Tôi có may mắn được “ngồi” với Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp nhiều buổi khi ông còn có chân trong Trung ương, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Cũng chẳng phải vì tôi có chức tước, vị trí gì mà đơn giản bấy giờ nhà tôi ở cạnh nhà ông-ông ở phố Nguyễn Gia Thiều (phố Ôn Như Hầu xưa) còn tôi ở Trần Bình Trọng (phố Delormé thời Tây) liền kề, vừa là láng giềng vừa là sĩ quan cấp dưới, lại đang được tín nhiệm cùng Đại tá Lê Hải Triều thực hiện tập hồi ký Ký ức Tây Nguyên của ông nên thi thoảng được diện kiến Đặng tướng quân. Cái tôi ghi được, giữ được, cảm nhận được đầy ấn tượng không phải chỉ là những trận đánh, những vấn đề thuộc lĩnh vực nghệ thuật quân sự mà là những năm tháng đi liền với những trận... đói.
 |
Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (thứ hai, từ trái sang) làm việc với các đồng chí lãnh đạo Nhà xuất bản Quân đội, Thư viện Quân đội và những người thực hiện tập hồi ký Ký ức Tây Nguyên (tháng 4-2000). Ảnh do tác giả cung cấp
|
Tướng Hiệp đưa cho tôi đọc cả thảy 21 tập ghi chép viết trong những năm cuối 60, đầu 70 của thế kỷ trước. Tôi đọc thấy không có tập nào là không nói về cái đói trên địa bàn Tây Nguyên. Cuốn ghi năm 1969 viết: “Chiến sĩ B3 được cấp phát trong năm gồm 01 bàn chải đánh răng, 250g xà phòng, 700g thuốc lá...”. Cuốn ghi năm 1970 có thêm mỗi tháng “02 lạng mỡ, 02 lạng mắm kem, 01 cân muối, 12 cân gạo (ai đi trận thì được 0,5 cân đường, 01 hộp sữa, nửa cân đậu xanh, 5 lạng gạo hấp/ngày)...; và ông kể, với những người lính Tây Nguyên, mỗi khi nhớ về những năm tháng chưa xa ấy, có lẽ câu chuyện ám ảnh nhất, ấn tượng nhất, khó quên nhất là câu chuyện về cái đói, sự chiến thắng cái đói, sau đó mới là chuyện đánh giặc. Ông nhớ lại: “...Năm 1966, đến 29 tháng Chạp, ở cơ quan chính trị mặt trận chỉ còn vài chục lon gạo sắn, thực phẩm không có gì. Anh em bàn nhau và quyết nghị: Ngày 30 Tết chỉ một mình Chủ nhiệm trực ở nhà giải quyết công việc, còn hơn hai chục cán bộ phân công nhau đi “kiếm ăn”, đào củ rừng, hái rau, săn bắn... lo Tết. Cái đói dịp cuối năm, áp Tết sau này được đưa vào thơ văn. Cái ống coóng của bộ đội-một cái ống bơ (vỏ đồ hộp) để đun nấu, cải thiện mà dường như người lính Tây Nguyên nào cũng biết. Lính ta đi đâu cũng mang nó theo để hễ gặp bất cứ thứ gì ăn được là bỏ vào, đun lên thành cái ăn. Đó là một nồi “thắng cố”, hổ lốn đủ thứ: Cua cá, tôm tép, chim, chuột, rau củ... tất tật. Cái ống coóng đã được nhà thơ Thanh Thảo cảm hứng làm ra Bài thơ ống coóng-một bài thơ đặc sắc mà nhiều chiến sĩ Tây Nguyên đến nay còn nhớ:
Bài ca của chúng tôi
Là lời ca ống coóng
Hành trang quân Giải phóng
Đơn giản nhất trên đời
Tháng năm sẽ dần phai
Bao bài ca duyên dáng
Nhưng tôi biết giờ đây
Như khắc vào đá tảng
Như vạch vào thân cây
Bài ca của hôm nay
Thô sơ và rực sáng
Nhà thơ viết về cái đói ngoài mặt trận như vậy, còn tướng Đặng Vũ Hiệp thì nhớ mãi những cái Tết không thể nào quên thời chiến tranh. Ông kể, có một năm, quãng 29, 30 Tết gì đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Kon Tum đến chúc Tết Bộ tư lệnh Mặt trận. Đang thời kỳ thiếu đói, khách đến thật khó nghĩ. Dường như thấu hiểu hoàn cảnh của bộ đội, lãnh đạo địa phương đã mang đến một chú heo con nặng... gần chục kí-lô để các đồng chí trong Bộ tư lệnh Mặt trận “bồi dưỡng”, “tẩm bổ”!. Thật là, “Ta nghèo, khách đến thăm ta cũng nghèo...”. Tối hôm đó, lãnh đạo chỉ huy mặt trận lệnh: Mổ heo nấu cháo để toàn thể cơ quan ăn một bữa “tươi” đón Giao thừa, năm mới. Tướng Hiệp bảo: “Đời tôi đã từng có những cái Tết thiếu nghèo nơi quê nhà, cũng đã từng ăn những cái Tết đầy đủ cao sang ở xứ người, nhưng cái Tết ngon nhất, đáng nhớ nhất là cái Tết chiến trường năm ấy. Mỗi lần nhớ về cái Tết ấy, tôi lại thấm thía câu thơ của Nguyễn Trãi thuở nào: Tướng sĩ một lòng phụ tử/ Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào!
Những cái Tết... đói thời chiến tranh-chuyện thật như đùa ấy phải đến hai ba chục năm sau người Mỹ mới hiểu được khi viên Trung tướng Harol Mor-người từng chỉ huy Tiểu đoàn 1 kỵ binh bay Mỹ trong trận thua đau ở thung lũng Ia Đrăng (17-1-1965) gặp Đại tướng Chu Huy Mân, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Thượng tướng Nguyễn Hữu An. Gặp các đồng chí từng chỉ huy Mặt trận Tây Nguyên và được biết bộ đội Việt Nam đã chiến thắng cái gian khổ thiếu thốn như thế nào, đã từng ăn những cái Tết... đói ra sao, họ mới hiểu ra rằng, vì sao họ thua trong cuộc chiến chưa xa.
Thập Tam trại, áp Tết Tân Mão
Ngỗ Vĩnh Bình