Nguyễn Hoàng sinh ngày 19-2-1923 tại Thọ Hạc, Đông Sơn (nay là phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Khi đang học thành chung tại quê nhà, chính quyền thực dân Pháp tổ chức gánh hát đến các địa phương biểu diễn vở kịch có nội dung kỳ thị người châu Á da vàng. Cùng với một số học sinh tiến bộ ở địa phương, Nguyễn Hoàng tham gia vận động nhân dân trong vùng tẩy chay không đi xem vở kịch này. Mặc dù không bị đàn áp, bắt bớ nhưng Nguyễn Hoàng được Thông Đương (tức Lý tổng Đương) gọi lên chất vấn xem ai xui làm việc đó và dằn mặt: “Lần này tao tha cho về, còn làm như thế nữa tao cho tù mọt gông”. Sau đó, Nguyễn Hoàng đem câu chuyện này kể lại với Bùi Chí Thăng, người phụ trách phong trào học sinh lúc bấy giờ thì nhận được lời khuyên nên kiếm đường lánh đi vì đã có tên trong “danh sách đen”, kiểu gì cũng có ngày bọn thực dân, phong kiến kiếm cớ bỏ tù.
Nghe theo lời khuyên, Nguyễn Hoàng rời quê nhà vào Vinh (Nghệ An) theo học Trường Bách nghệ Trường Thi. Sau 3 năm học, năm 1943, Nguyễn Hoàng vào Sài Gòn làm công nhân ở Depot xe lửa Sài Gòn. Ông kể: “Thời điểm đó, công nhân làm việc tại đây vất vả mà lương chẳng được là bao. Trong nhà máy có chú Năm làm lao động phổ thông, lương tháng có 3 đồng lại phải nuôi vợ và 3 con. Biết con bị ốm mà chú Năm không có tiền mua thuốc, tôi mạnh dạn đứng ra vận động mọi người quyên góp được 5 đồng trợ giúp gia đình chú Năm”. Sau lần đó, Nguyễn Hoàng được Hội Ái hữu kết nạp vào hội; đồng chí Năm Thặng (công nhân cùng làm việc tại Depot xe lửa Sài Gòn) giới thiệu ông gia nhập Công hội Đỏ. Thời bấy giờ, công nhân biết chữ, lại nói thạo tiếng Pháp như Nguyễn Hoàng rất hiếm, nên ông được công hội giao nhiệm vụ giúp đỡ những người công nhân tại đây.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, Depot xe lửa Sài Gòn dừng hoạt động, công nhân nghỉ việc. Mấy ngày sau, Nhật gọi công nhân về làm. Trước đó, khi làm việc với người Pháp, cứ tới ngày mồng 10 hằng tháng được phát lương, nay làm cho người Nhật tới ngày 15 vẫn chưa được phát lương, công nhân rất hoang mang. Qua lựa chọn, Nguyễn Hoàng được giao đại diện cho đoàn công nhân đến yêu cầu người Nhật trả lương. Trước thái độ xem thường của người Nhật, bắt công nhân trở lại làm việc, Nguyễn Hoàng dõng dạc nói: “Chúng tôi lên đề nghị với ông chủ phát lương tháng 3, không có lương đói không làm được”. Ông kể: “Lúc đó sao mình hăng thế. Ngay cả khi người Nhật, một tay để lên đốc kiếm, một tay chỉ xuống đám đông công nhân quát: “Ai đòi lương thì lên đây”, tôi vẫn bước lên phía trước. Thấy vậy, anh em công nhân rầm rập bước lên theo vây kín trước mặt ông chủ, buộc hắn phải thay đổi thái độ, hứa cuối tháng sẽ phát lương”.
Có lẽ chính từ những việc làm đó mà Nguyễn Hoàng được những người cộng sản chú ý, bồi dưỡng. Theo lời kể của ông, một buổi chiều tháng 5-1945, đồng chí Năm Thặng rủ Nguyễn Hoàng sang xóm Sáu Lèo (địa điểm nổi tiếng ăn chơi lúc bấy giờ ở Sài Gòn) để giới thiệu gặp đồng chí Hai Bắc (sau này khi Đảng ra hoạt động công khai, Nguyễn Hoàng mới biết Hai Bắc là đồng chí Nguyễn Oanh, Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ). Lần đầu gặp mặt, sau khi hỏi và được biết Nguyễn Hoàng không hay sang xóm Sáu Lèo chơi, đồng chí Hai Bắc giới thiệu Nguyễn Hoàng nên tìm đọc cuốn sách tiếng Pháp Salaire, prix et plus-value (Giá trị tiền lương) do Đảng Xã hội Pháp in ở Paris, gửi sang Sài Gòn bán. “Lúc bấy giờ, giới thầy thì không thích đọc, giới thợ thì ít người biết tiếng Pháp nên cuốn sách này được bán rất rẻ”-Đại tá Nguyễn Hoàng nhớ lại.
Sau một tuần gặp lại, đồng chí Hai Bắc hỏi Nguyễn Hoàng suy nghĩ gì khi đọc cuốn sách ấy, ông liền trả lời: “Tôi đọc chưa kỹ nhưng đại thể tôi thấy thế này, hàng hóa bán ngoài thị trường do công nhân làm ra, lời lãi bao nhiêu thì chủ tư bản thu hết, trả cho công nhân tiền lương ít ỏi cho nên đời sống công nhân vất vả lắm, phải tìm cách thay đổi!”. Mặc dù sau đó không thấy đồng chí Hai Bắc dặn dò gì, nhưng trước sự gật đầu tán thưởng suy nghĩ ban đầu của mình, Nguyễn Hoàng yên tâm, tiếp tục trở lại làm việc. Sau đó, ông được bầu làm Bí thư Thanh niên Tiền phong của nhà máy. Và rồi một ngày đặc biệt đã đến với ông. Chiều 7-7-1945, Năm Thặng lại rủ Nguyễn Hoàng đến Nhà máy Nước Sài Gòn gặp Hai Bắc. Tại đây, Hai Bắc nghiêm túc nói với Nguyễn Hoàng: “Sau một thời gian theo dõi, tổ chức thấy anh xứng đáng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tôi thay mặt đến đây công bố quyết định đó cho anh, anh suy nghĩ thế nào?”. Nguyễn Hoàng sung sướng đáp: “Tôi tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản, nếu trong hoạt động chẳng may bị bắt, địch có tra tấn dã man thì tôi thà hy sinh chứ không khai báo tổ chức”. Nói dứt câu, Nguyễn Hoàng nắm chặt tay hướng lên trời dõng dạc hô: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”...
LA DUY