QĐND - Trước khi trở thành Phó chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Khoa Chiến lược của Học viện Quốc phòng, Thiếu tướng, PGS, TS, Nhà giáo ưu tú Bùi Thanh Sơn đã có những năm tháng chiến đấu trên các chiến trường ác liệt, tham gia những chiến dịch lớn, như Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng... Nhớ lại những chặng đường đó, ông suy nghĩ giản dị rằng, mình đã hoàn thành những nhiệm vụ mà quân đội giao cho.     

Thiếu tướng, PGS, TS Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Trung Nguyên.

Năm 1971, Bùi Thanh Sơn được điều về Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 24 (Quân đoàn 3) vào chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên. Hiệp định Pa-ri được ký kết, đơn vị của ông về Bắc Kon Tum giữ các điểm cao 601, 674, 751, đánh địch lấn chiếm khu vực núi Ngọc Bay, Dak Jơ Cót, Trung Nghĩa. Đó là những địa bàn quan trọng của địch trong hệ thống vành đai phòng thủ bảo vệ thị xã Kon Tum và Quốc lộ 14, con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường bắc Tây Nguyên. Tại đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh chính trị gay gắt, quyết liệt, kết hợp với đấu tranh quân sự giữa ta và địch để giành từng tấc đất.

Kỷ niệm mà ông nhớ nhất là những ngày đánh địch lấn chiếm vùng giải phóng ở Ngọc Bay-Trung Nghĩa. Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 24 do ông làm Đại đội trưởng được giao nhiệm vụ phòng ngự hai điểm cao và 6 khu vực. Vì địch lấn chiếm mạnh nên suốt thời gian dài, việc vận chuyển, tiếp tế của ta gặp vô vàn khó khăn. Cả tháng trời, trên chốt anh em mỗi ngày chỉ được một lạng gạo, đạn dược lại càng thiếu, một ngày chỉ được bắn 8 quả cối 82mm, địch thì liên tiếp mở các đợt tiến công, với lực lượng của một trung đoàn (gấp 7-8 lần lực lượng của ta). Mỗi ngày, đại đội của ông phải chống lại 7-8 đợt tiến công của địch, có hôm đánh địch đến 2-3 giờ sáng. Mùa mưa, chiến trường Tây Nguyên ẩm ướt, chiến hào ngập nước, ban ngày cầm cự, đánh địch, ban đêm anh em thay nhau tát nước. Địch dùng các loại pháo nổ chậm khoan xuống hầm, rồi pháo chụp chùm lên trận địa nên bộ đội thương vong nhiều. Đại đội ban đầu có hơn 100 người, sau hy sinh chỉ còn 5, cả cán bộ đại đội và nuôi quân. Cuối cùng, không còn lực lượng bổ sung, sau đó đơn vị được lệnh rút ra củng cố.

Gian khổ, ác liệt như vậy nhưng đọng lại trong ký ức của Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn là kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội. Ông nhớ những ngày chiến đấu ác liệt giữ điểm cao 601, được mệnh danh là “Cánh cửa thép” của Đoàn Hồng Hà. Một buổi sáng, có đồng chí trung đội phó quê ở Hải Phòng đến gặp ông báo cáo, trong trận đánh chiều hôm trước, hầm của trung đội đồng chí bị trúng pháo của địch, một người hy sinh. Đồng chí ấy cùng quê, cùng học một trường, vào chiến trường lại cùng đơn vị chiến đấu, ở cùng chiến hào với anh. Thương bạn, không nỡ xa bạn nên anh đã đắp chăn cho bạn rồi nằm với bạn cả đêm.

Chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 liên tục lập chiến công, san bằng hàng loạt cứ điểm, cụm cứ điểm, giải phóng hầu hết tỉnh Kon Tum. Trong đội hình Sư đoàn 10 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn 6 do ông làm Tiểu đoàn trưởng tham gia giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, đánh tan Sư đoàn 23 quân ngụy về giải tỏa Lữ dù 3 ở đèo Phượng Hoàng rồi tiến xuống đồng bằng giải phóng thành phố Nha Trang, Cam Ranh.  6 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, đơn vị ông tiến công Bộ Tổng tham mưu ngụy và sân bay Tân Sơn Nhất. 10 giờ 30 phút, Tiểu đoàn 6 do ông làm Tiểu đoàn trưởng đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông tiếp tục chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nghĩa vụ quốc tế, giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Từ một sinh viên, trải qua hơn 20 năm chiến đấu tại các chiến trường ác liệt, dạn dày trận mạc, phát triển từ chiến sĩ cho đến cán bộ cấp tiểu đoàn, là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 320 khi mới ngoài 30 tuổi, nhưng mong ước một ngày hòa bình, được trở lại giảng đường đại học luôn cháy bỏng trong ông. Năm 1982, ông sang học tại Học viện Quân sự của Liên Xô. Năm 1986, Thượng tá Bùi Thanh Sơn về học đào tạo chiến lược chiến dịch tại Học viện Cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng). Năm 1989, đỗ tốt nghiệp thủ khoa, ông được học viện giữ lại làm Phó chủ nhiệm Khoa Chiến lược.

Ngày mới về nhận nhiệm vụ tại học viện, ông nhận thấy, chuyên ngành chiến lược có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, hơn nữa các môn về quốc phòng, quân sự có đặc thù rất khô khan. Trong khi đó, phương pháp giảng dạy tại học viện thường là thầy giảng, trò ghi từ đầu đến cuối, trích dẫn từ tài liệu, giáo trình hàng chục năm ít thay đổi, chỉnh lý. Đã có ý kiến rằng ông vừa mới là học viên ra trường đã được bổ nhiệm Phó chủ nhiệm khoa, rằng ông còn trẻ, dễ kiêu ngạo. Thế nhưng ông xác định càng khó khăn càng phải cố gắng. Ông nghĩ, vấn đề cốt lõi là phải nghiên cứu, nắm được cán bộ mà mình đào tạo cần gì. Ông liên tục thay đổi chương trình giảng dạy của cả 4 bộ môn trong khoa để đáp ứng yêu cầu bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, quân sự cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và quân đội. Những kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu ở chiến trường trở thành kho tư liệu quý giúp ông minh họa cho những bài giảng khiến nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn. Ông dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, tổng hợp kiến thức thực tiễn thông qua các buổi hội thảo, thảo luận, trao đổi rồi nêu những vấn đề chính để học viên tự nghiên cứu, phát huy trí tuệ sáng tạo của người học. Bên cạnh đó, ông chịu khó trao đổi, tìm hiểu từ học viên tình hình các bộ, ngành và địa phương để bổ sung vào bài giảng. Trong giảng dạy, ông coi trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật như lập trình slide, lập bài giảng trên máy vi tính, sử dụng hình ảnh, sơ đồ, biểu đồ để minh họa. Đối với các giảng viên, ông không quản lý hành chính mà giao tài liệu, đề tài, công trình khoa học để họ nghiên cứu. Ông tâm niệm rằng, người giảng viên phải có ý thức không ngừng học tập, nâng cao kiến thức. Ông nhớ lại, những năm đầu thập niên 1990, vợ ông đi công tác ở nước ngoài, một mình ông vừa đi làm vừa đi học, nuôi hai con nhỏ. Vất vả, bận bịu là thế, nhưng tối về, ba bố con vẫn chong đèn ngồi học, ông quy định với các con, ở nhà phải giao tiếp bằng tiếng Anh...

Thiếu tướng Bùi Thanh Sơn được bổ nhiệm Chủ nhiệm Khoa năm 1992. Năm 2002, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ và được phong học hàm Phó giáo sư năm 2005. Ông được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng và được tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Các đề tài, công trình nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp trong khoa không chỉ làm tài liệu phục vụ công tác giảng dạy trong học viện mà còn là cơ sở khoa học cho việc đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng trong hoạch định những vấn đề chiến lược quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.             

VÂN HƯƠNG