Bẵng đi chừng 3 năm, trải qua một trận ốm rất nặng nhưng “không biết sức mạnh nào đã kéo tôi trở dậy, khỏe mạnh và lại thấy mình minh mẫn hơn. Mọi chuyện trong quá khứ như thước phim cuồn cuộn trở về trong trí nhớ khiến nhiều đêm tôi phải trở dậy để viết ra cho được”, nhà văn Nguyệt Tú nói. Từ năm 2018, các bài viết của nhà văn Nguyệt Tú trở lại với Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng, nhưng không đều đặn như trước nữa. Có lẽ do tuổi tác và sức khỏe không cho phép bà làm việc nhiều. Mới đây, trò chuyện với chúng tôi tại nhà riêng trên phố Đội Cấn, bà nhắc đến việc đang hợp tác với nhà văn người Mỹ Lady Borton thực hiện dự án ra mắt bộ sách mới về Bác Hồ. “Tôi giờ có tuổi rồi, lại yếu hơn nên không hỗ trợ được nhiều nhưng rất vui vì có dịp để hồi tưởng những năm tháng với bao kỷ niệm được gặp Bác. Tôi kể lại các cháu cùng nghe, biết đâu có thể viết được cái gì đó, 130 năm Ngày sinh của Người sắp đến rồi”, nhà văn Nguyệt Tú bắt đầu với những hồi ức...

Trong trí nhớ của nhà văn, lần đầu tiên được trực tiếp gặp Bác là vào năm 1946, khi bà được cử là đại biểu nữ thanh niên Hoàng Diệu đi đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ở ga Hàng Cỏ sau chuyến đi Pháp về. Bác về nước trên một chiến hạm của Pháp, cập bến Hải Phòng rồi đi tàu hỏa về Hà Nội. Hôm ấy là một ngày thu rất đẹp, nắng vàng rực rỡ. Nhà văn Nguyệt Tú kể: “Tôi đi trong đoàn đại biểu Chính phủ do cụ Huỳnh Thúc Kháng dẫn đầu. Tôi được đứng gần Bác. Tim đập rộn ràng và nhìn Bác không chớp mắt. Tôi chỉ muốn được nói một câu với Bác. Không ngờ Bác giản dị đến thế”.

leftcenterrightdel
Bác Hồ với các phóng viên và đại biểu dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ III, năm 1961. Trong ảnh: Nhà văn Nguyệt Tú ngồi hàng đầu, thứ ba, từ trái sang. Ảnh tư liệu

Sau đó khoảng gần một năm, nữ thanh niên Hoàng Diệu Nguyễn Thị Nguyệt Tú lên Chiến khu Việt Bắc và công tác ở cơ quan phụ nữ. Cách đó chừng 2km là lán làm việc của Bác Hồ. Những ngày ấy, bà hay cùng các cán bộ phụ nữ đến báo cáo công việc với Bác. Người ân cần lắng nghe, thường có những gợi ý quan trọng, trong đó đặc biệt là ý tưởng tổ chức tờ báo riêng của phụ nữ, chính là Báo Phụ nữ Việt Nam ngày nay.

Số là trước đó, chị em ở cơ quan phụ nữ vẫn làm “tờ báo tay”, khi hoàn thiện sẽ đưa lên cho Bác xem. Nhiều lần Bác khen báo đẹp khiến chị em rất tự tin. “Một dịp, chị em làm bánh caramen đem sang biếu Bác thì thấy Người đang xem “tờ báo tay” của chúng tôi. Bác nhận xét: “Báo tay của các cháu đẹp đấy nhưng nó chỉ như bông hoa. Các cháu phải làm sao cho thành bắp ngô, củ sắn”, khiến chị em chúng tôi suy nghĩ mãi”, nhà văn Nguyệt Tú kể.

Cuối cùng, hội phụ nữ đi đến thống nhất phải thay đổi, không thể làm báo thủ công mãi được mà phải có tờ báo in chính thức của mình. Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 19-8-1948, Báo Phụ nữ Việt Nam số đầu tiên ra đời. Báo in typo, khổ nhỏ, trang đầu đăng bức thư tay của Bác Hồ, phía dưới có chữ ký của Người. Khi maket của số báo đầu tiên hình thành sơ bộ, chị em báo cáo và được Bác góp ý, nên đặt chuyên mục Tin sản xuất bên cạnh Tin công tác hội. Từ ngày có tờ báo, chị em ở cơ quan hội phụ nữ vui hơn. Hoạt động của cơ quan ngày một sôi nổi. Thỉnh thoảng trên đường đi họp, Bác ghé thăm cơ quan hội phụ nữ. Nhà văn Nguyệt Tú nhớ mãi một lần, khi chị em đang quây quần quanh bếp lửa vừa nướng sắn vừa bàn thảo nội dung chuẩn bị cho số báo mới, bỗng nghe tiếng nước giội ở dưới chân cầu thang. Niềm vui bất ngờ. Dưới ánh đuốc, Bác Hồ trong bộ quần áo nâu, ống quần xắn gọn, đi chân đất bước lên cầu thang. “Một điều bất ngờ nữa, Bác rút trong chiếc ủng ra mấy nắm rau xanh và nói là giống cải xoong Bác trồng gần nhà. Biết chị em không có rau ăn nên Bác mang đến để chúng tôi trồng thử và dặn “rau dễ trồng, mọc nhanh mà lại bổ máu, rất tốt cho các cô đang nuôi cháu nhỏ”.

Ngay ngày hôm sau, nắm rau Bác Hồ tặng được chị em cấy trên đám đất có dòng suối nhỏ chảy qua. Rau lan ra rất nhanh. Một thời gian sau, khi cơ quan rời đi, “đôi ủng rau” của Bác đã trở thành một vạt rau lớn để lại cho đồng bào. Sau này, nhiều lần trở lại ATK Định Hóa, nhà văn Nguyệt Tú từng thấy bà con quanh vùng còn nhân rộng ra trồng ở một số nơi khác.

BÍCH TRANG