huy bộ đội lấy lại được điểm cao. Sau khi thắng lợi, Cát chạy tới bắt tay và nói lời xin lỗi đồng chí cấp phó, hai người ôm nhau cười vui vẻ.
Một trận khác. Chi khu quân sự của địch xây dựng khá kiên cố với hệ thống hầm hào, lô cốt chìm, nổi được trang bị hỏa lực rất mạnh. Để mở đầu cho chiến dịch mùa khô trên toàn miền, công tác hậu cần phải đi trước một bước, nào chuyển quân, tập kết nguồn hàng, thành lập các bệnh viện dã chiến... Một núi công việc phải triển khai gấp, nhưng chi khu địch còn đứng đó thì không thể hành động. Bộ chỉ huy mặt trận chỉ thị phải “nhổ” bằng được điểm chốt này, mở toang cánh cửa cho các đoàn quân tiến vào những vị trí đã định. Đã 3 ngày đơn vị tổ chức tấn công mà không dứt điểm được. Yếu tố bất ngờ không còn nữa, địch càng ra sức củng cố và tăng quân phòng thủ. Đang nằm điều trị vết thương trong bệnh viện, Lê Viết Cát cảm thấy không yên, nếu để kéo dài tình trạng này thì thương vong sẽ rất lớn mà kế hoạch triển khai chiến dịch cũng sẽ bị ảnh hưởng. Anh viết một lá thư để lại cho lãnh đạo bệnh viện rồi khoác ba lô trốn về đơn vị nhận lấy nhiệm vụ chỉ huy chiến đấu. Thấy anh về, cả đơn vị mừng rỡ, nhiều đồng chí thương binh cũng xung phong đi chiến đấu. Dưới sự chỉ huy của Cát, một ngày sau, căn cứ địch bị san bằng. Tiếng tăm cầm quân của Cát ngày càng lan rộng khắp sư đoàn, mũi nào khó khăn, nơi nào hóc búa, cấp trên đều giao cho anh. Nhưng anh hùng cũng có lúc sa cơ, trong một trận giải vây cho đơn vị bạn, Tiểu đoàn trưởng Lê Viết Cát cùng một số chiến sĩ bị địch bắt làm tù binh. Chúng đưa anh ra giam tại trại giam tù binh Phú Quốc. Để tránh bị lộ tung tích, Cát khai tên là Lê Văn Lân, cấp bậc tiểu đội phó, nhưng một người lính không chịu nổi đòn tra tấn của địch đã khai trong số bị bắt có một tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi, dày dạn kinh nghiệm tác chiến. Cái tin đó làm bọn cai ngục mừng ra mặt, thế là chúng đã tóm được một cán bộ tiểu đoàn chứ không phải toàn lính trơn. Chúng cho một tên chiêu hồi, trùm bao tải kín đầu, khoét hai lỗ đi khắp phòng giam nhận mặt từng người tù. Và không khó, người kia đã nhận ra tiểu đoàn trưởng nổi tiếng. Bọn cai ngục lôi Cát ra đánh đập khảo tra nhưng anh một mực chỉ nhận mình là Lê Văn Lân, tiểu đội phó. Đánh đập rồi dụ dỗ, dụ dỗ rồi tiếp tục tra tấn, nhưng cuối cùng chúng phải chịu thua ý chí kiên cường và sức chịu đựng của anh. Thời gian trong tù, Cát luôn vận động anh em chống lại các hình thức mà bọn cai ngục bắt anh em tù binh phải thực hiện như chào cờ và hát quốc ca của ngụy quyền, lao động khổ sai. Chẳng những thế, anh luôn đi đầu trong các cuộc đấu tranh, lên án chế độ nhà tù hà khắc. Bởi vậy, Cát luôn là mục tiêu tấn công của lính canh, cai ngục...
Sau buổi ấy, tôi không còn gặp lại Cát nữa, không hiểu anh trở lại đội ngũ chiến đấu hay là về công tác ở một nơi nào đó. Trong thâm tâm tôi, Lê Viết Cát là hình ảnh tiêu biểu của một lớp cán bộ giàu năng lực, phẩm chất của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
LÊ VĂN VỌNG