Bà kể: “Tôi tham gia Đội “Tiếng hát át tiếng bom” huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) tháng 4-1966, khi mới 16 tuổi; đến năm 1970 thì được tuyển vào Đội tuyên văn của Đoàn An dưỡng 222, Quân khu Việt Bắc, phục vụ văn nghệ cho những thương binh, bệnh binh, cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ vừa mới từ chiến trường ra. Dưới sự chỉ huy của Đội trưởng Trần Đăng Từ, cùng với các tổ chuyên môn, giọng hát chèo của tôi có điều kiện thuận lợi để phát huy.

leftcenterrightdel

Bà Ánh Linh cùng con cháu xem lại những bức ảnh kỷ niệm. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Mùa xuân năm 1971, Đội tuyên văn có 5 ngày đi phục vụ tại các tỉnh: Yên Bái, Tuyên Quang và T3 (mật danh của một trại tù binh ở Tuyên Quang). Do yêu cầu nhiệm vụ, đội ăn nghỉ tại T3.

5 đêm đội ở T3 thì 3 đêm đầu đều thấy các tù binh mới được đưa đến. Không ít người trong số họ bị thương nặng. Tôi đi biểu diễn về liền tham gia cầm đèn để các y, bác sĩ xử lý vết thương cho tù binh. Những người khác thì giúp việc phát đồ tư trang, bát đũa, khăn mặt, xà phòng, bàn chải đánh răng cho họ. Tù binh tỏ ra rất xúc động trước sự tận tâm chăm sóc, cứu chữa mà chúng ta dành cho họ. Tôi thấy một người lính ngụy trẻ măng, chỉ độ 17-18 tuổi, khi được rửa vết thương cứ nhìn tôi, nước mắt giàn giụa. Tôi hỏi: “Cậu đau lắm phải không?”. Người lính ấy lắc đầu, mắt vẫn nhìn tôi đăm đăm mà không nói gì. Tôi đoán anh ta đang nhớ mẹ hoặc chị gái của mình và không thể ngờ lại được quan tâm như thế. Bác sĩ thấy vậy động viên: “Đã đến được đây thì yên tâm. Chúng tôi quyết giữ mạng sống cho các anh để các anh có ngày trở về với gia đình, quê hương!”.

Đêm cuối cùng, đội biểu diễn tại sân thể thao của T3. Lúc chiều làm sân khấu, tôi quan sát căn phòng trong dãy nhà tù binh có mấy cây hoa bên thềm. Nhìn qua cửa sổ, thấy cây đàn ghi ta treo trên tường. Hỏi ra mới biết, đó là phòng dành cho Trung tá ngụy Trà Đình Khương, từng chỉ huy quân ngụy trong Chiến dịch Lam Sơn 719.

Việc biểu diễn văn nghệ tại T3 vào thời điểm đó được quán triệt sâu sắc ý thức đấu tranh chính trị. Lúc đầu, ta chỉ lập chương trình biểu diễn cho cán bộ, nhân viên, quân y của trại xem. Nhưng theo chỉ đạo đột xuất của trên, để gây hiệu ứng tích cực, đêm diễn sẽ để tù binh cùng xem. Từ đó cũng nảy sinh một số vấn đề như: Nội dung chương trình thế nào cho phù hợp, diễn viên phải chào khán giả ra sao. Nếu cúi đầu trước tù binh thì phản cảm, dứt khoát không chào những kẻ bán nước. Cuối cùng, ban tổ chức đêm diễn quyết định: Phần nội dung do Đội tuyên văn chuẩn bị, xin ý kiến chỉ đạo của Cục Chính trị quân khu. Phần khán giả, bố trí cán bộ, nhân viên, quân y của trại ngồi ở khu vực giữa sân. Tù binh ngồi ở hai bên, cách quân ta 2m. Diễn viên khi chào khán giả đứng giữa sân khấu nhìn thẳng đội hình của ta. Phong cách vừa nghiêm túc lại vừa phải nhã nhặn, tươi tắn.

Chương trình đêm ấy dài 90 phút. Khí phách nghệ sĩ-chiến sĩ cách mạng của các diễn viên gây xúc động mạnh, cả với tù binh. Đặc biệt, tiết mục tự biên-vở chèo ngắn “Qua làng” được đội thể hiện rất thành công. Nội dung vở chèo là câu chuyện của một đôi vợ chồng trẻ. Cô Duyên (do tôi đóng) là gái xóm Thượng, thôn Đoài. Còn anh thương binh-chồng Duyên tên Khương (do anh Đỗ Ngà, Đội phó Đội tuyên văn đóng) cùng đồng đội trên đường đi làm nhiệm vụ, dừng chân nghỉ lại xóm Thượng. Duyên trình bày với chỉ huy đơn vị, xin đón chồng mình về nhà chăm sóc.

Hôm đơn vị tiếp tục hành quân, Duyên đeo ba lô tiễn chồng. Trong nỗi niềm thân thương da diết, Duyên hát chào tạm biệt chồng, khẳng định tình yêu sắt son “đậm nghĩa hậu phương, tiền tuyến”. Cô nhắn nhủ chồng hãy yên lòng xông pha nơi chiến trận, diệt hết quân thù để Bắc-Nam sum họp, vợ chồng bên nhau. Lời hát có đoạn Duyên dặn chồng: “Đừng theo người lạc lối sai đường/ Phải đền đáp với non sông, tiên tổ...” được khán giả cổ vũ nhiệt tình. Tù binh ngồi xem, có những bàn tay vỗ rụt rè, ngượng nghịu, song cũng có một số bàn tay hồn nhiên vỗ đôm đốp. Nhìn Trà Đình Khương cúi mặt, có thể hiểu được nỗi niềm của anh ta trước hình tượng nghệ thuật cao đẹp mà đêm diễn đã thể hiện. Thật ngẫu nhiên, tên anh ta trùng với tên anh Khương trong vở diễn. Trùng tên nhưng lý tưởng thì trái ngược nhau!”.

Diễn viên chèo Ánh Linh phục vụ trong quân đội đến năm 1976 thì chuyển ngành. Từ khi nghỉ hưu, bà vẫn say mê văn nghệ, lúc một mình một trống dạy trẻ thơ hát chèo, lúc “quản ca” cả đội hình hàng chục cựu chiến binh trên sân khấu hội làng...

PHẠM XƯỞNG