Đại hội diễn ra từ ngày 4 đến 10-9-1973, tại Căn cứ A7, còn gọi là bộ phận phía sau, nằm ở vùng giáp ranh giữa Đại Lộc với huyện Giằng (nay là huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam). Xin được nói thêm, từ cuối năm 1968 đến 1971, cơ quan Đặc khu ủy Quảng Đà được chia làm hai bộ phận: Bộ phận tiền phương, gồm Thường vụ Đặc khu ủy và Văn phòng Đặc khu ủy đóng ở khu vực núi Nhà Muỗi, thuộc Căn cứ Hòn Tàu (khu vực giáp ranh giữa huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn ngày nay). Bộ phận tiền phương chịu trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo phong trào 3 mũi giáp công ở đồng bằng, theo dõi chỉ đạo phong trào đấu tranh ở Đà Nẵng. Còn bộ phận phía sau (Căn cứ A7) là nơi diễn ra các hội nghị, sơ kết, tổng kết và tổ chức đại hội của Đảng bộ. Để chỉ đạo sát phong trào hơn, tháng 12-1971, Hội nghị Đặc khu ủy Quảng Đà đã quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của đặc khu từ A7 về Căn cứ Tỉnh ủy tại Hòn Tàu. Tại A7 chỉ để lại bộ phận sản xuất tự túc.

Để phục vụ đại hội, lúc bấy giờ, Đặc khu ủy giao đồng chí Phạm Đức Nam, Chủ tịch UBND Cách mạng lâm thời đặc khu, chỉ đạo trực tiếp các cơ quan khối chính quyền lo xây dựng hội trường và khu nhà ở cho đại biểu về dự đại hội. Còn khu vực hậu cứ-nơi làm việc của một số cơ quan khối chính quyền trước đây được sửa lại, đồng thời làm thêm một số nhà xung quanh để sử dụng làm địa điểm họp tổ tại đại hội. Một nhiệm vụ rất quan trọng là công tác hậu cần phục vụ, nhiệm vụ này được giao cho bộ phận quản trị của Văn phòng Đặc khu ủy lo gùi cõng lương thực, thực phẩm.

leftcenterrightdel

Ban Chấp hành Đặc khu ủy Quảng Nam trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Công tác chuẩn bị phục vụ Đại hội Đặc khu ủy Quảng Đà diễn ra trong không khí hết sức vui mừng và phấn khởi trước những bước tiến nhảy vọt của cách mạng miền Nam, trước thế và lực của ta được tăng lên rất mạnh. Lúc này, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc ở miền núi Đặc khu Quảng Đà hết sức vui mừng, phấn khởi và hân hoan chào đón chiến sĩ công binh Trường Sơn đang ngày đêm khai thông đường. Tuyến chi viện chiến lược này từng bước được khai mở từ A Sầu (huyện A Lưới) đến chân đèo Bù Lạch (xã A Nông) qua Trao xuống Bến Giằng, mở ra hệ thống tuyến giao thông huyết mạch liên hoàn đến miền Tây của tỉnh.

Trong thời gian diễn ra đại hội, một sự kiện gây ấn tượng sâu sắc là tổ chức đón tiếp đoàn xe vận tải chở lương thực, thuốc men, súng đạn chi viện cho Mặt trận 44-Quảng Đà. Trên con đường mới mở còn ngổn ngang đất đá, đoàn xe tiến vào khu vực tổ chức đại hội trong tiếng hò reo, vỗ tay không dứt của đại biểu, đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc ở huyện Giằng. Cuộc đón tiếp trở thành cuộc gặp gỡ quân dân hết sức cảm động...

Đồng chí Phạm Thanh Ba, lúc đó là Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà, người trực tiếp chuẩn bị công tác hậu cần phục vụ đại hội, xúc động nhớ lại: “Khác với các lần trước, đại hội lần này được sử dụng lương thực và thực phẩm chi viện từ miền Bắc. Các đại biểu được ăn gạo, thịt hộp, cá hộp, được thưởng thức lương khô, đường, sữa từ miền Bắc chuyển vào. Các đại biểu, đặc biệt là những đồng chí công tác ở vùng ven, vô cùng phấn khởi, có đồng chí cầm bánh lương khô trên tay mà hai hàng nước mắt chảy dài. Họ cảm động không chỉ vì món quà chi viện đầy nghĩa tình của hậu phương miền Bắc ruột thịt mà vì đây là dấu hiệu sự lớn mạnh vượt bậc của ta, báo trước ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược”.

“Được chứng kiến không khí vô cùng nhộn nhịp và khẩn trương trên công trường; thấy những đoàn xe vận tải nối đuôi nhau hối hả chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam, đại hội tỏ rõ một khí thế mới, quyết tâm và niềm tin mới. Mặc dù thực tế trên chiến trường trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng mỗi đại biểu đều thể hiện rõ niềm tin tuyệt đối vào những nhiệm vụ sắp đến”, đồng chí Phạm Thanh Ba nhấn mạnh.

Đại hội Đặc khu ủy Quảng Đà đã đánh giá tình hình địch, ta, những khó khăn, thuận lợi và những bước đi của đảng bộ qua chặng đường máu lửa suốt 19 năm chống Mỹ, cứu nước trên quê hương đất Quảng. Được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương và trực tiếp là Nghị quyết Khu ủy 5 soi sáng, đại hội đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là: Ra sức đánh bại lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta. Hướng tấn công chủ yếu là nhằm vào vùng tranh chấp và vùng địch; phương châm đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao. Đại hội đề ra công tác xây dựng Đảng, chú trọng xây dựng các đảng bộ xã, thôn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tư tưởng phải làm cho cán bộ, đảng viên thấy rõ tình hình với những diễn biến khó khăn, phức tạp và bản chất ngoan cố, hiếu chiến của địch nhằm phá hoại Hiệp định Paris, kéo dài “Việt Nam hóa chiến tranh”. Từ đó tạo cho được chuyển biến nhảy vọt về nhận thức tư tưởng trong cán bộ, đảng viên; quán triệt quan điểm bạo lực cách mạng, phương hướng, phương châm, tình hình nhiệm vụ mới, đánh giá đúng địch, ta, phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công...

Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần này thực sự là đại hội bản lề, tạo nên một niềm tin, quyết tâm mới, đánh dấu một thời kỳ mới cho sự nghiệp giải phóng quê hương. Đại hội đã thổi luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng trong tỉnh, làm dấy lên phong trào thi đua giết giặc lập công trong cán bộ, đảng viên trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị, binh vận.

LÊ NĂNG ĐÔNG 

(Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn hồi ký “Dấu ấn thời gian” và lời kể của đồng chí Phạm Thanh Ba, nguyên Chánh văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà).