Ông Đỗ Văn Lâm sinh năm 1946 tại xã Nghĩa Tân, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, nhập ngũ tháng 7-1963 tại Huyện đội Nghĩa Hưng (nay là Ban CHQS huyện Nghĩa Hưng). Đến tháng 10-1963, ông Lâm được điều động về Đoàn 125 huấn luyện y tá khóa 3 tháng. Sau đó ông tiếp tục được huấn luyện kỹ thuật đi biển và sử dụng các loại vũ khí. Tháng 11-1964, chiến sĩ Đỗ Văn Lâm được điều động về Tàu 68 làm nhiệm vụ. Ông nhớ lại:

"Trong khoảng thời gian từ năm 1964 đến 1968, trên con Tàu 68, tôi cùng đồng đội thực hiện thành công 3 chuyến vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam theo Đường Hồ Chí Minh trên biển. Chuyến đầu tiên chúng tôi khởi hành từ bến K15 (Đồ Sơn, Hải Phòng), điểm đến là bến Vàm Lũng (Cà Mau). Thuyền trưởng của tàu là đồng chí Vũ Văn Mong. Tôi là quân y kiêm Khẩu đội trưởng khẩu đội pháo mạn trái tàu. Thời gian tàu xuất phát vào khoảng 9 giờ tối trong tiết trời giá rét cuối tháng 11-1964. Con tàu chở các thủy thủ cùng hàng chục tấn vũ khí và quà tết cho người dân miền Nam. Đến 5 giờ sáng hôm sau, tàu dừng tại đảo Hải Nam. Do biển động nên tàu phải ở lại đảo một tuần rồi mới đi tiếp. Vào đến vùng biển phía Nam, thời tiết ấm dần lên. Đang đi trong đêm tối thì các thủy thủ của Tàu 68 phát hiện có tàu của ngụy theo dõi. Lúc này thuyền trưởng Mong ra lệnh cho thủy thủ tắt hết đèn hành trình rồi luân phiên mở từng ngọn đèn để giả như tàu đánh cá gặp sự cố về đèn. Quân địch vẫn tiếp tục theo dõi tàu khoảng vài giờ, không thấy có gì khả nghi chúng mới rời đi.

leftcenterrightdel
 

Cựu chiến binh Đỗ Văn Lâm. Ảnh: QUANG ĐỨC

Khi Tàu 68 gần đến bến Vàm Lũng thì nhận tin có quân địch ở trong bến, tàu đành phải chạy ra, chạy vào gần bến mất 3 ngày, 2 đêm. Đến đêm thứ ba vào được bến thì tàu lại không bắt được tín hiệu với bến. Lúc này, để tránh địch nghi ngờ, thuyền trưởng Vũ Văn Mong ra lệnh lái tàu chạy ra cửa sông. Đến cửa sông thì nước rút, tàu phải dừng lại rồi dùng dây buộc vào cây đước ven bờ. Buộc dây xong thì nước rút hết, tàu đã nằm trên cạn. Tất cả thủy thủ trên tàu liền chia nhau lên bờ chặt đước đem về ngụy trang tàu giống như một lùm đất giữa lòng sông. Đến 12 giờ trưa, nước bắt đầu lên, chúng tôi cho tàu xuất phát thì gặp xuồng của hai bố con ngư dân địa phương đi đánh cá. Ban đầu họ rất cảnh giác, tưởng tàu chúng tôi là tàu ngụy, nhưng khi biết là Quân Giải phóng, họ mới nói rằng may cho chúng tôi nếu đi sâu vào trong nữa là sẽ gặp bốt gác của địch. Sau đó, hai bố con nhận giúp chúng tôi vào trong đất liền bắt liên lạc với cán bộ của địa phương. Đến 2 giờ chiều, xuồng của hai bố con quay lại báo buổi tối sẽ có người dẫn tàu về bến bốc hàng. Lúc này chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.

Vào đến bến Vàm Lũng, các thủy thủ Tàu 68 phải ở lại hơn một tháng vì quân địch kiểm tra gắt gao. Chúng tôi được người dân địa phương nuôi giấu cho đến khi đã an toàn, tàu mới khởi hành. Đến đầu tháng 2-1965, Tàu 68 về đến bến K15 an toàn".

DUY TIÊN