Trên đường đến thăm bà Trương Thị Tám, đồng chí Đỗ Hữu Hưng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Đông Kết kể chuyện với niềm tự hào: “Anh hùng LLVT nhân dân Trương Thị Tám nay đã tròn tuổi 90 song còn khỏe mạnh, minh mẫn. Bà thường thăm hỏi công việc của chúng tôi, dự các hội nghị ở địa phương và nói chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ, “truyền lửa” cho thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ...”.

Khi hay tin chúng tôi đến nhà riêng để thăm hỏi, bà Tám rất vui và còn chuẩn bị cả trái cây hái từ vườn nhà dành mời khách. “Các con muốn mẹ kể chuyện ngày dùng đòn gánh đánh Tây à? Các báo đã viết đầy đủ và mẹ cũng kể chuyện nhiều lần rồi. Còn chuyện 6 lần được gặp Bác Hồ thì mẹ nhớ mãi. Hay cả việc nén lòng tiễn chồng là ông Đỗ Trọng Hội, bộ đội thời kháng chiến chống thực dân Pháp, tái ngũ năm 1968. Rồi lúc mẹ đau đớn nhận tin chồng hy sinh ngày 15-10-1969.

Sau đó là những tháng ngày mẹ phải vượt qua đau thương để làm công tác thì không thể quên được...”, bà Trương Thị Tám xúc động tâm sự.

Khi mới hơn 10 tuổi, cô bé Trương Thị Tám tò mò nghe các cô chú trao đổi những điều mà mình chưa hiểu gì. Sau này mới biết đó là những cuộc họp chi bộ tại gia đình mình. Mấy năm sau, khoảng những năm 1949-1950, Trương Thị Tám tham gia công tác cách mạng, gác cho cán bộ họp. Năm 1951, du kích đánh phá bốt Lạc Thủy, bốt Hương Dũng ở xã Đông Kinh (nay là xã Đông Kết) làm nức lòng người dân địa phương, hình ảnh ấy đã thôi thúc cô gái Trương Thị Tám tham gia đội du kích của xã. Hoạt động năng nổ, xốc vác, gan dạ trong chiến đấu, cuối năm 1952, Trương Thị Tám được huyện phân công làm Xã đội phó xã Đông Kinh. Tháng 6-1953, Xã đội phó Trương Thị Tám chỉ huy chị em du kích phối hợp với bộ đội địa phương huyện đánh địch ở bốt Phương Trù (xã Tứ Dân, huyện Khoái Châu). Trận đánh khiến cho địch khiếp sợ với hình ảnh “đòn gánh đánh Tây” của Đội nữ du kích Hoàng Ngân do Trương Thị Tám chỉ huy. Dũng cảm, sáng tạo trong chiến đấu và vận động quần chúng nhân dân, ngày 3-2-1954, Trương Thị Tám được kết nạp Đảng và bổ nhiệm Xã đội trưởng.

leftcenterrightdel

Bài thơ "Gái Bãi Sậy sông Hồng" của nhà thơ Huy Cận viết tặng nữ du kích Trương Thị Tám năm 1966. 

Trong hơn 3 năm (1951-1954), Trương Thị Tám cùng đội du kích trực tiếp tổ chức, tham gia 72 trận đánh lớn-nhỏ, bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của địch. Với thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1955, Xã đội trưởng Trương Thị Tám được chọn tham gia lễ duyệt binh mừng chiến thắng tại Hà Nội. Trong quá trình luyện tập cho buổi lễ duyệt binh, bà Tám lần đầu tiên vinh dự được gặp Bác Hồ. Sau đó, bà còn được gặp Bác Hồ 5 lần nữa vào các năm: 1956, 1957, 1966...

Hòa bình lập lại trên miền Bắc, bà Trương Thị Tám cùng với cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ xã lãnh đạo, xây dựng xã Đông Kinh trở thành điển hình tiên tiến toàn diện. 3 năm (từ 1958 đến 1960), xã đạt danh hiệu “Đơn vị 3 nhất”, được Quân khu biểu dương “Vững chắc như Đông Kinh”. Năm 1961, xã được Chính phủ tuyên dương “Đơn vị cờ đầu” và Quốc hội tặng cờ “Đơn vị tiên tiến xuất sắc nhất”. Năm 1964, lực lượng dân quân xã đạt danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng” đầu tiên của tỉnh Hưng Yên. Những thành tích đó là của tập thể, song có vai trò nổi bật của Bí thư Đảng ủy xã Đông Kinh Trương Thị Tám.

Bà Tám kể: “Tháng 4-1966, khi đang là Bí thư Đảng ủy xã Đông Kinh, tôi được lựa chọn đi dự Hội nghị tổng kết 3 năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “4 tốt”. Hội nghị vinh dự được Bác Hồ đến thăm, nói chuyện và chụp ảnh lưu niệm. Sau đó, tìm hiểu thành tích của tôi, nhà thơ Huy Cận đã sáng tác bài thơ “Gái Bãi Sậy sông Hồng” và gửi tặng tôi một bản. Tôi đã cất giữ cẩn thận bài thơ này như một kỷ vật quý”.

THÁI NHỊ