Thượng tướng Trần Sâm (người đội mũ) khi còn điều trị tại khoa A11, Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: PHÚ HƯNG

Năm 1948, trên đường hành quân từ Việt Bắc vào Nam, tôi đã gặp một người cán bộ cao lớn, có giọng nói sang sảng tại bến đò Đại Lược (Thừa Thiên-Huế) trước khi vượt qua phá Tam Giang. Người cán bộ ấy đội mũ sắt, nói giọng miền Trung, luôn động viên, khích lệ chúng tôi trong lúc vượt phá. Sau khi tìm hiểu, tôi mới biết đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101 Trần Sâm. Những năm sau này, tôi không được trực tiếp làm việc với đồng chí Trần Sâm, nhưng lại có duyên gặp anh trong các buổi hội họp và những ngày anh đã nghỉ hưu. Thượng tướng Trần Sâm đã trải qua nhiều cương vị quan trọng trong quân đội và Nhà nước như: Cục trưởng Cục quân lực (Bộ Tổng tham mưu), Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật kiêm Viện trưởng Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ trưởng Bộ Vật tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng kinh tế (Bộ Quốc phòng), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng… Ở con người anh, luôn toát lên những đức tính sâu sắc, trách nhiệm, khiêm tốn, giản dị và tình người.

Năm 1968, đế quốc Mỹ điên cuồng tiến hành các cuộc đánh phá leo thang ra miền Bắc. Với cương vị là Phó tổng tham mưu trưởng, anh Trần Sâm luôn sâu sát giúp đỡ cơ sở và động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội bảo vệ bầu trời miền Bắc. Một lần đi công tác ở Quân khu 4, đồng chí thư ký của anh bị ốm đột xuất, nên tôi đã được cử đi thay. Trong chuyến đi này, tôi càng hiểu thêm về tinh thần làm việc hết sức tỉ mỉ, sâu sắc, nguyên tắc và trách nhiệm của anh. Trước khi phát biểu về vấn đề gì, anh chuẩn bị kỹ lưỡng trên giấy từ trước, sau đó lắng nghe, ghi chép ý kiến đề nghị của anh em và tìm cách diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu nhất để giải thích, giao nhiệm vụ cho cấp dưới. Trên đoạn đường từ thị xã Thanh Hóa, qua huyện Triệu Sơn để lên đường 15, đồng chí lái xe đến khoe với chúng tôi: “Các anh ạ. Em vừa mua được một tuýp thuốc đánh răng Ngọc Lan ở Hợp tác xã mua bán. Các anh có mua để em mua giúp”. Thấy vậy, anh Trần Sâm nghiêm nét mặt: “Đồng chí có biết những tuýp thuốc đánh răng đó vận chuyển từ Hà Nội vào đây vất vả như thế nào không? Hơn thế nữa, đây là mặt hàng phục vụ cho quân và dân Khu 4. Sao ta lại mua tiêu chuẩn của đồng bào”. Đồng chí lái xe cúi đầu trước câu nói của người chỉ huy. Sau đó anh ta đã mang tuýp thuốc đánh răng trả lại cho HTX mua bán.   

Sau ngày Tổ quốc thống nhất, tôi giữ cương vị Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng, thì anh Trần Sâm là Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, kiêm Trưởng ban bảo quản, giữ gìn vũ khí, trang bị của Bộ. Trong các buổi họp với Quân ủy Trung ương, Cục Tác chiến, anh luôn lo lắng là làm sao bảo quản và sử dụng tốt số lượng vũ khí lớn mà ta đã thu được của địch sau giải phóng. Trước tình trạng hệ thống nhà kho của Bộ, của các quân khu đã quá tải, anh Trần Sâm đề xuất phải xây dựng được hệ thống kho, nhà để xe ở các đơn vị. Anh chỉ đạo cho các ngành chuyên môn lập kế hoạch chi tiết xây dựng hệ thống kho bảo quản vũ khí ở cơ sở. Vị tướng quản lý khoa học kỹ thuật của quân đội đi đến nhiều sư đoàn, lữ đoàn để nghe anh em báo cáo kế hoạch xây dựng các loại kho bãi. Anh Trần Sâm còn chỉ đạo cấp dưới phân loại kỹ vũ khí, trang, thiết bị để có phương án bảo quản, giữ gìn và sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên, hồi đó do kinh phí xây dựng rất hạn hẹp, chỉ được 10% so với nhu cầu, nên việc xây dựng kho bãi rất khó khăn. Có lần anh Trần Sâm nói với tôi: “Tình hình này khéo đến thế kỷ 21 ta vẫn chưa làm đủ kho bãi để bảo quản vũ khí”.

Nhìn thấy các loại vũ khí, trang, thiết bị ngày càng xuống cấp do để ngoài trời, anh lo lắng ra mặt. Theo anh, phải có một bước đột phá nào đó để hoàn thành nhiệm vụ khó khăn này. Anh chịu đi cơ sở nhiều hơn, hỏi cấp dưới việc xây dựng từng loại kho cần bao nhiêu viên gạch, bao nhiêu tấm tôn, tấn sắt thép… để có hướng tháo gỡ, giải quyết. Cùng với sức lực và tinh thần sáng tạo của bộ đội, các loại kho bãi phục vụ cho công tác bảo quản vũ khí được xây dựng ngày càng nhiều… Thấy vậy, anh đã như reo lên khi gặp tôi: “Dũng ơi. Tốt lắm. Khả năng sẽ hoàn thành được kế hoạch làm kho đấy. Thế là đời tôi đã được nhìn thấy vũ khí, xe máy, trang bị kỹ thuật của ta nằm ở trong kho rồi”. Bước sang những năm đầu của thập niên 1990, phong trào làm kho để bảo quản vũ khí, xe máy, trang thiết bị trong toàn quân càng rầm rộ hơn. Những ý kiến chỉ đạo trước đây của Tổng cục Kỹ thuật được các đơn vị thực hiện nhanh chóng. Đó cũng là những điều khởi điểm cho phong trào “Bảo quản, giữ gìn vũ khí trang bị tốt, bền, an toàn tiết kiệm” sau này.

Được tin anh Trần Sâm mất, đảng viên trong Chi bộ 14, phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh rất đau buồn. Đầu năm, chi bộ chúng tôi rất tự hào khi có anh là đảng viên được nhận huy hiệu “70 năm tuổi Đảng”, giờ đây đã phải xa anh vĩnh viễn. Riêng tôi cảm thấy như anh vẫn ở trên cõi đời này. Vẫn còn đó một nhà hoạt động quân sự, nhà quản lý khoa học kỹ thuật xuất sắc của quân đội ta - Thượng tướng Trần Sâm.
LÊ PHI HÙNG (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Hoàng Dũng, nguyên Chánh văn phòng Bộ Quốc phòng)