Ông kể: “Đó là năm 1969, lần thứ ba tôi được gặp Bác cùng với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam. Trong lúc mọi người thưa chuyện với Người, tôi chững lại quan sát Bác chăm chú. Đôi mắt sáng như sao, vầng trán mênh mông, chòm râu sao mà đẹp thế. Bác hiền từ, giản dị biết bao nhiêu. Tôi không nghĩ đây là lãnh tụ, mà như người thân thiết của mình. Sau này đọc bài thơ “Cháu nhớ Bác Hồ” của nhà thơ Thanh Hải: “Đêm nay trên bến Ô Lâu/ Cháu ngồi cháu nhớ chòm râu Bác Hồ…” đúng hệt tâm trạng tôi lúc đó. Tôi khẽ đưa tay vuốt nhẹ chòm râu mềm mại và trắng như cước mà nhiều đêm vẫn thấy trong mơ. Tôi cảm ơn nhà báo đã chụp được khoảnh khắc ấy, để tôi có bức ảnh để đời, mãi mãi tự hào suốt mấy chục năm qua”.

Kể chuyện ngày đánh giặc, ông Bá vẫn nhớ như in, dường như mới ngày nào. 5 năm ở V10 (Tiểu đoàn 72), y tá Huỳnh Thúc Bá đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu 65 trận. Sinh ra từ vùng đất Vinh Cường (Duy Tân, Duy Xuyên, Quảng Nam) nổi tiếng anh hùng, nơi nhà văn Chu Cẩm Phong hy sinh, cậu thanh niên Huỳnh Thúc Bá sớm gan lỳ, làm những điều không ai dám làm.

Mới đây, ông Ngô Cần, vừa là đồng đội, cũng là đồng hương của ông đã kể lại chuyện thú vị về ân nhân của mình. Đó là trong trận Phú Diên, Quế Sơn, ông Cần bị một băng đạn của địch lia tới làm vỡ xương hàm, một đầu đạn khác xuyên vào tay trái. Ông được chuyển về phía sau chữa trị. Một thời gian, mảnh đạn ở cánh tay của ông bắt đầu trồi lên và sưng tấy, không thể nào vác súng được. Để có thể ra trận, ông Cần đã nhờ Huỳnh Thúc Bá (lúc đó mới vào đơn vị) mổ lấy đầu đạn ra. Việc của bác sĩ, vậy mà trước ánh mắt nài nỉ của người bạn, anh y tá trẻ đưa đồng đội ra nơi vắng, chuẩn bị sẵn bông băng, kháng sinh, nhẹ nhàng lấy viên đạn ra khỏi cơ thể bằng một đường dao rạch chính xác. Ông Cần tiếp tục đi chiến đấu và đơn vị cũng không hề hay biết chuyện bí mật của hai người...

leftcenterrightdel
Anh hùng LLVT nhân dân Huỳnh Thúc Bá (đứng bên phải Bác Hồ) và các anh hùng, dũng sĩ miền Nam, năm 1969. Ảnh tư liệu

Năm 1967, Huỳnh Thúc Bá được tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân. Năm 1968, dịp sinh nhật lần thứ 78 của Bác Hồ, nghe tin đoàn anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra Bắc chữa bệnh, Bác cho gọi hai người con Quảng Nam là ông và Anh hùng Trần Đình. Được Bác hỏi thăm, Huỳnh Thúc Bá thưa với Bác cách làm sáng tạo của quân y chiến trường, đó là tìm mọi cách bí mật mua thuốc trong nhân dân; tích cực tận dụng chiến lợi phẩm; kết hợp cả đông-tây y, trong đó phát huy vườn thuốc Nam tại đơn vị và tìm kiếm lá thuốc trên núi rừng. Bác khen cách làm sáng tạo của quân y Quảng Nam và nói với các đồng chí Trung ương lưu ý những ý kiến của Huỳnh Thúc Bá. Bác gửi bánh và bảo: “Cháu Bá mang quà về cho anh em miền Nam, nói là quà Bác Hồ tặng nhé”. Lần thứ hai được gặp Bác là tháng 9-1968, khi đó ông vinh dự có mặt trong đoàn 50 anh hùng, dũng sĩ miền Nam được gặp Bác ở Hội trường Ba Đình. Trước khi trở lại miền Nam, ông may mắn lại được gặp Bác khi cùng đoàn anh hùng, dũng sĩ vào Phủ Chủ tịch. Bác lại gần và hỏi: “Cháu Bá đã hết sốt rét chưa, học tập có tốt không?”. Chao ôi, Bác có bao nhiêu việc trên đời, vẫn nhớ đến đứa cháu miền Nam bị sốt rét hôm nào. Sau này ông được biết, nhiều đồng đội xứ Quảng của ông như Hồ Thị Thu, Hồ Ngọc Biên, Võ Hường… đều được Bác dành cho tình cảm đặc biệt ấy.

Khi Bác mất, đang học ở Học viện Chính trị, ông được gọi về thọ tang Người. Với bộ quân phục, mũ tai bèo, vai đeo băng tang, ông cùng các anh hùng Hồ Kan Lịch, Tạ Thị Kiều, Trần Đình đứng bốn bên linh cữu của Bác. Vì quá xúc động, nhất là các cô gái, nên cả đoàn chỉ đứng hơn 5 phút, nhưng giây phút đau thương này theo ông mãi không thể nào quên. Tấm khăn len Bác tặng năm nào, ông đưa vợ cất giữ trong suốt những năm người anh hùng vào Nam chiến đấu. Là Chủ nhiệm Chính trị Cục Hậu cần, Quân khu 5 trước khi về hưu, nhiều bệnh tật từ thời chiến tranh trong cơ thể nhưng khi được mời kể chuyện về Bác, Đại tá Huỳnh Thúc Bá luôn sẵn lòng. Mỗi lần gợi ký ức đẹp đẽ năm nào, ông lại thấy mình như có thêm sức mạnh lớn lao.

HÀ MY