Đã hơn 30 năm, trong tâm trí những người lính già, cảm xúc về chuyến bay trong ngày độc lập của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên, trở thành một phần ký ức tươi đẹp mãi mãi không bao giờ quên.
TỪ CHIẾN TRƯỜNG NHẬN NHIỆM VỤ TRỌNG ĐẠI
Năm 1985, Đảng và Nhà nước ta chủ trương tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể 40 năm Ngày Quốc khánh. Quân chủng Không quân được giao nhiệm vụ tham gia bay duyệt binh với đội hình lớn các loại máy bay và trực thăng. Trung đoàn 918 có nhiệm vụ sử dụng máy bay AN-26 bay đội hình 12 chiếc qua bầu trời Quảng trường Ba Đình. Nhớ lại ngày ấy, Đại tá Trần Văn Tuyên, nguyên Phi đội trưởng Phi đội 1 cho biết: “Năm ấy, lực lượng phi công của trung đoàn đang tham gia bay chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở chiến trường Cam-pu-chia. Khi nhận được nhiệm vụ bay duyệt binh trong ngày 2-9, anh em phi công ai cũng phấn khởi, coi đây là niềm vinh dự lớn của bản thân. Dù tham gia chiến đấu hay nhiệm vụ huấn luyện, chúng tôi đều thể hiện ý chí quyết tâm cao, thiết thực chào mừng Ngày Quốc khánh”.
Các cựu phi công Trung đoàn 918 tham gia bay mừng 40 năm Ngày Quốc khánh gặp mặt truyền thống.
Để chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại đó, lãnh đạo, chỉ huy trung đoàn đã tổ chức huấn luyện bay đội hình lớn. Các phi công, thành viên tổ bay được lựa chọn đều là những phi công dạn dày kinh nghiệm đã nhiều lần tham gia bay ném bom, có trình độ bay chiến đấu trong đội hình 6 chiếc, 9 chiếc. Tổ bay ngày ấy bao gồm phi công lái chính, lái phụ, dẫn đường trên không, cơ giới trên không và thông tin trên không. Mỗi biên đội 3 chiếc huấn luyện bay theo đội hình hàng dọc, sau đó tiếp tục ghép đội hình nhiều máy bay hơn. Khó khăn lớn nhất là làm sao hiệp đồng giữa các đơn vị không quân để máy bay cất cánh ở các sân bay khác nhau tập hợp được đội hình, lần lượt bay qua quảng trường đúng thời điểm quy định. Nhờ bản lĩnh và trình độ được rèn luyện trong nhiều năm chiến đấu nên khi tham gia huấn luyện đội hình, các tổ bay đã nhanh chóng hợp luyện thành thục.
Mặc dù thời gian luyện tập vất vả nhưng đồng chí nào cũng cố gắng, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Không chỉ lực lượng phi công, thành viên tổ bay cố gắng mà các thành phần bảo đảm cũng dốc hết sức mình để các cánh bay hợp luyện bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đại tá Mai Quốc Ân, nguyên Chủ nhiệm Kỹ thuật trung đoàn tâm sự: “Phát huy truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể” của bộ đội không quân, toàn bộ lực lượng của trung đoàn ngày ấy đều ăn ở tập trung trong doanh trại và luôn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Từ lực lượng nhân viên kỹ thuật hàng không, hậu cần sân bay, thông tin ra-đa đến tác chiến, dẫn đường… đều tập trung cao độ giúp tổ bay hoàn thành nhiệm vụ được giao”.
CẤT CAO CÁNH BAY TRONG NGÀY QUỐC KHÁNH
Sau bao tháng ngày luyện tập vất vả, ngày lễ trọng đại của đất nước đã đến. Từ sáng sớm 2-9-1985, Sân bay Gia Lâm sôi động trong tiếng động cơ máy bay, xe máy. Tất cả các lực lượng bảo đảm đã làm tốt công tác chuẩn bị trước khi bay.
Thượng tá Nguyễn Bá Nghiêm, nguyên Chủ nhiệm bay trung đoàn nhớ lại: “Buổi sáng hôm đó thật đặc biệt. Ở Sân bay Gia Lâm như có ngày hội lớn, toàn bộ đội hình 12 máy bay AN-26 đã xếp thành hàng dài sẵn sàng cất cánh. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật tập trung từ rất sớm, bảo đảm tình trạng kỹ thuật máy bay tốt nhất. Trước lúc lên máy bay, chúng tôi nhận được những cái bắt tay rất chặt của những người lính thợ như muốn gửi gắm tất cả niềm tin, ý chí quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, chiến sĩ dưới mặt đất lên bầu trời”.
Đúng giờ quy định, 12 máy bay AN-26 đồng loạt nổ máy. Theo lệnh của Sở chỉ huy, Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Hiển dẫn đầu đội hình 12 máy bay vận tải quân sự AN-26 bay qua Quảng trường Ba Đình. Thời gian bay qua quảng trường diễn ra rất nhanh nhưng đó là những khoảnh khắc vô cùng ý nghĩa. Nhớ lại những phút giây ấy, Thiếu tá Bùi Thức Cúc, nguyên Phó phi đội trưởng Phi đội 2 bồi hồi kể lại: “Từ trên cao, tôi thực sự xúc động khi được ngắm nhìn toàn cảnh Lăng Bác và đồng chí, đồng bào ở dưới mặt đất. Khi ấy, trong tôi trào dâng một cảm xúc tự hào thiêng liêng vì nghĩ rằng ở dưới quảng trường, bao ánh mắt đang dõi theo những cánh bay trên bầu trời Tổ quốc. Chính suy nghĩ ấy đã tiếp thêm sức mạnh để tôi thêm vững tay lái bảo đảm chuyến bay an toàn”. Sau khi qua quảng trường, đội hình máy bay vòng về hạ cánh tại Sân bay Gia Lâm. Khi máy bay dừng lại ở khu vực sân đỗ, đông đảo cán bộ, chiến sĩ ào ra chào đón tổ bay đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Những con người ấy đã cùng nhau đồng cam cộng khổ trong chiến đấu thì nay lại cùng nhau hân hoan mừng ngày vui của đất nước.
Thành công của nhiệm vụ bay duyệt binh đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của trung đoàn về công tác chỉ huy bay, công tác bảo đảm và trình độ của đội ngũ phi công, nhân viên bay, góp phần cổ vũ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Đây mãi là kỷ niệm tươi đẹp trong cuộc đời của những phi công Trung đoàn 918.
Bài và ảnh: VŨ DUY