Trừng trị âm mưu của địch dùng pháo từ bờ nam bắn phá sang bờ bắc vĩ tuyến 17, trung tuần tháng 3-1967 Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ cho Quân khu 4 và Binh chủng Pháo binh tập kích hỏa lực vào căn cứ địch ở Dốc Miếu. Thiếu tướng Nguyễn Trung Kiên, nguyên Tư lệnh binh chủng Pháo binh kể lại:
Trước khi ta bắn vào trận địa pháo của địch, không ngày nào pháo của chúng ở bên kia không bắn sang các làng xã của ta ở bên này sông Bến Hải. Đạn pháo phá nát hoa màu ngoài đồng, cháy nhà dân trong làng. Đặc biệt từ ngày 22-2 đến 20-3-1967 chúng đã bắn hơn 200 lần với hàng nghìn quả đạn pháo các cỡ vào 36 thôn xóm, làm chết hơn ba chục người thuộc 12 xã của Vĩnh Linh. Chúng coi Dốc Miếu là "con mắt thần" của tuyến phòng thủ đường 9, là vọng gác tiền tiêu canh chừng mọi động tĩnh của ta ở phía bắc giới tuyến.
Ngày ấy, tôi là Tham mưu trưởng binh chủng, được Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ chỉ đạo pháo binh quân khu 4 lập kế hoạch tác chiến, triển khai trận địa ở bờ bắc vĩ tuyến 17. Trên đường vào nhận nhiệm vụ, phân đội pháo xe kéo 164 và các đơn vị cùng tham gia chiến đấu vô cùng xúc động nhận được thư động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác căn dặn: "Các chú đại diện cho lực lượng pháo binh miền Bắc xã hội chủ nghĩa đánh trả hành động leo thang phá hoại của pháo binh địch ở bờ nam. Vì vậy trận đầu các chú phải đánh thắng".
Phối thuộc chiến đấu cùng phân đội 164 có một đại đội cối 82mm của Khu đội Vĩnh Linh, áp sát căn cứ Dốc Miếu để khi cần thì đánh hỗ trợ. Một tổ 16 chiến sĩ dân quân xã Vĩnh Sơn tổ chức 4 trận địa giả sử dụng 140 quả bộc phá để khi pháo của 164 phát hỏa sẽ cho nổ tạo khói lửa, cát bụi nghi binh địch. Nhân dân xóm Bầu xã Vĩnh Thủy dỡ cả ván gỗ, tre, xoan của gia đình mình ra lát đường chống lầy cho xe kéo pháo vào chiếm lĩnh trận địa. Ban chủ nhiệm hợp tác xã Thủy Ba cử người mang trâu đến giúp hai đại đội 1, 7 kéo pháo qua những đoạn đường hẹp. Trong lúc cơ động qua phà Sa Lung khẩu pháo 100mm của tiểu đoàn 1 bị chìm xuống sông, đã được Ty giao thông Vĩnh Linh điều ngay đồng chí Thuộc lái xe húc đến kịp thời kéo lên. Cứu được pháo thì đồng chí Thuộc hy sinh vì bom tọa độ của địch.
Phân đội pháo binh xe kéo 164 vinh dự được nhận nhiệm vụ đặc biệt này bởi hầu hết anh em đã quen thuộc địa hình, tham gia nhiều trận pháo kích trên Đường 9, có kinh nghiệm về tổ chức chỉ huy, kỹ thuật bắn. 100% cán bộ, chiến sĩ đều thấu suốt ý nghĩa quan trọng của trận đánh, ai cũng thi đua chuẩn bị thật tốt để lập công. Hai tiểu đoàn pháo nòng dài 100mm và 20 khẩu lựu pháo 105mm, đặt trận địa ở bờ bắc sông Bến Hải, các đài quan sát đặt cách mục tiêu bắn từ 1.800 đến 3.000m. Để bảo đảm chắc thắng phân đội pháo 164 còn tổ chức một đài luồn sâu vào sát căn cứ Dốc Miếu, một tổ trinh sát đặt trên đỉnh cột cờ cao 32m ở phía bắc cầu Hiền Lương. Trước giờ nổ súng, đài quan sát báo tin địch đã tập trung về Dốc Miếu thêm hai tiểu đoàn bộ binh, một tiểu đoàn pháo và 30 xe bọc thép chuẩn bị mở cuộc càn ở tây-bắc Gio Linh. Đây là thời cơ để ta tiêu diệt thêm nhiều sinh lực địch, phá tan cuộc hành quân này.
Đúng 18 giờ 18 phút ngày 20-3-1967 pháo ta từ các trận địa đồng loạt nổ súng, gần 300 quả đạn tập trung bắn vào trung tâm căn cứ địch. 4 trận địa giả, cũng đồng thời cho nổ bộc phá để nghi binh địch. Căn cứ Dốc Miếu chìm trong lửa đạn, các kho xăng, kho đạn của địch bốc cháy dữ dội. Trong lúc pháo của 164 bắn vào Dốc Miếu, cối 82 cũng bắn hỗ trợ để các đơn vị bộ binh, đặc công vượt sông Bến Hải dùng pháo phản lực A.12 đánh căn cứ hậu cần ở Đông Hà rồi rút ngay về bờ bắc an toàn trước khi trời sáng.
Trong đợt pháo kích này, ta tiêu diệt và làm bị thương hơn một nghìn tên địch, trong đó phần lớn là lính thủy quân lục chiến Mỹ, phá hỏng 17 khẩu pháo 105mm, 155mm, 175mm, 5 máy bay trực thăng và gần 60 xe quân sự các loại, làm cháy 2 kho đạn súng bộ binh, súng cối, một kho xăng… Phân đội pháo 164 và các đơn vị phối thuộc thắng lớn trong trận này đã làm nức lòng nhân dân hai bên bờ sông Bến Hải, đập nát “con mắt thần” của chúng bên bờ nam, hạn chế đáng kể pháo cỡ lớn tầm xa, pháo hạm và không quân của chúng bắn phá sang bờ bắc khu phi quân sự, hạn chế đáng kể âm mưu leo thang mới của địch dùng không quân bắn phá ra các khu công nghiệp của ta ở Thái Nguyên, Việt Trì và các thành phố lớn Hà Nội, Hải Phòng, tạo thêm nhiều thuận lợi cho chiến trường miền Nam.
Nhận được tin chiến thắng, một lần nữa Bác Hồ gửi thư khen ngợi: “Bác rất vui lòng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ pháo binh ta… các chú chớ vì thắng lợi mà chủ quan, phải ra sức học tập và thi đua với pháo binh Quân giải phóng miền Nam tài giỏi anh hùng… Giữ gìn xe pháo tốt, tiết kiệm đạn dược, đánh giỏi, bắn trúng, lập nhiều chiến công to lớn hơn nữa”.
Có thể nói, trận Dốc Miếu là một trận đánh điển hình của pháo binh Việt Nam về sự đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, nhịp nhàng của các trận địa, các lực lượng phối thuộc. Đây là bước trưởng thành mới rất quan trọng, bảo đảm cho binh chủng Pháo binh tiếp tục phát triển lực lượng, nâng cao sức mạnh chiến đấu trong cuộc đọ sức lâu dài, ngày càng ác liệt với quân xâm lược Mỹ.
Nguyễn Ngọc Lan