Với ông, tôi có nhiều kỷ niệm về nghề. Sau này, trước khó khăn, thử thách mỗi khi cầm bút, tôi thường nghĩ đến ông. Và tôi thường vượt qua, bởi nghĩ đến ông là nghĩ đến bản lĩnh, trí tuệ mẫn tiệp của một cây bút lớn.
Khi tôi trở thành phóng viên Báo QĐND cũng là thời điểm những năm đầu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Làn gió đổi mới lan tỏa vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Đặc biệt, trên lĩnh vực văn hóa-xã hội, văn học-nghệ thuật, báo chí, người sáng tác, người cầm bút như được "cởi trói". Ai cũng háo hức, cũng muốn lăn vào thực tiễn để kiểm nghiệm năng lực lao động, sáng tạo của mình trong bầu không khí đổi mới ấy.
Cũng như nhiều nhà báo khác, tôi đi vào thực tiễn sống và viết, mang trong mình “cẩm nang” của công cuộc đổi mới của Đảng với “thái độ nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.
Và, tôi nhớ mãi kỷ niệm đầu tiên của một chiến sĩ mới cầm bút.
Đó là những ngày trung tuần tháng 4-1988. Tôi được cử đi thực tế cùng một số phóng viên báo chí trong và ngoài quân đội đến Đoàn H., một đơn vị quân đội làm nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biển, đảo. Tôi say cái hào khí lao động, cống hiến của những chiến sĩ trẻ. Bởi vậy, tôi dành nhiều thời gian để tiếp xúc, lắng nghe, để cảm được tâm tư, nguyện vọng của lớp cán bộ, chiến sĩ đầu tiên của công cuộc đổi mới... Sau những ngày thực tế ở Đoàn H. trở về tòa soạn, tôi viết bài cho mục Góp ý-Kiến nghị, với bút pháp nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, dồn nén nhiều tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ mà tôi đã trực tiếp gặp gỡ và "mắt thấy tai nghe". Bài viết được Tổng biên tập Trần Công Mân duyệt và cho đăng trên trang nhất Báo QĐND. Bài báo xuất hiện trên trang nhất Báo QĐND được hai ngày thì vấp phải sự phản ứng gay gắt của lãnh đạo, chỉ huy Đoàn H. Cần nói thêm rằng vấn đề tôi đặt ra trong bài viết là vấn đề nóng bỏng vào thời điểm ấy, được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Vì vậy, sự phản ứng từ lãnh đạo, chỉ huy Đoàn H. lại càng thêm gay gắt là điều dễ hiểu. Là một người cầm bút trẻ, tôi cũng không lường hết trong không khí cởi mở của công cuộc đổi mới, áp lực của dư luận lên các vấn đề đang được xã hội quan tâm rất lớn, đặc biệt là những mặt trái của xã hội mà báo chí nêu ra.
Tôi phấp phỏng chờ đợi điều gì sẽ đến với mình!
Một buổi chiều sau đó, đồng chí Vương Sỹ Đình, Trưởng phòng biên tập Quốc phòng-An ninh đi giao ban tòa soạn về và đưa cho tôi một công văn của lãnh đạo, chỉ huy Đoàn H. Công văn đánh máy kín 3 trang giấy pelure màu nâu xám. Tôi liếc nhìn trên góc trái của công văn có dòng chữ Tổng biên tập Trần Công Mân ghi: “Đoàn H. đúng hay Hồ Anh Thắng đúng?”. Đọc xong công văn, tôi định lên phòng Tổng biên tập trình bày thì Trưởng phòng Vương Sỹ Đình nói: “Tổng biên tập nói cậu không cần phải trình bày, chỉ cần ghi dưới bút phê của Tổng biên tập, Đoàn H. đúng hay cậu đúng?”. Nghe vậy, tôi không ngần ngại cầm bút ghi đáp lời ông: “Báo cáo Tổng biên tập: Hồ Anh Thắng đúng!”. Trưởng phòng Vương Sỹ Đình lại cầm công văn của Đoàn H. lên gặp Tổng biên tập. Một lúc sau, tôi lại nhận tờ công văn từ tay Trưởng phòng và chăm chú đọc dòng chữ Tổng biên tập ghi dưới trang cuối của công văn: “Hồ Anh Thắng đúng thì soạn thảo công văn trả lời lãnh đạo, chỉ huy Đoàn H. Trong công văn trả lời nói rõ tòa soạn Báo QĐND sẽ mời lãnh đạo Đoàn H. đồng tổ chức một cuộc trao đổi về các nội dung đặt ra trong bài Góp ý-Kiến nghị và mời các phóng viên các báo đi cùng chuyến thực tế đến Đoàn H. tham dự (hơn 20 nhà báo khắp cả nước). Nội dung cuộc trao đổi sẽ được lược ghi và đăng lại trên các số báo QĐND tiếp theo”.
Tôi soạn công văn phúc đáp lãnh đạo, chỉ huy Đoàn H. theo đúng nội dung chỉ đạo của Tổng biên tập Trần Công Mân. Công văn phúc đáp gửi đi, tôi hồi hộp chờ đợi trả lời, nhưng càng chờ lại càng thấy rơi vào trạng thái im lặng...
Hôm nay ghi lại câu chuyện này, tôi vẫn nhớ như in kỷ niệm đầu đời của một người làm báo chiến sĩ. Tôi luôn háo hức và say sưa đọc những bài báo của Tổng biên tập Trần Công Mân. Một tư duy làm báo uyên bác, một nhà báo bản lĩnh, giàu trí tuệ đã để lại cho nền báo chí cách mạng Việt Nam nhiều bài báo sâu sắc, dự báo những vấn đề thời sự của xã hội. Có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ bài báo “Không thể chỉ cần "đóng cửa bảo nhau” của ông đăng trên Báo QĐND ngày 16-1-1988 vào những năm đầu của công cuộc đổi mới của Đảng. Khổ cuối của bài viết có đoạn: “Phải coi chừng những kẻ nhân danh bảo vệ uy tín của Đảng, chủ trương “không vạch áo cho người xem lưng”, chỉ cần “đóng cửa bảo nhau” cũng làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh được. Công khai và dân chủ trong mọi trường hợp đều tốt cả...”. Hôm nay, nhìn lại thành quả hơn 30 năm qua của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được nhiều thành tựu kỳ diệu, soi vào bài báo của ông bây giờ vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự.
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống của Báo QĐND (20-10-1950 / 20-10-2020), nhớ tới ông, tôi muốn mượn lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết tựa cho cuốn sách “Trần Công Mân-tác phẩm báo chí chọn lọc” để kết thúc bài viết của mình: “Hơn một phần ba thế kỷ làm báo, đồng chí Trần Công Mân vừa là một người phụ trách cơ quan báo chí quân đội có bản lĩnh vững vàng, vừa là một nhà báo sắc sảo, có uy tín. Sự nghiệp làm báo của đồng chí gắn liền với những năm tháng chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc ta, với hơn hai mươi năm đất nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo”.
Thiếu tướng HỒ ANH THẮNG (Nguyên Phó tổng biên tập, nguyên Bí thư Đảng ủy Báo Quân đội nhân dân)