Cô gái Hà Nội về tiếp quản Thủ đô
Bà Hoàng Lan Dung sinh năm 1934, ở làng Thạch Khối, tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận (nay là phố Hàng Than, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Năm 1947, Hoàng Lan Dung tham gia đoàn học sinh, sinh viên kháng chiến Hà Nội, làm nhiệm vụ rải truyền đơn, giúp đỡ đồng bào, bán công phiếu. Đặc biệt, Lan Dung là người đi đầu trong phong trào đấu tranh chống hoạt động bắt lính của bọn thực dân. Chính quyền Pháp ở Đông Dương cho người đến các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội bắt các nam sinh để huấn luyện và đưa ra chiến trường, Lan Dung được chỉ đạo đưa các học sinh nữ vào các trại lính yêu cầu thả các nam sinh. Thấy cô nữ sinh nhiều lần dẫn đầu phong trào chống bắt lính, đi rải truyền đơn, thực dân Pháp nghi ngờ và theo dõi.
Cuối năm 1953, Hoàng Lan Dung bị bắt khi đến trại lính Ngọc Hà đòi thả các thanh niên. Tại sở mật thám Pháp, chúng tra khảo, bắt cô khai tại sao phải yêu cầu thả lính, làm việc cho ai, tổ chức nào... Lan Dung bình thản trả lời dõng dạc: “Chúng tôi là những nữ sinh có tình cảm với các nam sinh, hơn nữa các nam sinh chưa đến tuổi đi lính, sao các ông bắt đi. Nhà tôi thuộc dạng giàu có, làm sao tôi phải theo Việt Minh hay cộng sản! Không tin, các ông đến khám xét mà xem”.
Lính Pháp đến nhà lục soát không tìm được gì và thấy gia đình thuộc giai tầng tiểu tư sản nên chúng trả tự do cho Lan Dung. Giữa năm 1954, Hoàng Lan Dung được Thành ủy Hà Nội cử ra Vân Đình, Hà Tây (nay là thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) để vận động quần chúng. Tại đây, Lan Dung cùng các hội viên đi rải truyền đơn, tuyên truyền cho nhân dân về ngày chiến thắng cận kề; huy động người dân may cờ Tổ quốc để chờ ngày giải phóng... Ngày 10-10-1954, Lan Dung được cử cùng đoàn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 308 từ hướng Xuân Mai về tiếp quản Thủ đô. “Đứng trên xe tải cùng các anh bộ đội, thấy hai bên đường dân chúng cầm cờ vẫy chào, cảm xúc thật bồi hồi. Từng sống trong lòng địch, luôn phải cảnh giác với thực dân Pháp và tay sai, nay được vào tiếp quản và làm chủ Thủ đô-mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, cảm giác của tôi khi ấy thật sung sướng, tự hào!”-bà Hoàng Lan Dung nhớ lại.
Ba lần được gặp Bác Hồ
Ba lần được gặp Bác ở những hoàn cảnh khác nhau nhưng đều để lại trong tâm trí bà Hoàng Lan Dung những cảm xúc đặc biệt.
Tháng 2-1955, khi đang là cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội, Hoàng Lan Dung cùng Lê Thị Hồng Trang vinh dự được cử vào Phủ Chủ tịch làm các loại bánh dân tộc để Bác Hồ tiếp một đoàn khách quốc tế đến thăm Việt Nam. “Mới ngoài tuổi đôi mươi, được giao nhiệm vụ quan trọng nhưng chị em chúng tôi đã được Bác khen ngợi khi làm các loại bánh dân tộc với sự chu đáo thể hiện sự trân trọng, không hình thức, lãng phí”-bà Dung nhớ lại.
Năm 1956, Hoàng Lan Dung được cử sang dạy học ở Trường Mẫu giáo Mầm non A (số 88, phố Thợ Nhuộm, quận Hoàn Kiếm). Tại đây, cô giáo Lan Dung có vinh dự được gặp Bác Hồ vào ngày 31-12-1958. Khi đó, cô Diệu Hồng, phụ trách trường mầm non mời Bác vào thăm lớp mẫu giáo lớn, nhưng Bác đi thẳng và rẽ vào lớp mẫu giáo bé do cô Hoàng Lan Dung làm chủ nhiệm. Bác trìu mến hỏi các cháu học sinh: “Các cô có nghiêm khắc với các cháu không?”. Nhiều cháu trả lời: “Các cô rất yêu chúng cháu ạ!”. Bác quay sang hỏi cô giáo Dung: “Cô có gia đình chưa?”. Cô Dung trả lời: "Dạ cháu cảm ơn Bác! Cháu lập gia đình được hơn 3 năm, giờ có hai cháu nhỏ rồi ạ!"
Bác lại hỏi: “Thế chồng cháu làm gì?”. “Dạ chồng cháu làm bộ đội phòng không ạ!”.
Cô Hoàng Lan Dung trả lời xong thì Bác ân cần: “Cô Dung có hai con nhỏ, chồng là bộ đội công tác xa nhà chắc ít được về, các cô chia sẻ và giúp đỡ cô ấy để cùng tiến bộ và chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu học sinh cho tốt”.
Đến tháng 3-1963, cô giáo Hoàng Lan Dung lại được gặp Bác Hồ khi dẫn các cháu học sinh Trường Mẫu giáo Mầm non A đến Phủ Chủ tịch để đón các đoàn khách quốc tế. Thấy Bác dành tình cảm thương mến cho các cháu thiếu nhi, trong đó có con gái mình khiến cô Lan Dung xúc động, tự hào và nhớ mãi không quên.
Được gặp Bác và được Bác ân cần thăm hỏi, động viên đã tạo động lực cho bà Dung không ngừng phấn đấu, góp phần vào sự phát triển của giáo dục Thủ đô. Đến khi nghỉ hưu, bà Dung cùng chồng tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ, thiệt thòi. Bà Hoàng Lan Dung luôn là công dân gương mẫu, tiêu biểu ở địa phương trong nhiều năm qua.
Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA