QĐND - Hà Nội đã sang thu. Mùa thu của đất trời và mùa thu của những ngày độc lập 70 năm trước như hiện hữu khắp phố phường Thủ đô. Chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) tại căn nhà nằm trong con ngõ trên đường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội. Dù đã 86 tuổi nhưng ở ông vẫn toát lên sự tinh anh và mẫn tiệp. Những câu chuyện về công tác tham mưu chiến lược ở Bộ Tổng Tham mưu được ông kể lại thật cuốn hút, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất là kỷ niệm một lần được Đại tướng Võ Nguyên Giáp “sát hạch”.

Đầu tháng 4-1973, theo chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cục Tác chiến (Bộ Tổng Tham mưu) và Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không-Không quân tiến hành tổng kết trận “Điện Biên Phủ trên không”. Cục Tác chiến cử Trung tá Nguyễn Văn Ninh và đồng chí Nguyễn Hải Đường. Tổ công tác mang nhiều tài liệu, bản đồ xuống Đồ Sơn, Hải Phòng làm việc trong suốt 4 ngày liền. Đại tướng chăm chú lắng nghe tất cả các báo cáo theo từng chuyên đề và gợi ý thảo luận rồi kết luận. Sang ngày thứ 5, ngày làm việc cuối cùng, mỗi người có nhiệm vụ viết bản tổng kết phần việc mà mình đảm nhiệm. Bỗng Đại tướng gọi Trung tá Nguyễn Văn Ninh lại, bảo: “Cậu Ninh đi với tôi, bỏ tài liệu ở nhà”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh và Ban biên soạn đã hoàn thành cuốn “Lịch sử nghệ thuật chiến dịch phòng không, tháng 12-1972”, năm 1997. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Sáng sớm, sương mù chưa tan, trời se se lạnh, không khí miền biển trong lành, thoáng đãng. Trung tá Nguyễn Văn Ninh bước liền sau Đại tướng. Hai người đi song đôi, dọc theo mép nước bên bờ biển.

Đại tướng hỏi: “Trong xe chỉ huy tiểu đoàn hỏa lực tên lửa hoạt động ra sao trong giây phút chiến đấu?”.

Trung tá Nguyễn Văn Ninh bình tĩnh kể lại cặn kẽ những thao tác của kíp chiến đấu 5 người, nhịp nhàng, thống nhất, nhanh nhẹn, thuần thục tính từng giây trong tình huống cam go của nhiễu điện tử dày đặc của máy bay địch. Bên cạnh đó, phải gạt được tên lửa không đối đất để vừa đánh trúng B-52, vừa bảo vệ tuyệt đối an toàn trận địa và làm đúng lệnh của tiểu đoàn trưởng. Đại tướng khen ngợi đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trẻ của bộ đội tên lửa thật giỏi, “đã anh dũng lại thông minh”.

Nắng cuối xuân đã lên. Biển sáng trong, sóng lăn tăn, ánh bạc. Tóc Đại tướng đã bạc nhiều. Xa xa dọc bờ biển, máy bay lên thẳng của Mỹ bay thấp, kéo dây chậm rù rì để rà phá thủy lôi do chúng thả xuống. Đây là một điều khoản trong Hiệp định Pa-ri.

Đại tướng nhìn xa xăm rồi nói: “Cậu Ninh thấy không, chúng đang kéo cày trả nợ”. Trung tá Nguyễn Văn Ninh liền thưa: “Vâng, nhưng chúng chưa phá được bao nhiêu đâu ạ. Tính đến nay, chúng mới làm nổ được vài quả, còn bộ đội hải quân ta cùng đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên ngành giao thông vận tải... bằng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và với lòng dũng cảm đã phá được hàng nghìn quả rồi!”.

Đại tướng gật đầu, mỉm cười, lại hỏi tiếp: “Cậu còn nhớ quân xâm lược Pháp đổ bộ lên đất nước ta lần đầu tiên vào năm nào?”.

Trung tá Nguyễn Văn Ninh thầm nghĩ, thầy giáo dạy Sử đang sát hạch o-ran (kiểm tra vấn đáp) mình đây. Câu trả lời chợt lóe lên trong đầu, ông tự tin thưa:

- Thưa Đại tướng, nếu em không nhầm thì vào năm 1858, chúng đổ bộ vào bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

- Đến nay là bao nhiêu năm rồi?

Trung tá Nguyễn Văn Ninh làm phép tính nhẩm. Lúc này, nắng bắt đầu lên cao. Đại tướng cảm thấy nóng, toát mồ hôi. Người liền cởi chiếc áo mùa đông ga-ba-đin ra. Trung tá Nguyễn Văn Ninh tiến lên, đỡ lấy áo vừa đủ thời gian làm xong phép tính.

- Dạ thưa, vừa tròn 115 năm.

Đại tướng trầm ngâm giây lát, bằng giọng nói ấm và vang, thốt lên như tự nói với mình: “Mỹ cút. Thế là sau 115 năm, đất nước ta mới hết bóng quân xâm lược. Hy sinh gian khổ, kiên cường, dân tộc ta mới làm được một nửa lời căn dặn của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút”, giờ đây phải chuẩn bị và làm tiếp “đánh cho ngụy nhào!”.

Trung tá Nguyễn Văn Ninh linh cảm Đại tướng đang suy nghĩ về nhiệm vụ lớn lao sắp tới để đưa dân tộc đến một tương lai tươi sáng. Ông khẽ bước theo sau, thật nhẹ nhàng, im lặng. Đại tướng bước nhanh về phòng làm việc.

Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn còn nhớ sâu sắc những ký ức về trận “Điện Biên Phủ trên không” và đặc biệt là tình cảm, sự quan tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho ông. Ông bảo rằng, hình ảnh Đại tướng giản dị, trầm tĩnh đi bên bờ biển Đồ Sơn hôm ấy in đậm trong tâm trí, suốt đời ông không bao giờ quên.

HÀ THU