Giữa năm 1964, theo đề nghị của Bộ chỉ huy Phân khu Bắc Quân khu 5 (Phân khu Trị-Thiên) về việc tăng cường một đoàn văn công tinh gọn, phục vụ lâu dài ở chiến trường, Tổng cục Chính trị đã quyết định thành lập Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị-Thiên. 16 thành viên đầu tiên gồm 10 nam, 6 nữ, là những cán bộ, diễn viên trẻ, có tài năng từ các đơn vị được điều về đây. Đồng chí Nguyễn Thế Linh được giao trọng trách Trưởng đoàn, đồng chí Thanh Huyền là Chính trị viên. Ngày 23-12-1964, đoàn bí mật hành quân vào Nam.

Với nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương (vợ nhạc sĩ Thuận Yến), một trong 6 nữ văn công vào chiến trường Trị-Thiên bấy giờ, kỷ niệm về những năm tháng phục vụ ở chiến trường vẫn như mới ngày nào. “Năm đó, vì yêu anh Thuận Yến nên tôi không ở lại Nhạc viện Hà Nội làm giảng viên, mà theo anh vào chiến trường để được gần người thương. Cũng không thể ngờ chiến trường Trị-Thiên ác liệt thế. Sau khi vượt đầu nguồn sông Bến Hải, qua Đường 9, đoàn đến vùng giải phóng đúng vào dịp Tết năm 1965. Tại đây, chúng tôi đã có buổi biểu diễn đầu tiên phục vụ các chiến sĩ của Tiểu đoàn Quân Giải phóng Ba Lòng, bộ đội rất phấn khởi. Sau đó, chúng tôi tiếp tục hành quân về Như Lệ, vượt sông Đakrông tiến vào đường Bắc Sơn. Gần 20 ngày sau, đoàn đến được chòi Con Hầm, căn cứ của Bộ chỉ huy Phân khu Bắc (sau này gọi là Quân khu Trị-Thiên). Ngày 9-9-1965, đoàn chính thức được mang phiên hiệu “Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị-Thiên”, nghệ sĩ Thanh Hương nhớ lại.

leftcenterrightdel

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm, động viên Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị-Thiên tại Hướng Hóa (Quảng Trị) năm 1973. Ảnh tư liệu 

Có rất nhiều câu chuyện xúc động được nghệ sĩ Thanh Hương kể cho chúng tôi nghe, đó là trong buổi biểu diễn phục vụ thương binh, bệnh binh, có người đã trút hơi thở cuối cùng ngay tại buổi diễn, trên môi vẫn nở nụ cười. Ngày hôm trước biểu diễn cho một đại đội, ngày hôm sau nghe tin cả đại đội bị vùi lấp trong một trận pháo kích của địch, nhiều người hy sinh... Hay có lần phục vụ bộ đội tại Hải Lăng (Quảng Trị), khi hai bên tạm đình chiến, bên kia là đồn địch lăm le súng ống, bên này văn công vẫn thản nhiên biểu diễn cho bộ đội xem. Quân ngụy thấy văn công diễn hay quá nên đã kéo nhau ra chăm chú xem...

Theo hồi ức của các cựu chiến binh (CCB), cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đoàn được lệnh xuống núi chia thành hai mũi xung kích với hai nhiệm vụ khác nhau. Mũi thứ nhất có nhiệm vụ vào trung tâm thành phố Huế phục vụ đồng bào, khi bộ đội chiếm được đài phát thanh, ngay lập tức phát chương trình ca nhạc của Quân Giải phóng. Mũi thứ hai vào phía Bắc biểu diễn phục vụ bà con ngoại thành. Suốt 26 ngày đêm bộ đội giữ thành là 26 ngày đêm đoàn bám sát bộ đội và đồng bào để biểu diễn phục vụ.

Địch phản kích chiếm lại thành phố Huế, đoàn rút lên rừng. Những ngày sau đó, bộ đội cùng anh chị em trong đoàn phải trải qua giai đoạn khó khăn do đói, sốt rét nên nhiều người kiệt sức. Đầu năm 1970, đoàn được chia thành hai bộ phận: Một bộ phận ở chiến trường Quảng Trị tiếp tục biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, đồng thời làm nhiệm vụ quốc tế với quân đội Lào; bộ phận thứ hai ở lại làm nhiệm vụ tuyển quân và cũng vào chiến trường sau đó. Đoàn vừa biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ, vừa tăng gia sản xuất, phát nương, làm rẫy, tải lương, tải thương, tải đạn... sát cánh cùng bộ đội và nhân dân trong tất cả các chiến dịch lớn, nhỏ.

CCB Tôn Thất Chương, nguyên là diễn viên Đội kịch dân ca, có hơn 3 năm phục vụ tại chiến trường Trị-Thiên. Trò chuyện với ông, chúng tôi bày tỏ lòng khâm phục tinh thần, ý chí quyết tâm vượt khó của cán bộ, diễn viên đoàn. “Từ năm 1973 đến 1975, đoàn đóng quân tại Gio Linh (Quảng Trị). Tại đây, đoàn tiếp tục phục vụ các đơn vị bộ đội và nhân dân vùng mới giải phóng, đồng thời tuyển thêm quân, xây dựng chương trình biểu diễn chuẩn bị tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Khó khăn nhất đối với đoàn lúc bấy giờ là thiếu lương thực vì chiến trường ác liệt, bảo đảm hậu cần cho bộ đội cũng gặp nhiều khó khăn. Việc di chuyển con người, vật chất, nhạc cụ... trong điều kiện sông rộng, núi cao, vực sâu hiểm trở không phải là điều dễ dàng, nhất là vào mùa mưa. Cường độ biểu diễn phục vụ bộ đội cao, đoàn phải vừa hành quân, vừa luyện tập, vừa biểu diễn trong điều kiện bom, đạn địch đánh phá ác liệt, song anh chị em luôn đoàn kết, năng động sáng tạo, vượt qua khó khăn, gian khổ, động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, CCB Tôn Thất Chương nhớ lại.

Mùa xuân năm 1975, đoàn tham gia tiếp quản thành phố Huế, biểu diễn phục vụ bộ đội tại đồn Mang Cá, Phú Bài và chia thành nhiều mũi xung kích phục vụ đồng bào vùng mới giải phóng; tham gia đón các lãnh đạo cấp cao của Chính phủ vào thăm vùng giải phóng. Đoàn cũng hành quân theo Quân đoàn 2 phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng từ Phan Rang, Phan Thiết, Long Bình, Thủ Đức đến ngoại ô Sài Gòn. Tháng 5-1975, đoàn tham gia lễ mít tinh trọng thể mừng ngày giải phóng miền Nam. Dưới ánh sáng pháo hoa rực rỡ đầu tiên bên bờ sông Hương, đội quân nhạc hùng hậu cả về số lượng cũng như các loại nhạc cụ đã làm nên tầm vóc của một đoàn văn công chiến trường lịch sử.

Câu chuyện về những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi của đoàn văn công đầu tiên vào chiến trường Trị-Thiên cứ cuốn hút chúng tôi qua lời kể “thăng hoa” của các CCB. Bác Đỗ Hoài Năng, nhạc công, nay là Trưởng ban liên lạc Hội CCB Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị-Thiên cho hay: “Hơn 11 năm liên tục bám sát bộ đội và nhân dân, với tinh thần “ở đâu có đồng bào, chiến sĩ ở đó có tiếng hát của văn công”, đoàn chứng kiến hầu hết các sự kiện đặc biệt quan trọng như: Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Đường 9-Nam Lào; giải phóng Quảng Trị năm 1972; trao trả tù binh sau Hiệp định Paris năm 1973; Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Mặc dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng trước những gian khổ khi phải sống, chiến đấu trong môi trường khắc nghiệt của rừng thiêng, nước độc; nỗi ám ảnh về những trận sốt rét; những cơn đói lả người và mong manh giữa sự sống và cái chết..., các chàng trai, cô gái vốn được đào tạo nghệ thuật như chúng tôi đều vượt qua một cách phi thường”.

Năm 1976, sau khi Quân khu Trị-Thiên giải thể, Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị-Thiên cũng giải thể do đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Hơn 11 năm phục vụ bộ đội ở chiến trường Trị-Thiên ác liệt, hơn 130 lượt chiến sĩ văn công của đoàn đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình trên khắp chiến trường Trị-Thiên; hai đồng chí đã hy sinh vì bom, đạn của giặc, vĩnh viễn nằm lại nơi núi rừng Trị-Thiên, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt; nhiều đồng chí ốm đau, bệnh tật, do ảnh hưởng của thời gian ở chiến trường ác liệt, thiếu thốn gian khổ, lại nhiễm chất độc da cam nên đã qua đời khi tuổi còn trẻ...

Với những cống hiến, hy sinh to lớn trên chiến trường Trị-Thiên từ năm 1964 đến 1976, đoàn được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba, cùng nhiều phần thưởng cao quý; 23 đồng chí được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, Ba; nhiều đồng chí được tặng bằng khen, danh hiệu dũng sĩ. Hầu hết cán bộ, diễn viên của đoàn được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng các hạng. Đặc biệt, ngày 29-4-2021, Đoàn Văn công Quân giải phóng Trị-Thiên vinh dự được Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

VŨ HOÀNG