Trước hết phải kể đến những lần tham dự buổi lễ quân dân nước bạn Campuchia tiễn Quân tình nguyện Việt Nam về nước. Biết bao tình cảm lưu luyến, biết bao câu chuyện xúc động của chiến sĩ tình nguyện với các bà mẹ, các em thiếu nhi nước bạn.
Tôi nhớ lễ tiễn Quân tình nguyện Việt Nam về nước cuối cùng diễn ra cuối năm 1989. Lần này, tôi ở thị xã Stung Treng để lấy tài liệu, chuẩn bị theo đoàn công tác qua biên giới về cửa khẩu Đức Cơ (Pleiku) dự lễ tiễn của bạn, lễ đón của ta. Tư liệu có rồi mà không có cách nào gửi về tòa soạn. Ngày ấy chưa có internet, wifi và điện thoại di động. Đúng lúc đó có chuyến bay AN-26 chở các đại biểu, khách mời từ TP Hồ Chí Minh qua Stung Treng để hôm sau dự lễ tại nước bạn rồi qua Pleiku. Mừng quá, tôi liên hệ với đội bay để bay về nước. Thế là chuyến bay ấy chỉ chở người khách duy nhất là tôi. Sau khi về cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh để gửi bài, ảnh về tòa soạn ở Hà Nội, tôi lại mua vé máy bay lên Pleiku cho kịp dự lễ. Dự buổi lễ ấy có nhiều lãnh đạo quân đội và các địa phương, đặc biệt là có sự hiện diện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong những chuyến công tác dài ngày “bám” theo các đơn vị làm nghĩa vụ quốc tế truy đuổi tàn quân Pol Pot, tôi có nhiều kỷ niệm. Nhớ nhất là một lần tại sân bay Xiêm Riệp. Bộ đội đang ngủ trưa trong các lều bạt thì bất ngờ nghe những tiếng nổ đinh tai, chát chúa, khói cuộn lên. Tưởng bị địch tập kích, chúng tôi cầm súng và lựu đạn lao ra chiến đấu. Nhưng không, tất cả lại yên ắng. Đó là mấy quả đạn hỏa tiễn H-12 của quân Pol Pot từ rừng bắn vào. Chúng đặt chế độ hẹn giờ tự động rồi bỏ đi nên ta không truy đuổi được.
Lần khác là chuyến công tác bên nước bạn Campuchia cuối năm 2001. Tôi sắm hai vai. Ngoài danh nghĩa nhà báo, tôi còn là thành viên đội công tác thuộc Ủy ban Tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia (gọi tắt là VCAER).
Ngày ấy, với cấp bậc Thượng tá, Phó trưởng ban đại diện phía Nam Báo Quân đội nhân dân, tôi được đồng chí Ngô Xuân Lịch, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (sau này là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) ký quyết định phân công đặc cách cho tôi tham gia đoàn tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ, biên chế trong Đội K70 (thuộc Quân khu 7). Tôi được hưởng mọi chế độ như các thành viên của đội VCAER. Chuyến đi vừa mừng vì được làm việc nghĩa nhưng vừa lo về trách nhiệm cả hai cương vị nhà báo và đội viên...!
Đoàn chúng tôi lên xe vận tải, không ai mang vũ khí, không mặc quân phục, không gắn sao trên mũ; áo bên vai trái có phù hiệu VCAER, đúng diện mạo đội quân công tác, làm việc hiếu nghĩa. Mọi trang phục quần áo, mũ, giày, ba lô đều màu xanh hòa bình.
Khi chiếc xe vận tải Zil-131 rùng rùng lăn bánh qua cửa khẩu Sa Mát sang nước bạn, tâm trạng tôi bồi hồi khó tả. Gần 20 năm trước, cũng đoạn đường này, tôi cùng các chiến sĩ tình nguyện, súng thép trong tay, đau đáu nhìn sang những bụi cây lúp xúp, cảnh giác với bọn tàn quân Pol Pot. Ngày ấy (năm 1983), tôi là phóng viên trẻ theo Lữ đoàn Công binh 476 (Quân khu 7) sang giúp bạn khôi phục con đường này. Bộ đội ta dựng lều bạt và mắc võng ăn ngủ trong rừng để đào đắp, san lấp đất đá, mở từng đoạn đường, thấm đẫm mồ hôi và cả máu!...
Sau khi đoàn làm việc với VCAER của bạn, chúng tôi đến các phum ven rừng, là khu vực chiến trường xưa của bộ đội ta. Giống như những lần hành quân dã ngoại, chúng tôi dựng lều bạt, đào bếp lò và dọn dẹp đường trong phum. Sáng sớm, chúng tôi nấu ăn rồi gánh đồ ăn vào rừng để lo bữa trưa. Chiều tối trở về phum làm công tác dân vận, khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân. Đó chính là thời gian quý báu chúng tôi hỏi thông tin từ người dân về mộ liệt sĩ do bà con làm nương phát hiện hoặc nhớ lại khi chiến tranh.
Mỗi khi có thông tin hoặc gặp dấu vết lạ là chúng tôi tản ra khắp cánh rừng để đào tìm. Có những cánh rừng đào tung lên vài ngày mà không có kết quả.
Có lần cả đội hăm hở đào đến chiều mới biết nhiều đám đất cao, thấp giống hình ngôi mộ là do lợn rừng tạo nên từ lâu. Buổi tối, đội lại bàn bạc, rút kinh nghiệm và vào phum gặp người dân tìm kiếm thông tin. Ai cũng biết tôi là nhà báo nhưng được biên chế vào đội VCAER nên mặc nhiên cùng tham gia tìm kiếm, đào xúc đất bình thường, không phân biệt, không quản ngại. Cả tuần, Đội K70 chúng tôi chỉ tìm được vài ngôi mộ vô danh.
Nghe tin Đội K71 (tỉnh Tây Ninh) cách đó hơn 50km tìm được khá nhiều hài cốt, tôi nhờ một chiến sĩ Campuchia chở đến bằng xe honda. Sau gần hai giờ luồn lách băng rừng, tôi đã gặp Đội K71 giữa cánh rừng le xao xác. Anh em hì hụi đào, cất bốc, gói buộc. Chất đất ở đây nhiều sạn sỏi khác hẳn khu vực Kam Pot mà Đội K70 tìm kiếm. Đội trưởng Hồ Văn Nguyên cho biết:
- Chất đất này giúp chúng tôi dễ phát hiện ra mộ bởi vì khi xưa, bộ đội ta đào đất đắp lên mộ, qua mưa, nắng, những viên sạn sỏi sẽ mất liên kết với đất, rời ra, nổi từng đám trên mặt đất, khác hẳn với những viên sỏi ở mặt đất nguyên thổ.
Cứ thế, chúng tôi lại băng rừng, lội suối tìm kiếm mộ liệt sĩ ở các phum Sa Tun, Thơ Ma-đa, Mua Khốt. Mỗi khi tìm được hài cốt liệt sĩ, chúng tôi lại bồi hồi xúc động. Sau hơn một tháng tìm kiếm, lễ đón các anh về đất mẹ được tổ chức với những nghi thức trang trọng tại cửa khẩu Sa Mát.
Sau chuyến đi ấy, tôi viết bút ký dài kỳ đăng trên Báo Quân đội nhân dân mang tên “Đồng đội tôi về đất mẹ” và tổ chức Triển lãm ảnh "Nghĩa tình đồng đội" tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai. Đó là cuộc triển lãm ảnh chung với Trung tá Nguyễn Thiện Minh (sau này, đồng chí Nguyễn Thiện Minh là Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân, Vụ trưởng Vụ 1 thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo) về những hình ảnh của quân đội, nhân dân hai nước bạn Lào và Campuchia.
ĐÀO VĂN SỬ